Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:45 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Trải qua 65 năm (18-6-1949 – 18-6-2014) xây dựng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, ngành Vận tải Quân sự đã có sự phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm cho các hoạt động quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ đột xuất khác.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bộ đội Vận tải luôn nêu cao tinh thần “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, có mặt trên khắp các chiến trường, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, vận chuyển hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm triệu tấn vật chất, binh khí kỹ thuật,… bảo đảm kịp thời cho các hoạt động tác chiến, từ những trận đánh nhỏ, đến các chiến dịch quy mô lớn. Đó cũng là quá trình vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa thực hiện nhiệm vụ để không ngừng trưởng thành của ngành Vận tải Quân sự (VTQS); cùng quân và dân ta lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Ngành VTQS tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Vận tải anh hùng, xây dựng vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, Ngành VTQS, trước hết là Cục Vận tải đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng cục Hậu cần (TCHC) nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận tải (CTVT), tạo sự chuyển biến toàn diện trong hoạt động của Ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mặt CTVT, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, v.v.
Với thành tích đạt được, có 86 lượt tập thể, 66 cán bộ, chiến sĩ ngành VTQS vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và các phần thưởng cao quý khác.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội có bước phát triển mới, đặt ra cho ngành VTQS những nhiệm vụ nặng nề, với mục tiêu, yêu cầu cao hơn. Trong khi đó, hệ thống tổ chức, biên chế, trang bị, phương tiện của Ngành có mặt chưa theo kịp xu thế phát triển; hàng hóa vận chuyển dễ gây mất an toàn; hoạt động vận tải phải tiến hành trong điều kiện giao thông phức tạp và chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, mặt trái của kinh tế thị trường,… Trước bối cảnh đó, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành đã và đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực toàn diện, chất lượng, hiệu quả CTVT; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nâng cao năng lực nghiên cứu, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp về công tác VTQS. Cơ quan, đơn vị vận tải các cấp quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác Hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, làm cơ sở nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là ở cấp chiến lược về VTQS. Ngành hướng trọng tâm vào nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng VTQS phù hợp với quy hoạch tổ chức Quân đội; đầu tư nâng cao năng lực của lực lượng vận tải (LLVT) các cấp; đổi mới, hoàn thiện phương thức vận tải,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ VTQS trong tình hình mới. Trước mắt, Ngành tập trung nghiên cứu, tham mưu cho TCHC và BQP đẩy mạnh kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị vận tải trong toàn quân; trong đó, ưu tiên hoàn thiện tổ chức biên chế LLVT thủy, LLVT của các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại; nghiên cứu xây dựng LLVT thuộc lữ đoàn bộ binh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu cho BQP quy hoạch đầu tư mua sắm, thực hiện tốt việc đổi mới, hiện đại hóa trang bị, phương tiện vận tải (PTVT), phù hợp với khả năng ngân sách, yêu cầu phát triển của Quân đội. Tham mưu với cấp trên và các địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực, thế trận vận tải trong các khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng xây dựng LLVT dự bị động viên; xây dựng cơ chế, chính sách động viên, huy động phương tiện, LLVT thuộc các thành phần kinh tế phục vụ cho quốc phòng,... Đây là tiền đề quan trọng giúp nâng cao năng lực VTQS các cấp và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đảm bảo cho toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Hai là, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng cơ quan, đơn vị vận tải vững mạnh toàn diện. Thực hiện định hướng của BQP, trong thời gian tới, Cục Vận tải tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức biên chế các đơn vị VTQS theo hướng “chính quy, tinh, gọn”, đồng bộ ở cả 03 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật); ưu tiên phát triển LLVT chiến lược, chiến dịch và thống nhất tổ chức, kiện toàn LLVT thủy trong toàn quân. Cùng với đó, Ngành đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trọng tâm tập trung vào xây dựng đơn vị vận tải “Chính quy - An toàn - Hiệu quả”; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB,NV), chiến sĩ vận tải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tay nghề theo từng vị trí công tác. Thực hiện vấn đề này, vận tải các cấp chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CB,NV, làm tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành trước mắt và lâu dài. Để khắc phục những tồn tại về tổ chức biên chế LLVT ở một số đơn vị, nhất là tình trạng mất cân đối và thiếu cán bộ, lái xe, lái tàu, thợ kỹ thuật bậc cao, thợ sửa chữa dòng xe thế hệ mới, các đơn vị cần thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp đào tạo mới, đào tạo lại với đào tạo chuyển cấp, chuyển loại; đào tạo tại các nhà trường với huấn luyện, bồi dưỡng tại đơn vị,... Các đơn vị vận tải cần tiếp tục duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện, tập huấn CTVT hằng năm; chú trọng đổi mới công tác huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết 690-NQ/ĐU của Đảng ủy TCHC về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, các đơn vị vận tải tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; lấy huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, huấn luyện chiến thuật chuyên ngành làm trọng tâm, huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở; tăng cường huấn luyện kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ CB,NV, thợ kỹ thuật. Nội dung huấn luyện đảm bảo toàn diện nhưng chuyên sâu, sát với nhiệm vụ, đối tượng, loại hình vận tải, phù hợp với sự phát triển của công tác hậu cần và yêu cầu xây dựng Ngành trong tình hình mới. Trong đó, coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng tham mưu, tổ chức hiệp đồng, trình độ quản lý, chỉ huy điều hành vận tải cho cán bộ các cấp; tăng cường huấn luyện bảo đảm an toàn giao thông; huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng cơ động, giải tỏa nhanh hàng hóa, bảo đảm vận tải cho các loại hình, hình thức tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; huấn luyện làm chủ khai thác, sử dụng các trang bị, PTVT hiện có, nhất là PTVT thế hệ mới, hiện đại. Mặt khác, đơn vị vận tải các cấp chủ động xây dựng và tích cực tổ chức luyện tập theo các tình huống, phương án được giao; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cơ động làm nhiệm vụ được ngay khi có lệnh; đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương, ngành Giao thông Vận tải xây dựng, quản lý chặt chẽ lực lượng, PTVT dự bị động viên, sẵn sàng huy động khi có tình huống.
Ba là, tiếp tục đổi mới trang bị, PTVT theo hướng hiện đại, phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng VTQS từng cấp. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng hiện nay, phần lớn các loại phương tiện ô tô, tàu thuyền của các đơn vị vận tải trong toàn quân thuộc thế hệ cũ, qua sử dụng nhiều năm, đã xuống cấp; nhiều phương tiện tính năng kỹ, chiến thuật không còn phù hợp,... Trước thực tế đó, cùng với chỉ đạo các đơn vị tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang bị, phương tiện hiện có, Cục Vận tải tiếp tục tham mưu cho BQP từng bước đổi mới trang bị, PTVT theo hướng hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng cấp và khả năng ngân sách, để nâng cao năng lực của lực lượng VTQS. Trước hết, ưu tiên cho vận tải cấp chiến lược, chiến dịch và ưu tiên PTVT làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, phương tiện chuyển tải lên đảo. Cục tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của BQP, nhất là Tổng cục Kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ mua sắm, bổ sung trang bị, PTVT thủy cho các đơn vị theo kế hoạch; đặc biệt là, thực hiện Dự án Biển Đông, hải đảo để tăng cường trang bị PTVT thủy cho cấp chiến lược. Năm 2014, Ngành tiếp tục triển khai đầu tư trang bị xe vận tải nhẹ cho các đơn vị mới thành lập, các đồn Biên phòng; đóng mới và trang bị một số PTVT thủy cho các quân khu và bộ đội Trường Sa,... Mặt khác, Ngành đẩy mạnh công tác nghiên cứu cải tiến trang bị, phương tiện; rà soát, luân chuyển PTVT giữa cấp chiến lược và chiến dịch, phù hợp với tình hình thực tế.
Bốn là, coi trọng làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật và hoàn thiện phương thức tổ chức vận tải. Đây là một nội dung quan trọng quyết định đến hiệu quả CTVT. Vì vậy, Ngành tiếp tục huy động các nguồn lực, đầu tư nâng cao năng lực bảo đảm của lực lượng kỹ thuật ở đơn vị vận tải các cấp, nhất là các trạm, xưởng sửa chữa PTVT cấp chiến lược theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐƯQSTW. Trong đó, coi trọng đầu tư chiều sâu công nghệ, mua sắm các trang, thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa chuyên ngành hiện đại cho các trạm, xưởng; đồng thời, ưu tiên đồng bộ các công trình xa để tăng khả năng sửa chữa cơ động. Các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật; đẩy mạnh công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, PTVT theo phân cấp; chú trọng nâng cao chất lượng sửa chữa tại đơn vị. Các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, xây dựng đơn vị vận tải “Chính quy - An toàn - Hiệu quả” và các hoạt động hội thao, hội thi tàu thuyền, xe máy,... gắn với thực hiện Cuộc vận động 50, duy trì tốt hệ số kỹ thuật của các loại PTVT theo quy định.
Cùng với đó, Ngành tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức vận tải theo hướng tăng cường phân cấp vận chuyển một cách linh hoạt; sử dụng kết hợp lực lượng, PTVT trong và ngoài Quân đội một cách hợp lý, phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường, để tăng cường sức mạnh của lực lượng VTQS, nâng cao hiệu quả kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ động lực lượng, vận chuyển vật chất, binh khí kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, bí mật, đồng bộ, an toàn cho mọi nhiệm vụ.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN ĐIỀU, Cục trưởng Cục Vận tải
Vận tải,Quân sự
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng