Thứ Ba, 10/09/2024, 01:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đảm bảo cho quốc phòng còn hạn hẹp, toàn quân tiếp tục triển khai thực hiện đúng hướng, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Năm 2016, công tác tài chính quân đội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo cho toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ngành Tài chính quân đội chủ động nắm vững tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tài chính, ngân sách quốc phòng. Chất lượng lập dự toán và phân bổ dự toán ngân sách có nhiều tiến bộ. Công tác điều hành, chấp hành dự toán ngân sách được tiến hành chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Mặc dù khả năng ngân sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng toàn quân đã chủ động cân đối toàn diện, khoa học, đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm kịp thời tài chính cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, nội dung chi mới trong năm, ưu tiên bảo đảm tốt cho các mục tiêu, trọng tâm lớn theo định hướng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực được tăng cường. Hiệu quả, hiệu lực và nền nếp công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi, quản lý giá1 được nâng lên một bước, v.v.
Tuy nhiên, công tác tài chính quân đội trong năm qua vẫn còn những hạn chế. Phân bổ ngân sách cho cấp trực tiếp chi tiêu ở một số ngành, đơn vị chưa triệt để. Công tác kiểm soát chi, quản lý giá, quản lý, sử dụng nguồn thu ở một số đơn vị, lĩnh vực thực hiện còn thiếu chặt chẽ. Một số nội dung chi triển khai chưa tích cực, giải ngân, quyết toán chậm, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản; tình trạng chi ngân sách dồn vào quý cuối năm chưa được khắc phục triệt để, v.v
Năm 2017, toàn quân tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X đề ra; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển, yêu cầu cao. Đây cũng là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); nhiều chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành. Nhu cầu chi ngân sách cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tăng lên, nhưng về cơ bản ngân sách đảm bảo không tăng so với năm 2016. Trước tình hình đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và ngành Tài chính quân đội cần phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, chủ động bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, có các biện pháp đồng bộ, tập trung khắc phục khó khăn, giải quyết hợp lý sự mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng ngân sách, bảo đảm cho toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Trước hết, các ngành, đơn vị cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các biện pháp điều hành, thực hiện dự toán ngân sách chặt chẽ, dân chủ, công khai. Vừa qua, việc xây dựng dự toán ngân sách quốc phòng năm 2017 đã được các đơn vị trong toàn quân tiến hành đúng định hướng, chất lượng được nâng lên. Phát huy kết quả đó, các ngành, đơn vị cần khẩn trương cân đối, tiến hành phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, đảm bảo toàn diện, triệt để, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp đến đối tượng sử dụng, theo đúng thứ tự ưu tiên, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành; hạn chế tối đa việc mua sắm tập trung, cấp phát hiện vật; chú ý dự phòng phù hợp với biến động tăng giá và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, v.v. Số ngân sách chờ phân bổ do chưa đủ yếu tố phân cấp từ đầu năm, các đơn vị phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ chi và thực hiện phân bổ theo quy định. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, các ngành, đơn vị cần quán triệt và xác định rõ dự toán ngân sách được giao là chỉ tiêu pháp lệnh, là khả năng tối đa của cấp trên giao để hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Từ đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác tài chính; có biện pháp linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, chấp hành nghiêm dự toán ngân sách được duyệt, nhất là tăng cường dân chủ, minh bạch, công khai, không để nảy sinh cơ chế “xin - cho” trong phân bổ ngân sách. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính kiên quyết tiết giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực giữ vững các cân đối lớn và ưu tiên giữ ổn định đời sống bộ đội, đảm bảo cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các chế độ, chính sách mới có hiệu lực trong năm 2017 và các chương trình, mục tiêu, dự án trọng điểm đã xác định. Trên cơ sở chỉ tiêu ngân sách được giao, cơ quan tài chính các cấp tích cực nắm, dự báo sát tình hình thị trường và căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị để tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy phương án chi tiêu, đầu tư, mua sắm, đặt hàng sản xuất,… chủ động triển khai thực hiện dự toán ngân sách, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, thanh toán, khắc phục tình trạng chi dồn vào cuối năm và hạn chế tác động tiêu cực do lạm phát, v.v. Cùng với đó, các ngành, đơn vị tích cực tạo lập, huy động các nguồn tài chính theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, để góp phần tăng khả năng cân đối ngân sách đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng huy động nguồn hỗ trợ của địa phương, các bộ, ngành chi cho công tác quân sự, quốc phòng và tăng cường nguồn thu từ nội bộ, nhất là thu từ chuyển đổi, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, từ tăng gia sản xuất, dịch vụ và huy động vật tư, hàng hóa tồn kho, thanh lý tài sản theo quy định, v.v.
Toàn quân tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản. Các ngành, đơn vị quán triệt và chấp hành nghiêm Quy chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tài chính, Quy chế công khai tài chính; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về ngân sách, tài chính, tài sản; tăng cường phân cấp ngân sách cho đơn vị cơ sở, kết hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi nguồn lực, nhất là việc thực hiện chi tiêu. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, của đơn vị trực tiếp thụ hưởng ngân sách và cơ quan tài chính các cấp trong quản lý, kiểm tra, giám sát, sử dụng tài chính, tài sản. Theo quy định, người chỉ huy (chủ tài khoản) phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và người chỉ huy cấp trên về mọi mặt hoạt động công tác tài chính, từ lập dự toán, đến chấp hành ngân sách, phân bổ, điều hành chi tiêu và quản lý các nguồn tài chính, tài sản của ngành, đơn vị mình.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tài chính các cấp tiếp tục sử dụng đồng bộ các công cụ, biện pháp nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong các đơn vị Quân đội. Trong đó, chú trọng gắn bảo đảm với giám đốc về tài chính, duy trì nghiêm các chế độ, nguyên tắc công tác tài chính; quản lý chặt chẽ các loại kinh phí (kể cả nguồn kinh phí không cấp qua Bộ Quốc phòng), các dự án đầu tư, nguồn vốn gối đầu, cấp trước, dự trữ sẵn sàng chiến đấu; quản lý quỹ vốn, tiền mặt; quản lý nguồn thu, hoạt động có thu ở đơn vị và tăng cường biện pháp quản trị, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản, vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp Quân đội, v.v. Đặc biệt, với việc thực hiện tiền tệ hóa tiêu chuẩn, chế độ trong điều kiện nền kinh tế thị trường, cơ quan tài chính các cấp phát huy hơn nữa chức năng kiểm soát, nhất là kiểm soát chi, quản lý giá, quản lý tài chính trong đấu thầu, xét thầu; tiếp tục thực hiện tốt việc thẩm định giá; tăng cường công khai, minh bạch trong thẩm định giá, duyệt giá sản phẩm quốc phòng. Cùng với đó, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ chi tiêu (ở thời điểm có lợi), kết hợp tăng cường kiểm soát chi, đảm bảo giám đốc tài chính chặt chẽ trước, trong, sau chi tiêu, kiên quyết không để chi sai nội dung, vượt định mức dự toán. Các ngành, đơn vị tiếp tục mở rộng đấu thầu trong mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; trong đó, chú ý hạn chế các hình thức có tính cạnh tranh không cao, như: chỉ định thầu và tự thực hiện. Để thực hiện tốt phương thức cấp phát, thanh toán vốn đầu tư theo quy định mới, các đơn vị chú trọng quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ khâu quy hoạch, khắc phục việc bố trí vốn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ trình duyệt, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt là các công trình hoàn thành trước năm 2015, nhằm xử lý dứt điểm nợ đọng; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, báo cáo khối lượng hoàn thành để giải ngân, thanh toán, không để phát sinh nợ tồn đọng mới. Thời gian tới, toàn quân tập trung làm tốt việc lập Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2017 - 2020, từ nguồn ngân sách quốc phòng thường xuyên, đảm bảo tính khả thi cao, làm cơ sở cho triển khai thực hiện.
Phát huy kết quả đã đạt được, các ngành, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tài chính ở các cấp. Cơ quan tài chính tích cực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị tổ chức kiểm tra, thanh tra tài chính theo kế hoạch. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tự thanh tra, kiểm tra tài chính tại đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của cơ quan nghiệp vụ với kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tập thể quân nhân và giữa kiểm tra thường xuyên với đột xuất. Nội dung kiểm tra chú ý tập trung vào việc quản lý, phân phối, sử dụng nguồn thu; quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, các nội dung chi tiêu lớn, v.v. Cục Tài chính chỉ đạo đẩy mạnh kiểm toán nội bộ theo chuyên đề và lĩnh vực; đồng thời, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để tiến hành kiểm toán theo luật định. Sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thiếu sót và biện pháp khắc phục. Các ngành, đơn vị phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; qua đó, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra vi phạm kỷ luật, kỷ cương, quy định trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.
Cùng với đó, toàn quân đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí trong công tác tài chính. Đây là một nội dung quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản; vì vậy, các ngành, đơn vị phải thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt, không được xem nhẹ. Cơ quan tài chính các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về tiết kiệm, chống lãng phí trong điều hành dự toán ngân sách. Việc thực hành tiết kiệm, chống tiêu cực, lãng phí cần được các ngành, đơn vị triển khai đồng bộ trong mọi khâu, lĩnh vực hoạt động công tác tài chính, từ lập kế hoạch, quy hoạch, dự toán đến điều hành, chi tiêu, sử dụng, thanh quyết toán, bằng các biện pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, v.v.
Trên cơ sở quán triệt, nắm vững nhiệm vụ tài chính, ngân sách quốc phòng, ngành Tài chính quân đội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện công tác tài chính, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2017.
Đại tá, TS. LƯU SỸ QUÝ, Cục trưởng Cục Tài chính ____________
1 - Năm 2016, toàn Ngành đã thẩm định 2.488 mức giá. Qua thẩm định, duyệt giá, đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 262 tỷ đồng.
Tài chính quân đội,phân bổ,sử dụng hiệu quả
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo