Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:45 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Là một tổ chức chính trị - xã hội, những năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và luôn tích cực đi đầu trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cả nước. Thời gian tới, tinh thần đó tiếp tục được phát huy bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Song Phi phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: qdnd.vn
Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập ngày 06-12-1989. Hiện nay, toàn Hội có 2.917.613 hội viên, sinh hoạt tại 16.462 tổ chức cơ sở Hội trong cả nước. Hội viên Hội Cựu chiến binh luôn mang trong mình phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, có uy tín, trách nhiệm cao, bản lĩnh kiên định, vững vàng, lại được trải nghiệm qua các cuộc chiến tranh cách mạng, rèn luyện, thử thách trong Quân đội; có tính kỷ luật, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm,… nên luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, từ khi Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ Công an ký kết Nghị quyết liên tịch 01/1999/NQLT/BCA-HCCB về việc “Phối hợp vận động toàn dân xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vai trò của Cựu chiến binh càng được chú trọng và thể hiện rõ trong thực tiễn. Bản thân Cựu chiến binh luôn gương mẫu trong thực hiện; đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
1. Các cấp Hội luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị. Theo đó, Hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân đề cao cảnh giác, nắm vững âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Với phương châm “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cán bộ tuyên truyền Cựu chiến binh đã vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các tổ chức Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, hủ tục, tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới. Thực hiện quy chế liên ngành, Hội đã duy trì trao đổi thông tin thường xuyên giữa Cựu chiến binh và Công an trong nắm tình hình, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là ở cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
2. Tích cực tham gia “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm” của Chính phủ. Hội Cựu chiến binh các cấp luôn chủ động phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt Nghị quyết 09/1998/NQ-CP về “Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và “Chương trình hành động quốc gia phòng, chống ma túy” của Chính phủ. Trước hết, từng hội viên và gia đình gương mẫu đi đầu chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương, không vi phạm các tệ nạn xã hội. Hội đã thành lập “Ban Chỉ đạo phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm; phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm” để theo dõi, quản lý, thực hiện. Hằng năm, các cấp Hội đều có kế hoạch, chương trình hành động, sơ kết, tổng kết đối với nhiệm vụ này; coi trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến mang tính đặc thù vùng, miền nhằm tuyên truyền, học tập lẫn nhau, phát huy hiệu quả trong toàn Hội. Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, giao lưu về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc ở 63 tỉnh, thành Hội. Từ thực tiễn hoạt động đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến về công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhiều tỉnh Hội Cựu chiến binh có mô hình “1+1”, “1+2”, “1+3” (mỗi hội viên Cựu chiến binh vận động 1,2,3 hộ liền kề) thành cụm điểm tựa để phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn. Hầu hết các cơ sở Hội đều tổ chức “Tổ nắm tin”, “Tổ an ninh”, “Tổ tự quản” và đăng ký cam kết tới hội viên, gia đình Cựu chiến binh không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; nhiều nơi có loại hình “Tiếng mõ an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh” làm hiệu lệnh để báo động khi có tình huống phức tạp xảy ra. Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An là địa phương đầu tiên có các loại hình “Tổ nắm tin”, “Đội xe Hon-đa ôm Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm”, “Xây dựng lực lượng nòng cốt”1,… để thu thập, cung cấp nhiều tin có giá trị, giúp cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương.
3. Quan tâm xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các tổ chức, lực lượng. Các cấp hội Cựu chiến binh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể khác triển khai xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Hiện nay, cả nước có gần 800 loại mô hình và đang hoạt động có hiệu quả về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em, giữ gìn trật tự xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, phát triển trên tất cả các địa bàn, vùng, miền, các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang tính xã hội hóa cao, đang được nhân rộng và phát huy trong thực tiễn. Nhằm đảm bảo cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, trong quá trình thực hiện, các cấp Hội luôn chú trọng gắn kết với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hội viên gương mẫu, gia đình hội viên văn hóa”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; “Xây dựng nông thôn mới”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn”, v.v. Nhiều địa phương có những mô hình độc đáo, sáng tạo, như: Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre và Quảng Bình có mô hình “Liên tịch tứ trụ” (gồm Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Công an, Quân sự). Riêng tỉnh Quảng Bình còn có mô hình “Vây chặt bắt gọn” và 214 câu lạc bộ “Làng không ma túy” đang nhân rộng trong toàn Tỉnh. Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng có mô hình “Cảm hóa đối tượng phạm pháp, chăm lo gia đình trẻ em cơ nhỡ và vận động quần chúng nhân dân”. Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang có mô hình “Ba chi” (gồm chi bộ, chi hội Cựu chiến binh và chi Đoàn Thanh niên) để cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi, giữ gìn trật tự khu dân cư. Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình có 375 câu lạc bộ ở 128 xã, phường, thị trấn về phòng, chống tội phạm, ma túy với 10.449 thành viên. Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội có hơn 100 câu lạc bộ với trên 1.000 hội viên tham gia mô hình quản lý sau cai nghiện. Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước có 114 câu lạc bộ “Ông kể, cháu nghe” với 3.975 người, chủ yếu sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, tinh thần yêu nước, tình làng nghĩa xóm, lối sống có văn hóa, không tệ nạn,… được nhân dân tin yêu, đồng tình hưởng ứng, v.v. Đó là những mô hình tiêu biểu của lực lượng Cựu chiến binh cả nước trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đang được các tổ chức Hội tích cực triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và chống phá về nhiều mặt; tình hình tội phạm và trật tự, an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp. Công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc được xác định là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, của các lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp, lâu dài và gian khổ, đòi hỏi phải đề cao vai trò của các tổ chức Hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta của các thế lực thù địch. Để làm được điều đó, các cấp hội Cựu chiến binh Việt Nam cần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên Cựu chiến binh và nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong toàn Hội.
Thứ hai, thực hiện tốt Nghị quyết 28, ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam luôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của mình và các hội viên trong triển khai thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tấn công tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và nơi cư trú.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện “Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Cựu chiến binh Việt Nam về đẩy mạnh công tác vận động toàn dân xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” (giai đoạn 2014-2020), nhằm phát huy sức mạnh của mỗi lực lượng trong tổ chức thực hiện.
Với bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội các cấp làm nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trung tướng NGUYỄN SONG PHI, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam _____________________
1 - Từ năm 2013 đến tháng 7-2017, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền được 51.700 buổi với 47.940.470 lượt người; tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân 9.356 vụ; phối hợp cùng Công an và các lực lượng tổ chức tuần tra canh gác 21.314 cuộc với 368.587 lượt Cựu chiến binh; phát hiện cung cấp cho Công an 1.986 tin có giá trị; tham gia phối hợp bắt 175 đối tượng phạm tội, triệt phá 219 tụ điểm ma túy, 9.816 tụ điểm mại dâm; vận động cai nghiện ma túy tập trung 631 người, quản lý sau cai nghiện 3.162 người; tham gia triệt phá trên 3.000m2 cây thuốc phiện và 1.821m2 cây cần sa.
Hội Cựu chiến binh,toàn dân bảo vệ,an ninh Tổ quốc,Việt Nam
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng