Thứ Ba, 17/09/2024, 23:24 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở đầu và đặt nền móng cho truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp. Thắng lợi này không những khẳng định sức mạnh chính trị - tinh thần của lớp cha anh đi trước, mà còn là niềm tự hào, động lực mạnh mẽ để nâng cao bản lĩnh chính trị cho Bộ đội Tăng thiết giáp hiện nay.
Sau 9 năm thành lập, mùa Xuân năm 1968, Bộ đội Tăng thiết giáp đã ra quân và giành chiến thắng giòn giã trong trận đầu ở cứ điểm Tà Mây - Làng Vây, góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 của Mỹ - ngụy, dồn địch vào thế bị động, đối phó, phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta. Chiến thắng này do nhiều nguyên nhân; trong đó, sức mạnh chính trị - tinh thần của Bộ đội Tăng thiết giáp có vai trò to lớn.
Sức mạnh đó được thể hiện trước hết ở tinh thần khát khao được chiến đấu để thống nhất đất nước của Bộ đội Tăng thiết giáp. Ngày 05-10-1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 449/NĐ về việc thành lập Trung đoàn Tăng 202, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Bộ đội Tăng thiết giáp. Ngay sau ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ đều có chung nguyện vọng là sớm được tham gia chiến đấu bằng vũ khí, trang bị của mình. Nguyện vọng đó đã thôi thúc họ ngày đêm miệt mài học tập, rèn luyện, huấn luyện, diễn tập với bộ binh và các binh chủng khác. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã vào chiến trường Đông Nam Bộ, phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, lấy xe tăng địch để đánh địch; từng bước làm chủ vũ khí, trang bị, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Khát khao được chiến đấu đã thúc giục mọi cán bộ, chiến sĩ ra trận với niềm tin mãnh liệt và tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường cùng quyết tâm sắt đá. Tinh thần, ý chí đó đã theo từng bước chân của bộ đội, để từ đó làm nên “cuộc hành quân lịch sử” - cuộc hành quân bằng xích dài nhất của xe tăng, có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Ngày 14-10-1967, từ Lương Sơn (Hòa Bình), Tiểu đoàn Tăng 198 thực hiện cuộc hành quân bí mật vào chiến trường. Đó là cuộc hành quân lịch sử, bởi mỗi mét đường mà xe đi qua đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và khắc ghi những nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ xe tăng. Yêu cầu đề ra là đưa đơn vị tăng vào chiến trường phải đảm bảo bí mật theo nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói”. Họ đã làm tất cả những gì có thể để thực hiện được yêu cầu đó: khoác vải trắng để dẫn đường cho xe đi; xóa sạch từng vết xích; trồng lại cây và tưới cho nó sống khi xe đi qua, v.v. Hành quân trên đường rừng núi hiểm trở, máy bay địch đánh phá ác liệt khiến xe tăng bị hư hỏng nhiều (bánh đỡ vỡ hết phần cao su, chốt xích mòn vẹt, vấu xích gãy, cong, vênh, rạn, nứt,...), nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn (đảo từng mắt xích, lắp xen kẽ mảnh xích lành với mảnh xích hỏng) để tiếp tục hành quân với khát vọng sớm được đọ sức với quân thù. Sau hơn 50 ngày đêm, vượt trên 1.000 km dưới mưa bom, bão đạn của địch và nhiều tình huống, thử thách xảy ra, Tiểu đoàn đã đến vị trí tập kết với 100% trang bị chiến đấu, người và xe an toàn.
Đưa xe tăng vào chiến trường đã gian khổ, nhưng đánh thắng địch mới là khó khăn lớn nhất. Sức lực đã giảm, nhưng tinh thần, khát khao được tham gia chiến đấu, cống hiến, góp sức để chiến thắng kẻ thù thì luôn cháy bỏng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ xe tăng. Điều đó đã giúp họ bước vào trận chiến với tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng. Sự xuất hiện của xe tăng ta trên chiến trường là một bất ngờ lớn đối với Mỹ - ngụy. Chúng chỉ có thể tính toán, dự báo được khả năng cơ động của những cỗ máy với những con người bình thường, chứ không thể đo đếm được sự phi thường của những chiến sĩ đang sục sôi, khát khao được sử dụng những trang bị của mình để chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Địch phán đoán ta sẽ tiến công Làng Vây từ hướng Tây, nhưng ta đã chọn hướng Nam - hướng “không thể vượt qua” để đánh. Cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh, bí mật, bất ngờ đưa xe tăng bơi dọc sông Sê Pôn, tiến công chủ yếu vào hướng Nam. Khi xe tăng ta xuất hiện, địch bị động đối phó, chống cự rất quyết liệt, một số cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh. Nhưng với tinh thần “còn người, còn xe, còn chiến đấu”, lực lượng xe tăng ta đã phát huy sức mạnh đột kích, cùng bộ binh nhanh chóng thọc sâu, chia cắt tiêu diệt địch. Chỉ sau 4 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ căn cứ Làng Vây, giành chiến thắng oanh liệt trong trận đầu ra quân.
Ý chí quyết tâm, những nỗ lực vượt gian khó và cả sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp trong trận đầu ra quân đánh thắng là bài học vô giá, động lực tinh thần to lớn cho thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng”, xây dựng lực lượng Tăng thiết giáp vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng đột kích của Quân đội ta. Trong đó, thấm nhuần và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến thắng trận đầu để xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội, bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Binh chủng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó là hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Binh chủng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, xây dựng niềm tin, lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ. Để làm nên chiến thắng Tà Mây - Làng Vây, cán bộ, chiến sĩ luôn có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí kiên cường, dũng cảm và khát khao được chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Đó cũng là động lực chính tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần của người chiến sĩ. Bản lĩnh chính trị của Bộ đội Tăng thiết giáp hiện nay cũng cần được xây dựng trước hết từ yếu tố đó. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, nhất là đường lối quân sự, quốc phòng; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về đối tượng, đối tác,... để mọi cán bộ, chiến sĩ thấu suốt nhiệm vụ, tuyệt đối tin tưởng và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thống, làm cho giá trị lịch sử to lớn của trận đầu ra quân đánh thắng thấm sâu vào tâm trí cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực thôi thúc và khơi dậy niềm vinh dự, tự hào trong họ, từ đó xây dựng ý thức, trách nhiệm, khát khao được gìn giữ, phát huy truyền thống anh hùng trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Binh chủng và lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân cần đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng huấn luyện sát thực tế, sát nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng tác chiến,... bảo đảm cho bộ đội nắm vững, làm chủ vũ khí, trang bị, phương án, đối tượng tác chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng cho họ tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng tự tin trong xử lý các tình huống; kịp thời phát hiện những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, những băn khoăn, lo lắng của bộ đội. Tuyên truyền, giáo dục, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ niềm tin vào cách đánh, vũ khí, trang bị của ta, thấy được vai trò quyết định của yếu tố con người trong chiến đấu để bộ đội có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh, quyết thắng”, sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi nếu chiến tranh xảy ra.
Hai là, phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Hiện nay, cùng với tác động nhiều chiều của đời sống xã hội, điều kiện sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp còn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt; môi trường hoạt động tiêu hao nhiều sức lực và dễ mắc bệnh nghề nghiệp; vũ khí, trang bị, kỹ thuật dù đã được đầu tư nhưng còn hạn chế. Vì vậy, tinh thần của cuộc hành quân bằng xích lịch sử, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất cần tiếp tục được giáo dục và phát huy đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ để họ vượt qua chính mình, không ngại khó, ngại khổ, tích cực học tập, rèn luyện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tinh thần đoàn kết “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đã trở thành biểu tượng cao đẹp, tạo nên ý chí, sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Để phát huy tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, tạo môi trường văn hóa, dân chủ, trong sạch, lành mạnh để mọi cán bộ, chiến sĩ phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần giáo dục, quán triệt để mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ ý nghĩa to lớn của công tác dân vận, có tinh thần yêu dân, trọng dân, gần dân; từ đó, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động giúp đỡ nhân dân, nhằm giữ vững và phát huy mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ1.
Ba là, nâng cao khả năng tự miễn dịch cho bộ đội, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trước sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ và sự lợi dụng, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, để Bộ đội Tăng thiết giáp có được bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin tuyệt đối như các chiến sĩ tham gia chiến đấu và chiến thắng trận đầu năm xưa, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng. Thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ, nhất là trước những sự kiện phức tạp, nhạy cảm. Qua đó, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng trong các tình huống, không dao động trước những khó khăn, thử thách và tác động của thông tin xấu độc, trái chiều.
Tự hào, trân trọng truyền thống anh hùng “Đã ra quân là đánh thắng”, đồng thời phát huy giá trị, sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến thắng trận đầu để nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ là yếu tố quan trọng, cần nhận thức đúng và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Làm tốt điều đó sẽ góp phần xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp vững mạnh, tạo sức đột kích mới để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng VŨ MẠNH TRÍ, Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp _____________
1 - Trong chiến thắng trận đầu, Bộ đội xe tăng đã được nhân dân các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là nhân dân xã Thuận giúp đỡ giữ bí mật khu trú quân, trinh sát nắm địch, dùng thuyền độc mộc vận chuyển đạn pháo, bình điện cho xe tăng,... góp phần làm nên chiến thắng.
Tăng thiết giáp,Tà Mây,Làng Vây,chính trị,tinh thần
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*