QPTD -Thứ Ba, 05/04/2016, 16:01 (GMT+7)
Ngành Y tế với sự nghiệp quốc phòng

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Bộ Y tế luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự, góp phần xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện.

PGS.TS. Phạm Lê Tuấn trao chìa khóa xe máy kèm bộ cấp cứu lưu động cho đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Ảnh: moh.gov.vn)

Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; trong đó có chính sách quy định liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh.

Nhiều năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Ngành và sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành và toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe của nhân dân. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo nền tảng phát triển y tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Nổi bật là, hệ thống chăm sóc sức khỏe từ Trung ương đến địa phương ngày càng hoàn thiện. Chất lượng dịch vụ y tế, bệnh viện; hệ thống chính sách bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh và viện phí; y tế dự phòng; chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,... ngày càng cao. Các hoạt động quân - dân y kết hợp đạt hiệu quả thiết thực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở Bộ và các cơ sở y tế ngày càng đi vào chiều sâu.

Để có được kết quả đó, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng.

Một là, tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức Ngành về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Những năm gần đây, Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-8-2008 của Bộ Chính trị (khoá X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Để thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Bộ coi trọng chỉ đạo các đơn vị chấp hành nghiêm Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ thuộc diện đối tượng 1, 2, báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo triển khai thông báo sớm để cán bộ chủ động sắp xếp công việc cơ quan, gia đình tham gia các lớp học theo quy định. Nhờ đó, năm 2015, 100% đối tượng 1 và 60 % đối tượng 2 thuộc cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 220 cán bộ thuộc đối tượng 3; kết quả kiểm tra 100% đạt khá, giỏi. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở các nhà trường thuộc Bộ, được Bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Năm 2015, 100% sinh viên hoàn thành nội dung, chương trình môn học. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng khác trong Ngành được thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phù hợp, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nên đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức trong Ngành đối với sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ngành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự của Bộ đã tham mưu giúp Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ chủ động xây dựng chương trình hành động, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, Bộ chỉ đạo cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch: bảo đảm quốc phòng năm đầu chiến tranh, động viên công nghiệp, phòng không nhân dân, phòng chống khủng bố, v.v. Ban Quân - dân y cấp Bộ đã chỉ đạo ban - quân dân y các quân khu, các tỉnh (thành phố) xây dựng địa lý y tế quân sự quân khu, các tỉnh (thành phố) làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo đảm y tế cho quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chỉ đạo y tế các tỉnh, thành phố xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch cấp mình. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Quyết định 317/QĐ-TTg, ngày 07-02-2013 “Về việc phê duyệt Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành liên quan thực hiện và tập trung nguồn lực đầu tư cao nhất cho y tế biển, đảo; tạo sự công bằng đối với các lực lượng và nhân dân đang công tác, sản xuất, sinh sống trên biển tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao; giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng lực lượng Ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng chiến lược phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển y tế cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều kết hợp với bảo đảm quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước; trong đó, ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tại các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khi thực hiện, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành tập trung đầu tư ngân sách cho các vùng, miền, Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và các huyện đảo; có nhiều giải pháp hỗ trợ, củng cố hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, chú trọng các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao ở các chuyên ngành, chuyên khoa quan trọng; trực tiếp cử chuyên gia về cơ sở bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế. Đồng thời, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, nâng cao sức khỏe nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, để đáp ứng mọi tình huống quốc phòng, Bộ chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, phân tuyến, vùng, xây dựng các cụm bệnh viện khu vực: Bắc, Trung, Nam.

Bốn là, chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Bộ Y tế chủ động triển khai xây dựng kế hoạch động viên, bao gồm cả con người và phương tiện, trang bị y tế, đảm bảo số lượng, chất lượng và sẵn sàng động viên theo chỉ tiêu được giao. Thực hiện Quyết định 137/2005/QĐ-TTg, ngày 09-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng lực lượng dự bị động viên Ngành tại các địa phương, gồm: bệnh viện khu vực, bệnh viện dã chiến và đội điều trị trên toàn quốc; chỉ đạo triển khai diễn tập lồng ghép với diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) theo chỉ tiêu Chính phủ giao; bồi dưỡng kiến thức y học quân sự, khả năng đáp ứng nhiệm vụ của quân nhân dự bị. Cùng với đó, tích cực bổ sung trang thiết bị y tế cho các đơn vị dự bị động viên, chú trọng các tỉnh biên giới và các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Ban quân - dân y các cấp xây dựng đơn vị dự bị động viên cấp mình và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ theo các phương án, bảo đảm sẵn sàng huy động khi có tình huống quốc phòng. Một số địa phương đã gắn việc triển khai diễn tập đơn vị y tế dự bị động viên trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), làm chuyển biến nhận thức, ý thức và trách nhiệm của lực lượng này. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo diễn tập lực lượng dự bị động viên các cấp: diễn tập bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Định (năm 2013), đội điều trị dự bị động viên tỉnh Hòa Bình (năm 2015). Qua đó, rút kinh nghiệm hoàn thiện quy trình xây dựng các đơn vị dự bị động viên Ngành làm cơ sở hướng dẫn các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh xây dựng các tổ, đội: phòng chống dịch, chuyển thương, chuyên khoa, cứu thương,... và giao chỉ tiêu theo quy định tại Nghị định 129/2014/NĐ-CP, ngày 31-12-2014 của Chính phủ “Về giao chỉ tiêu huy động Ngành Y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp”.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp quân - dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Do biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, phức tạp, gây tổn thất lớn về người và tài sản của nhân dân. Trước tình hình đó, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng chỉ đạo ban quân - dân y các cấp xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa do thiên tai và quá trình phát triển kinh tế - xã hội gây ra. Nhờ có sự chuẩn bị tốt mọi mặt, cả về lực lượng, vật chất, phương tiện cơ động và tại chỗ, những năm qua, chúng ta đã khắc phục nhanh, hiệu quả một số thảm họa, như: sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; bão, lụt khu vực miền Trung, Tây Nguyên; dịch cúm A (H1N1, H5N1), dịch sốt rét, v.v. Các chương trình y tế quốc gia, như: Tiêm chủng mở rộng, Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Phòng chống HIV/AIDS, Dân số - kế hoạch hóa gia đình,… được triển khai, thực hiện hiệu quả trên toàn quốc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Ban quân - dân y cấp Bộ chỉ đạo các địa phương thành lập phân đội cơ động phòng chống dịch. Riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thành lập 02 đội quân - dân y cơ động phòng chống sinh học và 01 đội cấp cứu nhiễm xạ, sẵn sàng ứng phó thiên tai, thảm họa và các tình huống quốc phòng. Thực hiện Chỉ thị 25/2004/CT-TTg, ngày 29-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới”, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) ra quyết định thành lập và quy hoạch hệ thống cơ sở khám chữa bệnh kết hợp quân - dân y từ Trung ương tới địa phương. Đến nay, trên toàn quốc đã xây dựng được: 09 bệnh viện, 04 trung tâm, 34 bệnh xá, 138 phòng khám và 835 trạm y tế quân - dân y. Các cơ sở này cùng với y tế địa phương tạo thành mạng lưới rộng khắp ở các vùng, miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng chính sách khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe,... của Nhà nước; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành Y tế luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PGS, TS. PHẠM LÊ TUẤN, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.