QPTD -Thứ Hai, 17/01/2022, 11:36 (GMT+7)
Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống

Trong thời bình, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,… được coi là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Quân đội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, quan tâm xây dựng, nâng cao nhân tố chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Những thảm họa thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng,… ngày càng đặt ra thử thách nghiệt ngã đối với mọi quốc gia, dân tộc; sự tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19 đã nói lên tính chất nguy hiểm đó. Đối với Việt Nam, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu sâu, rộng và đậm nét: “thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống,... tiếp tục diễn biến phức tạp”1. Vì vậy, phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống là vấn đề cấp bách đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn dân; trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đối phó với các thách thức này; trong đó, khơi dậy và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là mạch nguồn, “chất keo” kết dính tất cả các nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phòng, chống hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, luôn tiên phong, xung kích đi đầu, có mặt ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, hy sinh tính mạng vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Sự vào cuộc của Quân đội trong phòng, chống thiên tai, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn; đặc biệt, sự tham gia trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là minh chứng sinh động nhất khẳng định vai trò tiên phong, xung kích, thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình của Quân đội, góp phần tô thắm truyền thống và làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Thời gian tới, các thách thức an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường cả về quy mô, tính chất, mức độ nguy hiểm, tác động sâu rộng, nguy hại, ngày càng khắc nghiệt hơn: “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp,... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”2. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu cao đối với Quân đội trong việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, bảo đảm toàn quân một ý chí, chung sức, đồng lòng, luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong phòng, chống các thách thức của an ninh phi truyền thống. Để đạt hiệu quả cần tập trung làm tốt những vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Đây là vấn đề cơ bản bảo đảm cho các tổ chức, lực lượng luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tập trung quán triệt nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống, giúp cho bộ đội nhận thức đúng về đặc điểm, tính chất, nội dung, phạm vi ảnh hưởng, những nguy hại của các thách thức an ninh phi truyền thống; thấy rõ được vai trò của Quân đội và việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống. Từ đó xác định: tham gia phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên, sự tiếp nối của việc phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của Quân đội. Để đạt hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên nắm chắc tình hình thực tiễn, nhất là những vướng mắc, bất cập để kịp thời có chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nhân tố chính trị - tinh thần. Trong tình hình hiện nay, cần thông qua hoạt động của Quân đội trong phòng chống thiên tai, thảm họa, nhất là phòng, chống đại dịch Covid-19 để các tổ chức, lực lượng thấy rõ vai trò tiên phong, xung kích vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình, bộ đội luôn chủ động đến với dân, không quản ngại khó khăn, hy sinh tính mạng, xông pha trên tuyến đầu vì cuộc sống bình yên của nhân dân, lan tỏa phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Hai là, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong đó, cần tiếp tục giữ vững và gia tăng các nội dung cốt lõi trong nhân tố chính trị - tinh thần, như: tập trung khơi dậy và nâng cao các giá trị của chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của dân tộc và của Quân đội; khơi dậy ý chí quyết tâm, tinh thần chịu đựng, khắc phục khó khăn, gian khổ của bộ đội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc nhiệm vụ phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống để chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân. Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần vận dụng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị, thông qua tọa đàm, diễn đàn và phong trào Thi đua Quyết thắng để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhất là những tấm gương hy sinh anh dũng trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, đại dịch Covid-19 thời gian qua. Tiến hành đồng bộ các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, công tác chính sách trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay.

Ba là, tổ chức tốt công tác huấn luyện, diễn tập, là vấn đề thiết thực bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn nắm vững và xử lý thuần thục các phương án, các tình huống xảy ra trong phòng, chống các thách thức, an ninh phi truyền thống; qua đó, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, ý chí, quyết tâm cao không quản ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống các thách thức, an ninh phi truyền thống. Các cấp cần coi trọng việc xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng, chống các thách thức, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai, sự cố, dịch bệnh tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường, thảm họa,.... không để bị động, bất ngờ. Tích cực, chủ động chuẩn bị các trang thiết bị, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho các nhiệm vụ. Tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ và thường xuyên để bộ đội nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, kỹ năng, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đồng bộ, khoa học khi thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức tốt các đợt diễn tập phòng, chống các thách thức, an ninh phi truyền thống theo hướng “trực tiếp, thiết thực, hiệu quả”, với phương châm “4 tại chỗ”3. Chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, các địa phương để kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống.

Bốn là, huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, lực lượng trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Để phát huy hiệu quả nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng trong Quân đội. Theo đó, cần sớm có quy chế để thực hiện tốt hơn nữa việc phối hợp giữa Quân đội với các tổ chức, các lực lượng; nhất là với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân ở các địa phương trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Các đơn vị thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án sát với tình hình địa bàn và có tính khả thi cao. Đồng thời, cần thống nhất, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, chỉ huy theo hướng trực tiếp, thiết thực, hiệu quả tạo nên sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay.

Năm là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để phát huy ưu điểm, các thành tựu đã đạt được và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu quả nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống. Do đó, các cơ quan chức năng của Quân đội cần đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn về nhiệm vụ này; qua đó, chủ động nghiên cứu nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hiện nay. Nghiên cứu tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về các vấn đề phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, bổ sung hoàn thiện tư duy lý luận về phòng ngừa và ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong tình hình mới. Nghiên cứu, đề xuất, ban hành và thực hiện hiệu quả các quy chế, đề án về phối hợp hoạt động giữa Quân đội với Công an và các tổ chức, lực lượng trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thiếu tướng, PGS, TS. ĐẶNG SỸ LỘC* - Đại tá, PGS, TS. VÕ VĂN HẢI **
__________________

* - Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

** - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị.

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 106 - 107.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 108.

3 - Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.