Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:51 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta cho đến thời điểm này đã giành được thắng lợi tốt đẹp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả đó là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 12/2019 với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là chủng mới của virus corona; tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Do cơ chế lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp, nên từ giữa tháng 01/2020 dịch đã bùng phát mạnh, gây “thảm họa toàn cầu”. Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới, đến thời điểm 03/5/2020 dịch đã lan rộng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã có hơn 03 triệu người nhiễm bệnh và hơn 200 nghìn người tử vong; nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều quốc gia dự báo tăng trưởng âm trong năm nay.
Với đặc điểm có 1.281 km đường biên giới đất liền và là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, nên nguy cơ dịch bệnh từ Trung Quốc lan sang Việt Nam là rất lớn. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai một loạt các biện pháp ngăn chặn dịch (cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới), nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều người Việt Nam từ nước ngoài hồi hương, nên ngày 22/01/2020, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên và số lượng người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng cũng tăng dần. Trước tình hình đó, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để chiến thắng đại dịch. Tiếp đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để thực hiện mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, triển khai một loạt biện pháp, như: cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người tham gia, tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh doanh (trừ các mặt hàng thiết yếu); khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến; tổ chức sàng lọc cách ly ngay tại các cửa khẩu, sân bay; hủy bỏ các hoạt động du lịch, v.v.
Theo đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã đoàn kết chung sức, đồng lòng vừa ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội, kết hợp khôi phục, phát triển kinh tế. Đến 05/5/2020, cả nước ghi nhận 271 người nhiễm bệnh và đã có 232 người khỏi bệnh, chưa có bệnh nhân tử vong. Điều mà các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền y học hiện đại hơn nước ta nhiều lần đã không làm được.
Đáng tự hào là, trong khó khăn, hoạn nạn của đại dịch, tất cả những người con đất Việt từ các nước trở về quê hương đều được đón tiếp chu đáo trong các khu cách ly, không phân biệt tôn giáo, địa vị, giai tầng xã hội. Hơn nữa, Chính phủ còn tổ chức chuyến bay đến tận vùng tâm dịch đón công dân về nước. Qua đại dịch, nhiều người đã nhận thức rõ hơn về đất nước Việt Nam, nơi mình sinh ra; ở đó, có tình người sâu đậm, mang tính nhân văn sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt. Mặt khác, nhiều nhà hảo tâm, doanh nhân, nhà khoa học ở nước ngoài đã hưởng ứng, chung tay đóng góp vật chất, thiết bị y tế, tiền của cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Tất cả điều đó, đã làm lan tỏa những giá trị văn hóa Việt và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân - giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Sức mạnh đoàn kết đó bắt nguồn từ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, toàn dân Việt Nam luôn đoàn kết một lòng theo Ðảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, một lần nữa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc lại kết thành làn sóng mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức cùng Đảng, Chính phủ thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Tất cả các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội đều nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam,… tất cả đều vào cuộc bằng các hình thức, biện pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động. Thật xúc động khi nhiều cụ bà tuổi cao, các Mẹ Liệt sĩ,… đã chống gậy mang tiền, quà ủng hộ những người đang làm nhiệm vụ trên tuyền đầu chống dịch. Các doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ cột của nền kinh tế; có doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Chương trình nhắn tin Chung tay phòng, chống dịch chỉ trong thời gian ngắn đã thu được kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê sơ bộ, số tiền và hàng ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Điều đó không chỉ là tiềm lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, mà còn biểu hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong khó khăn, truyền thống đoàn kết, dũng cảm, kiên cường của người dân Việt Nam lại bừng sáng.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế trên tuyến đầu trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, dù biết có thể nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nhưng tất cả đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng” trong bộ đồ bảo hộ tạm cách ly gia đình trong nhiều ngày; hàng nghìn sinh viên năm cuối các trường y tình nguyện tham gia chống dịch và hàng nghìn y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu đăng ký, sẵn sàng tham gia cùng đồng đội trên tuyến đầu chống dịch, v.v.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy bản chất, truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân,…”, vào cuộc với tinh thần chủ động, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để mang lại sự bình yên, an toàn cho nhân dân. Mặc dù thời tiết mưa lạnh, nhưng hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện công tác dã ngoại huấn luyện, ăn, ngủ trong các lán trại nơi rừng sâu, núi thẳm để nhường doanh trại làm khu cách ly tập trung. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thức trắng thâu đêm để lo từng bữa ăn, chăm sóc giấc ngủ cho gần nửa triệu người trong các khu cách ly tập trung. Bộ đội Biên phòng ngày đêm tuần tra, chốt chặn trên từng đường mòn, lối mở nơi biên giới, không cho dịch lây lan vào trong nội địa; đồng thời, tích cực tuyên truyền cho đồng bào dân tộc về phòng, chống dịch. Hình ảnh của các anh đã làm lay động đến mọi con tim. Lực lượng Công an cùng hệ thống chính trị ở cơ sở tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch, v.v.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của đất nước đã vào cuộc, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Mặc dù đất nước còn nghèo, nhưng Đảng và Nhà nước đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhà nước đã quyết định chi 62.000 tỷ đồng, kết hợp với tăng cường xã hội hóa để giúp đỡ các đối tượng nghèo bị ảnh hưởng từ đại dịch. Mặt khác, mỗi công dân đã thể hiện rõ trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước, chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đây, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, từ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo sức mạnh to lớn trong công tác phòng, chống dịch. Qua đại dịch còn bồi đắp thêm cho các tầng lớp nhân dân về niềm tin tưởng, tự hào về con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã chọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Với truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch này.
MẠNH DŨNG
đại đoàn kết toàn dân tộc,phòng,chống đại dịch COVID-19
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng