QPTD -Thứ Năm, 19/10/2017, 08:46 (GMT+7)
Phát huy truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo hiện nay

Thời gian dần lùi xa, nhưng âm hưởng của thiên anh hùng ca “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vẫn mãi ngân vang, sáng ngời, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân chủng Hải Quân nhân dân anh hùng. Huyền thoại đó đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, xây dựng ý chí quyết tâm, luyện tập phương án chiến đấu, 18h00 ngày 27-01-1960 (tức 30 Tết Canh Tý), Tiểu đoàn 603 đã tổ chức chuyến vượt biển, chở 05 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V. Chuyến đi không thành, bị tổn thất về người, phương tiện và vũ khí. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động, giải thể và tổ chức nghiên cứu phương án mới. Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, thực hiện chỉ thị của trên, sau khi chuẩn bị kỹ về mọi mặt, các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Bà Rịa lần lượt tổ chức 05 thuyền đưa cán bộ vượt biển ra miền Bắc và đã thành công, tạo cơ sở quan trọng để xúc tiến thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định 97/QP, thành lập Đoàn 759 Vận tải thuỷ1, có nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Sự ra đời của Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo của Đảng ta, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đánh dấu mốc lịch sử về tuyến đường huyền thoại - tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Ngày 23-10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759, ngày nay là Lữ đoàn 125, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Qua 10 năm (1962-1972) kiên gan, bền bỉ đấu trí, đấu lực với sự khắc nghiệt của biển cả, sự bố ráp gắt gao của kẻ thù, với quyết tâm cao, sự chuẩn bị chu đáo và phương châm táo bạo, bí mật, bất ngờ, Đoàn 759 đã tổ chức gần 600 chuyến tàu (vỏ gỗ và vỏ thép với trọng tải khác nhau), vận chuyển gần 33.000 tấn vũ khí các loại, kịp thời chi viện cho các chiến trường ở miền Nam. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn gặp địch là chiến đấu, chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh, địch chăng lối đi này, ta mở lối đi khác, phương thức này không thành, ta tìm ra phương thức khác, v.v. Nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều chiến sĩ vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Huyền thoại của “Đoàn tàu không số” trên con đường bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần trực tiếp cùng quân và dân cả nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1973 - 1975, bằng kinh nghiệm máu xương đã rút ra, Đoàn tiếp tục tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trang bị và bộ đội phục vụ cho chiến trường miền Nam, với cung đường vận chuyển chủ yếu từ Hải Phòng đến Quảng Bình. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn tiếp tục củng cố tổ chức, lực lượng, tăng cường huấn luyện, rèn luyện ý chí chiến đấu cho bộ đội, đảm bảo có lệnh là lên đường. Vượt qua hàng trăm ngàn hải lý đường biển, trong điều kiện khắc nghiệt, bom đạn, thủy lôi dày đặc của không quân, hải quân Mỹ, Đoàn đã vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị, nhiên liệu và hàng chục vạn chiến sĩ phục vụ cho các chiến trường. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn đã vừa vận chuyển người và vũ khí, vừa tham gia chiến đấu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, trong 80 ngày đêm tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Đoàn đã tổ chức 143 lần chiếc tàu ra khơi, hành trình 65.721 hải lý, vận chuyển 18.741 cán bộ, chiến sĩ, 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và các loại súng, pháo, đánh chìm 01 tàu PCF, đánh hỏng nặng 03 tàu khác, gọi hàng 01 tàu, bắt 42 tù binh,... trực tiếp góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Tuyến đường vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc.

Những người lính tàu không số gặp gỡ nhau trong lễ kỷ niệm 55 năm Ngày
mở đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là nét độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo của Đảng ta và là biểu tượng tự hào, hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là trí tuệ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong đó có cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Đoàn 759. Là lực lượng nòng cốt, trong quá trình tìm, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã xây đắp nên truyền thống: (1). Trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. (2). Phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền nhân dân các địa phương và bạn bè quốc tế. (3). Nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả cho cách mạng miền Nam.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam có sự phát triển; trọng tâm, là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Nhiệm vụ chủ yếu của Lữ đoàn 125 là vận tải cho các tuyến đảo xa vừa được giải phóng, phục vụ đi lại của quân và dân cả nước; trong đó, nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Từ tháng 4-1975 đến nay, Đoàn đã tổ chức hàng nghìn chuyến đi, vượt qua hàng trăm vạn hải lý, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí, phương tiện, trang bị, vật liệu và hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ,... phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế.

Hiện nay, yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải Quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại nhằm phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới, rất cao. Vì vậy, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phối hợp với các cấp ở Trung ương và địa phương thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX và XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các chỉ thị, nghị quyết của trên. Thông qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; tình hình tranh chấp trên Biển Đông, những tác động và ảnh hư­ởng đến sự phát triển kinh tế biển, đảo và tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước. Đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết pháp luật quốc tế về biển; ý thức cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mư­u, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đồng thời, nắm vững nội dung các hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan về Biển Đông; chủ trương, đ­ường lối, quan điểm, phương pháp, phương thức của Đảng, Nhà nước giải quyết các bất đồng, tranh chấp chủ quyền trên biển bằng biện pháp hoà bình. Kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tình đoàn kết, hữu nghị với các nước trong khu vực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng biển và ven biển vững mạnh. Các đơn vị trong Quân chủng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải; kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh về chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo. Tập trung xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cùng các lực lượng khác làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Chú trọng phối hợp với trên và cấp ủy, chính quyền địa phương thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để vừa phát triển kinh tế biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ba là, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) Về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân của Quân chủng. Qua đó, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, ý chí quyết tâm chiến đấu, kiên định, mưu trí sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Cùng với đó, các cấp cần củng cố, kiện toàn biên chế tổ chức, hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo, đảm bảo có biên chế hợp lý, tinh gọn, sức cơ động cao. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế; tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống, nghệ thuật quân sự Hải quân Việt Nam. Thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, quyết tâm chiến đấu; nâng cao hiệu quả và năng lực vận tải, chất lượng trực sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa và khả năng hoạt động, tác chiến độc lập, phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng; kiên quyết không để bị động, bất ngờ. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ, vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bốn là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại, nhất là về đối ngoại quốc phòng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của các nước theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, trong thời gian tới, Quân chủng tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu với hải quân của các nước trong khu vực; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, chống cư­ớp biển,... nhằm giữ vững môi trư­ờng hòa bình, ổn định, trật tự an ninh để phát triển kinh tế biển. Tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân lao động sản xuất, ổn định cuộc sống trên các vùng biển, đảo. Cùng với đó, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và tinh thần chủ động, sáng tạo, cần kiệm trong lao động sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”.

Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, “Bộ đội Hải quân - Bộ đội Cụ Hồ” tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Chuẩn Đô đốc PHẠM VĂN VỮNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân
______________

1 - Tháng 8 - 1963, Quân ủy Trung ương chuyển Đoàn 759 về trực thuộc Quân chủng Hải quân và đến tháng 01-1964 đổi phiên hiệu thành Đoàn Vận tải quân sự 125, ngày nay là Lữ đoàn Vận tải quân sự 125.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.