QPTD -Thứ Năm, 12/09/2024, 20:23 (GMT+7)
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*

III. Yêu cầu phát triển trong tình hình mới     

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh vượt trội để giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc. Nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng theo đó được hình thành, từng bước phát triển cả về lý luận và trong thực chiến. Đó là nền nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân đặc sắc, độc đáo, đáng tự hào, đạt đến đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù vậy, chúng ta không thỏa mãn dừng lại với những gì đã đạt được, mà trái lại cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển nó lên một trình độ mới cao hơn. Sự phát triển của khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự cần phải liên tục. Nó vốn đã phát triển, đã đặc sắc cần phải phát triển hơn nữa, đặc sắc hơn nữa. Đó là vấn đề khách quan và chỉ có như thế mới thích ứng được với tình hình luôn thay đổi mau lẹ, phức tạp, khó lường, đồng thời mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cả trong hiện tại và tương lai.

Biên đội Su-27 của Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân trong buổi thực hành ban bay mẫu. Ảnh: qdnd.vn

Đảng ta nhận định, trong những năm tới khó có thể xảy ra chiến tranh quy mô lớn đối với nước ta, nhưng xa hơn về lâu dài thì không loại trừ. Tất nhiên, đó là điều chúng ta không hề muốn và sẽ là thảm họa đối với đất nước nếu nó xảy ra. Vì thế, Đảng ta khẳng định “có kế sách ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”1. Xét tổng thể, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là cách tốt nhất, mục tiêu cao nhất và luôn là khát vọng của nhân dân ta kể từ khi giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng trong bối cảnh phức tạp hiện nay, giải pháp dù tốt đến mấy cũng không được coi là duy nhất, mà phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác, như thế mới đảm bảo sự cẩn trọng, chắc chắn, một mặt nhằm đủ sức răn đe, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột; mặt khác, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức của các thế lực thù địch nếu chúng liều lĩnh tiến hành đối với nước ta. Muốn thế, ngay từ trong thời bình, chúng ta phải tranh thủ thời gian, củng cố, tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước, trọng yếu là quốc phòng, an ninh; trong đó, “cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia,…”2 theo định hướng của Đảng.

Để nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, điều quan trọng trước hết là phải bám sát thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột gần đây trên thế giới, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, Israel - Hamas, v.v. Trong đó, cần chú ý sự phát triển mới của các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, xu hướng và cách sử dụng, nhất là phương thức tiến hành chiến tranh, loại hình, hình thức tác chiến,… làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự của ta, kịp thời bổ sung những nội dung mới phù hợp, hiệu quả. Lý luận phải luôn gắn với thực tiễn, bởi nghệ thuật quân sự là lĩnh vực khoa học có tính đặc thù rất cao nên nguyên lý đó càng trở nên đặc biệt; một khi xa rời thực tiễn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn thì không chỉ vô nghĩa mà còn dẫn đến hậu quả khôn lường. Cho nên trong quá trình nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự phải hết sức coi trọng vấn đề này. Cùng với đó, tư duy nghiên cứu phải sáng tạo, linh hoạt, tránh máy móc, bảo thủ, dẫn tới hiệu quả nghiên cứu không cao, làm chậm sự phát triển của nghệ thuật quân sự.

Hiện nay đang xuất hiện nhiều hình thức chiến tranh, như: chiến tranh trên không gian mạng, chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử, chiến tranh liên minh, chiến tranh ủy nhiệm, v.v. Hay nói cách khác là chiến tranh phức hợp với phương thức thực hành chiến tranh đa dạng, nên bên bị tiến công sẽ thường chịu nhiều sức ép, rất khó đối phó. Vì thế, khi nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự phải luôn bám sát những phát triển mới đó, phân tích kỹ từng loại hình chiến tranh, tính chất, mức độ lợi hại, điểm mạnh, yếu để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả. Vấn đề về không gian, thời gian là những yếu tố cơ bản của nghệ thuật quân sự cũng cần có cách nhìn phù hợp với tình hình. Trước đây, bên tiến công do những khó khăn về đảm bảo hậu cần, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, dư luận,… nên có xu hướng đánh nhanh, giải quyết nhanh, vì thế chiến tranh diễn ra trong thời gian ngắn, không gian hạn chế. Nhưng dường như quan điểm này đã có sự thay đổi, cuộc xung đột Nga - Ukraina là một minh chứng. Ban đầu, các chuyên gia quân sự có chung nhận định cuộc chiến này sẽ không kéo dài, nhưng thực tế thì ngược lại. Bất chấp những khó khăn và thiệt hại của cả hai bên, cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Yếu tố thời gian và không gian trong chiến tranh là nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự, chỉ đạo tiến hành chiến tranh. Chiến tranh diễn ra trong thời gian ngắn hay dài, không gian rộng hay hẹp, nếu ta nhận định đúng hoặc không đúng sẽ chi phối, tác động trực tiếp tới quá trình chuẩn bị và thực hành chiến tranh, theo đó sẽ có kết quả tương ứng: thắng lợi hoặc thất bại. Cho nên không được coi nhẹ vấn đề này, cần phải luôn bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, khả năng của cả hai bên để trên cơ sơ đó có sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện, trong đó có nghệ thuật quân sự, tránh bị động, sai lầm.

Thực tiễn cho thấy, sự phát triển của nghệ thuật quân sự luôn gắn liền với sự phát triển của lực lượng vũ trang, quân đội, nhất là tổ chức lực lượng, biên chế vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, v.v. Hiện nay, Quân đội ta đang được đầu tư xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức đảm bảo cân đối, thành phần lực lượng hợp lý, làm tiền đề đến năm 2030 xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định. Thực hiện mục tiêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và cũng là nguyện vọng chính đáng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vấn đề đặt ra đối với nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện nay là phải bám sát mục tiêu, yêu cầu và thực tiễn đó để có sự nghiên cứu, phát triển tương ứng ở trình độ cao hơn.

Quá trình nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự phải quán triệt, nắm vững Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các chiến lược chuyên ngành, như: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Bởi Nghị quyết trên của Đảng ta đã nêu rõ những quan điểm cơ bản, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể bảo vệ Tổ quốc cả về kinh tế, quốc phòng, quân sự, an ninh, đối ngoại, v.v. Đó là cơ sở lý luận quan trọng đảm bảo cho nghệ thuật quân sự phát triển đúng hướng.

Một vấn đề nữa chúng ta cần coi trọng là phương pháp tác chiến (cách đánh) trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc sẽ thế nào, thay đổi ra sao để giành chiến thắng? Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghệ thuật quân sự của ta có sự phát triển không ngừng, đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối chiến tranh, nhưng mặc dù vậy phương pháp tác chiến cũng chỉ ở mức hiệp đồng binh chủng, sự tham gia của không quân, hải quân còn hạn chế. Trong tương lai, nếu nước ta bị xâm lược, khi đó chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc sẽ phát triển ở trình độ rất cao, với phương pháp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Do đó việc sử dụng lực lượng, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, xây dựng thế trận và những yếu tố cơ bản của nghệ thuật quân sự cũng sẽ rất khác theo hướng có lợi đối với ta. Một điểm nhấn về địa lý, địa hình mà chúng ta không thể bỏ qua và xem nhẹ là nước ta dài và hẹp, vùng biển rộng, dễ bị chia cắt chiến lược, nên việc tổ chức tác chiến phòng thủ đất nước rất phức tạp, khó khăn. Vậy phải chuẩn bị phương án, kế hoạch tác chiến các cấp, nhất là cấp chiến lược sẽ thế nào, giải pháp ứng phó các tình huống ra sao và tác chiến bằng lực lượng, vũ khí, phương tiện kỹ thuật gì là chủ yếu,…? Đó là những vấn đề quan trọng đòi hỏi nghệ thuật quân sự phải nghiên cứu, giải quyết, nhằm đảm bảo sự chủ động, hiệu quả tác chiến phòng thủ.

Nhưng bất luận có như thế nào, nghệ thuật quân sự phát triển ra sao thì chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ rất cao (do sự phát triển tổ chức lực lượng quân đội và vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại) với lực lượng tham gia là toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) làm nòng cốt. Thực hiện phương thức tác chiến đặc trưng: kết hợp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn của các binh đoàn chủ lực, quân chủng, binh chủng với tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương; trong đó, lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với nền tảng là thế trận khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) liên hoàn, vững chắc cả trên đất liền, biển đảo được tổ chức xây dựng và không ngừng củng cố ngay từ thời bình, được điều chỉnh, bổ sung, chuyển hóa trong suốt quá trình chiến tranh. Về phương án, tình huống và các giải pháp thực hiện đã được nghiên cứu, xác định trong các chiến lược chuyên ngành, nhất là Chiến lược quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới. Vì thế, trong quá trình nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự phải căn cứ vào đó và lấy đó làm cơ sở quan trọng, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Mục đích của phát triển nghệ thuật quân sự, xét đến cùng không có gì khác là nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quân sự trong thực chiến, trọng tâm là lực lượng, thế trận “mưu, kế, thế, thời”, thời gian, không gian chiến tranh, v.v. Chúng ta tin rằng, với truyền thống, bề dày kinh nghiệm và trên cơ sở nền nghệ thuật quân sự đặc sắc được tạo dựng qua thực tiễn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược cùng với tư duy sáng tạo, khách quan, khoa học,… nghệ thuật quân sự Việt Nam sẽ phát triển đúng hướng, lên tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

MẠNH HÀ - QUANG HỢP - CAO CƯỜNG
________________
        

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 7/2024.

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 156.

2 - Sđd, tr. 159.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.