QPTD -Thứ Năm, 22/02/2024, 06:46 (GMT+7)
Phát huy vai trò của lực lượng tác chiến không gian mạng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Trước sự phát triển mạnh mẽ của chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đòi hỏi lực lượng tác chiến không gian mạng cần nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần quan trọng cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lực lượng tác chiến không gian mạng là bộ phận quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng; tham gia bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia; sẵn sàng đáp trả đối phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Mặc dù mới thành lập theo yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhưng lực lượng tác chiến không gian mạng luôn nêu cao cảnh giác; trau dồi tinh thông nghiệp vụ; chủ động khắc phục khó khăn; đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Tổng kết công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng mạng cho hệ thống thông tin của Văn phòng Quốc hội

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh 86 triển khai đồng bộ, toàn diện các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả tác chiến trên không gian mạng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, phát triển lực lượng, quy hoạch, bảo đảm vũ khí, trang bị,... được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ ở các cấp; hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng không ngừng được nâng cao. Việc xây dựng, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn mạng được chú trọng; năng lực đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái thù địch, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng từng bước được nâng cao, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng được bảo vệ vững chắc1. Công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ thông tin, an ninh mạng quân sự, quốc phòng và hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội trong tình hình mới.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, trên không gian mạng nói riêng đặt ra yêu cầu rất cao, trong khi lực lượng, phương tiện tác chiến trên môi trường này còn hạn hẹp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá; cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng cũng như việc làm chủ không gian mạng giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt,... đòi hỏi lực lượng tác chiến không gian mạng cần phát huy vai trò nòng cốt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung, giải pháp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trước hết, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Trên cơ sở rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế chỉ ra trong tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, lực lượng tác chiến không gian mạng toàn quân, trực tiếp là Bộ Tư lệnh 86 tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là các phương thức tác chiến thông tin, điện tử, không gian mạng trong các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới; âm mưu, thủ đoạn, phương pháp hoạt động chống phá, tấn công mới của các thế lực thù địch, các loại tội phạm mạng; lực lượng, phương tiện, khả năng phản ứng, xử lý, tác chiến, các yếu tố tác động, cản trở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cả trong thời bình và thời chiến, v.v. Trên cơ sở đó, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đối sách, phương án xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Trong đó, tập trung tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý không gian mạng bằng cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với sử dụng biện pháp kinh tế, hành chính và giáo dục, thuyết phục. Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, an toàn thông tin, an ninh mạng và tác chiến không gian mạng. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin và quy trình phối hợp xử lý các tình huống trên không gian mạng với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, nghị định, chiến lược, luật,… liên quan nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhất là Nghị định số 01/2023/NĐ-CP, ngày 15/8/2023 của Chính phủ Quy định biện pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không gian mạng. Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời thông tin xấu độc, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới. Nâng cao năng lực tham mưu, quản lý nhà nước của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh mạng và hoạt động tác chiến không gian mạng.

Hai là, xây dựng, phát triển lực lượng tác chiến không gian mạng ngang tầm nhiệm vụ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh Quân đội đang đẩy mạnh điều chỉnh lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng tác chiến không gian mạng cần tiếp tục, quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Nghị định số 98/2015/NĐ-CP, ngày 19/10/2015 của Chính phủ về Tổ chức, hoạt động của lực lượng tác chiến không gian mạng, v.v. Tập trung xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng cao “thực sự trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả, để đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Trong đó, chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy vững mạnh gắn với xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức quần chúng, đoàn thể vững mạnh xuất sắc; nghiên cứu hoàn thiện các đề án, đề tài chuyên sâu về phát triển tổ chức, biên chế, duy trì hoạt động lực lượng tác chiến không gian mạng chuyên trách, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong toàn quân; trang bị vũ khí, phương tiện chuyên ngành hiện đại. Tổ chức huấn luyện, giáo dục, đào tạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến không gian mạng độc lập và tác chiến không gian mạng trong các loại hình tác chiến, bảo đảm cho Tổ quốc luôn giành thế chủ động, không bị bất ngờ trước mọi tình huống trên không gian mạng. Tiếp tục xây dựng, mở rộng, phát huy vai trò đấu tranh của lực lượng kiêm nhiệm trên không gian mạng trong toàn quân, toàn quốc, nhất là lực lượng 47. Coi trọng đầu tư bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu quốc gia, phương tiện công nghệ thông tin hiện đại; hoàn thiện hệ thống tự động hóa chỉ huy; tích cực nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong tác chiến ở môi trường mới, đặc thù nhưng rất quan trọng này. Vì thế, lực lượng tác chiến không gian mạng cần tiếp tục bám sát phương châm: “Trinh sát kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, phòng thủ vững chắc” triển khai đồng bộ các phương án trinh sát, phòng thủ, tấn công đáp trả, bảo vệ an toàn hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và hệ thống thông tin quốc gia. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành quản lý, giám sát, phát hiện, ứng cứu, ngăn chặn, xử lý kịp thời các lỗ hổng bảo mật, phần mềm gián điệp, mã độc; vô hiệu hóa hoạt động tấn công mạng, tội phạm công nghệ cao lợi dụng không gian mạng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lực lượng tác chiến không gian mạng chuyên trách toàn quân và lực lượng kiêm nhiệm rộng rãi; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên phạm vi cả nước, xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, quốc phòng, an ninh hiện đại, đồng bộ; ưu tiên phát triển hệ thống công nghệ thông tin, vũ khí mạng bảo vệ hạ tầng trọng yếu của quốc gia và của quốc phòng, an ninh. Kết hợp tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa lành mạnh với đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn văn hóa độc hại, bảo vệ vững chắc nền văn hóa Việt Nam trên không gian mạng. Nghiên cứu hoàn thiện lý luận nghệ thuật tác chiến không gian mạng cả ở cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, phù hợp với tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị, phương tiện chuyên ngành hiện đại; xây dựng tiềm lực, thế trận tác chiến không gian mạng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng vững chắc, hiệu quả. Nâng cao trình độ quản lý, chỉ đạo, điều hành của chỉ huy các cấp trong hoạt động tác chiến thông tin, tác chiến không gian mạng, bảo vệ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, phức tạp nhưng rất vẻ vang, lực lượng tác chiến không gian mạng tiếp tục tham mưu giúp Bộ Quốc phòng tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, rộng khắp; xây dựng văn hóa không gian mạng; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn, bảo vệ an toàn, lành mạnh môi trường mạng; nâng cao năng lực phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng; phát triển phần mềm ứng dụng, xây dựng, hoàn thiện chính phủ điện tử, chuyển đổi số, v.v. Có cơ chế phối hợp, xây dựng huy động nguồn lực khoa học kỹ thuật và công nghệ của các cấp, ngành cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo 35 các cấp, hệ thống cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Quân đội xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế chỉ đạo, hiệp đồng thống nhất thông tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến, tạo nền tảng vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đại tá, ThS. VŨ HỮU HANH, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86
__________________
_

1 - Tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 56/2020/TT-BQP, ngày 05/5/2020 về quy định quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng; Thông tư số 45/2020/TT-BQP, ngày 27/4/2020 quy định về điều phối và ứng cứu sự cố an toàn thông tin, anh ninh mạng trong Bộ Quốc phòng, v.v. Bảo đảm an toàn thông tin mạng phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của Quân đội, đất nước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.