QPTD -Thứ Năm, 23/04/2020, 08:54 (GMT+7)
Nhà máy Z175 nâng cao hiệu quả sản xuất quốc phòng, kinh tế
Nhà máy Z175 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su 75) được thành lập ngày 26/4/1968, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - là doanh nghiệp Quân đội chuyên sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật chất lượng cao phục vụ quốc phòng - an ninh và góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Những năm gần đây, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn vốn còn nhiều khó khăn; cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng gay gắt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ,... Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy luôn xác định: nhiệm vụ sản xuất quốc phòng là trọng tâm hàng đầu, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế để duy trì tiềm lực phát triển quốc phòng. Từ đó, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới, đầu tư công nghệ; đa dạng hóa các sản phẩm, nhạy bén tìm kiếm, mở rộng thị trường; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển1. Đặc biệt, Nhà máy đã chủ động đi trước một bước về chuẩn bị nguồn nhân lực, đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn, là lực lượng nòng cốt tạo ra những giá trị mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, Nhà máy không những vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn vững bước phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu từ 10% trở lên; hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và Quân đội; đảm bảo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Với thành tích đó, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (26/4/1968 – 26/4/2018), Nhà máy được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2019, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Thi đua. Đây là kết quả nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức của Nhà máy; đồng thời, khẳng định uy tín, vị thế và thương hiệu Cao su 75 trên thương trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để Nhà máy tiếp tục phát triển vững chắc.
Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng kiểm tra sản phẩm hộp sắt bảo quản đạn - ngòi do Nhà máy sản xuất

Trong tiến trình phát triển của mình, Nhà máy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng trong xu thế hội nhập hiện nay bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên chức. Để đạt hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Nhà máy tích cực đổi mới cả về nội dung, phương pháp; trong đó, coi trọng việc giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, từng bước cụ thể hóa vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập; đòi hỏi mỗi người phải nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong giáo dục, Nhà máy vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với phong trào Thi đua Quyết thắng và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đồng thời, chăm lo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, tạo động lực chính trị, tinh thần, đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chủ động cơ cấu lại Nhà máy theo hướng: tinh, gọn và hiệu quả, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm quốc phòng - an ninh bền vững. Kiên định với chiến lược lấy sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật làm ngành nghề kinh doanh cốt lõi; các ngành khác là phụ trợ, kiên quyết không đầu tư ra ngoài ngành, Nhà máy mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động đầu tư không hiệu quả; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tham quan, đào tạo nâng cao nghiệp vụ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên. Tiếp tục rà soát biên chế, tổ chức, luân chuyển, bố trí nhân viên phù hợp năng lực sở trường; áp dụng thực hiện đánh giá kết quả công việc theo hình thức mới (chỉ số KPI); kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành thời gian, tác phong, kỷ luật lao động. Trước hết, tổ chức sản xuất bảo đảm tiến độ, chất lượng sản phẩm phục vụ quốc phòng nhóm 1 được giao từ các nguồn ngân sách (lốp pháo đặc, hộp sắt bảo quản đạn ngòi; áo phòng da cách ly hóa học, sản phẩm của các dự án đặc biệt,…). Duy trì ổn định và mở rộng các sản phẩm nhóm 2 (ống cao su chịu dầu, chịu hóa chất; cáp tín hiệu, điều khiển; bánh tì xe tăng; thùng dầu mềm máy bay Su22, Mi8; tấm cao su chống tích điện và các chi tiết phụ tùng cao su,…) cho các quân chủng, binh chủng. Đồng thời, đa dạng hóa kinh doanh, cơ cấu lại vốn, tài sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh.

Công tác tổ chức, quản lý của Nhà máy được điều chỉnh theo hướng: giữ nguyên cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành, nhưng tiến hành rà soát, bổ sung, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của từng xưởng, phòng, ban và trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý các cấp. Tích cực đề ra nhiều giải pháp thực hiện chương trình Kaizen-5S với tinh thần “cải tiến để phát triển” nhằm nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tăng cường thực hiện phân quyền, giao quyền tự chủ cho cấp dưới trong bộ máy quản lý, nhằm thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của từng vị trí trong hệ thống tổ chức; vận động cán bộ, công nhân viên tập trung vào cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, tự động hóa, giảm lãng phí. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống có giá trị, như: băng tải cao su, tấm cao su; ống cao su các loại, khuôn cao su đá ốp lát; đệm chống va tàu; đệm cập tàu, xuồng; phụ tùng cao su kỹ thuật cho khai thác dầu khí, than, khoáng sản, xi măng, nhiệt điện, phân bón, xây dựng, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường là: xuất khẩu các sản phẩm cao su kỹ thuật và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các bộ phận tập trung tổ chức áp dụng phần mềm vào công tác quản lý sản xuất; tích cực đổi mới công tác lập kế hoạch sản xuất đảm bảo khả thi; cải tiến công tác tổ chức sản xuất khoa học, nhạy bén, linh hoạt. Đẩy mạnh công tác thị trường, gắn công tác bán hàng với thu hồi công nợ; chủ động nắm chắc thông tin thị trường trong tham gia đấu thầu; kịp thời điều chỉnh giá bán sản phẩm để tăng cạnh tranh; nâng cao dịch vụ sau bán hàng; không ngừng củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác thị trường; đẩy mạnh quảng bá trên các kênh thông tin, phát huy hiệu quả trang Web song ngữ, v.v

Ba là, tích cực nghiên cứu khoa học và đảm bảo kỹ thuật cho sản xuất. Chất lượng sản phẩm là sự sống còn của Nhà máy, nên Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy lãnh đạo, chỉ đạo tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sửa chữa, nâng cấp thiết bị và lập trình giám sát trên các dây chuyền (Luyện 270L, cán tráng, hộp sắt,...); hợp lý hóa một số thiết bị sản xuất và lắp đặt các thiết bị đầu tư mới (dây chuyền sản xuất ống cao áp, máy ép 4.500T, thiết bị sản xuất lốp quân sự); lắp đặt dây chuyền luyện 100L và nghiên cứu hệ thống cân đong, giám sát; nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, hoàn thiện hệ thống đảm bảo năng lượng (điện, nước, khí nén, hơi bão hòa); tăng cường quản lý thiết bị, tiết kiệm năng lượng; thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn sản xuất; công tác môi trường, v.v.

Để đạt hiệu quả, Nhà máy đảm bảo đầy đủ, kịp thời các tài liệu kỹ thuật cho sản xuất, nhất là sản xuất quốc phòng; tập trung nghiên cứu cải tiến ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (ưu tiên sản phẩm quốc phòng và vật liệu sản xuất băng tải cao su); triển khai có hiệu quả đề tài Lốp máy bay Su30. Tích cực đổi mới phương pháp tổ chức, hoạt động và xây dụng kế hoạch nhiệm vụ cụ thể đối với Ban nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu sản xuất sản phẩm trên dây chuyền thiết bị mới đầu tư (ống cao áp, khuôn đá); rà soát chuẩn hóa hệ thống quy trình, tài liệu công nghệ sản xuất theo hướng trực quan; đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác chế thử sản phẩm; thực hiện nghiêm quy trình nghiệm thu sản phẩm; chủ động xử lý kịp thời phát sinh trong sản xuất; coi trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hướng vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới. Trong sản xuất, Nhà máy duy trì nghiêm quy định về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015; phát huy năng lực phòng thử nghiệm, công tác đo lường; chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng trên các dây chuyền, tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, nâng cao trách nhiệm của người lao động đối với chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đào tạo công tác quản lý chất lượng, nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát chất lượng; duy trì, nâng cao hiệu quả Kaizen-5S và nâng chuẩn thực hiện chương trình quản lý này, v.v.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác tài chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy chế của Đảng ủy Nhà máy, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Tích cực huy động các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thanh quyết toán tài chính đúng nguyên tắc, quy định; áp dụng hóa đơn điện tử; chủ động phân tích giá thành sản phẩm hằng tháng đảm bảo chính xác số liệu; thường xuyên thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Kịp thời điều chỉnh định mức lao động phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tốt các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; tiếp tục sửa đổi quy chế tiền lương, gắn nâng cao thu nhập với năng lực, đóng góp của người lao động.

Hội nhập và phát triển là tất yếu khách quan, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp tự xác định đường hướng, lựa chọn bước đi phù hợp, hiệu quả. Thị trường được coi như sân chơi chung, bình đẳng,… trong bối cảnh đó, Nhà máy Z175 tiếp tục kiên trì thực hiện chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2030; phát huy những giá trị cốt lõi, nắm chắc tình hình, tận dụng thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, chủ động hội nhập để phát triển.

Thượng tá, ThS. PHAN CHIẾN THẮNG, Giám đốc Nhà máy
_____________________

1 - Năm 2019, giá trị sản xuất của Nhà máy đạt gần 400 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 22 tỉ đồng; thu nhập bình quân của người lao động trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.