QPTD -Thứ Bảy, 22/01/2011, 05:32 (GMT+7)
Ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quốc phòng-an ninh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

 Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước phụ thuộc một phần rất lớn vào khả năng và kết quả của sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường QP-AN, tích lũy tiềm lực mọi mặt ngay ở từng bộ, ngành.

 Quán triệt chủ trương đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), báo chí và xuất bản nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; đẩy mạnh phát triển CNTT; tăng cường công tác quản lý, quy hoạch báo chí, xuất bản, in và phát hành, đẩy mạnh tiến trình đổi mới, quản lý doanh nghiệp; tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác chuyên ngành với các nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, Bộ TT&TT đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng; góp phần nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh; xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia; phát huy sức mạnh sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần; thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua đó, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Cụ thể:

alt 

VINASAT – 1

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet trong nước, thông tin hàng hải và truyền báo tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mạng Viễn thông hiện có 154,3 triệu thuê bao điện thoại, đạt mật độ 178,6 máy/100 dân; toàn quốc có trên 27,6 triệu người sử dụng internet. Mạng Bưu chính có 18.728 điểm phục vụ, trong đó có 8.027 điểm Bưu điện Văn hoá xã. Bán kính phục vụ trung bình của mỗi điểm bưu chính ngày càng giảm; tỉ lệ số xã có báo Đảng đến trong ngày, ngày càng tăng. Đặc biệt, sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT - 1 mang ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng: ngoài việc khẳng định chủ quyền Việt Nam về không gian, cùng với các hệ thống cáp quang biển quốc tế đã và đang được xây dựng, VINASAT - 1 là cầu nối truyền thông giữa Việt Nam với khu vực, đưa viễn thông Việt Nam lên tầm cao mới, phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của đất nước. Công tác thông tin liên lạc phục vụ QP-AN, phòng chống lụt bão, cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước được thực hiện tốt. Mạng thông tin chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước luôn được chú trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống. 

Lĩnh vực CNTT được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Công nghiệp CNTT đang có những bước phát triển bứt phá với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 20%/năm.

Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí, xuất bản đã khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với xã hội; là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, tăng cường công tác đối ngoại. Báo chí, xuất bản thực sự là hạt nhân trên mặt trận tư tưởng, chống tiêu cực, chống “Diễn biến hòa bình” và những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã chuyển tải ra thế giới những hình ảnh sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cần cù, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Những thành tích đó đã góp phần nâng cao tiềm năng, vị thế của ngành; tạo điều kiện cho Bộ TT&TT thực hiện tốt công tác QP-AN; qua đó, góp phần tích lũy tiềm lực, tạo nên sức mạnh QP-AN của đất nước. Thể hiện ở một số kết quả tiêu biểu như sau:

Bộ đã thường xuyên quán triệt nghiêm túc, sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Quốc phòng về QP-AN, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trực tiếp là Chỉ thị số 12-CT/TƯ ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới"; Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ "Về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương"; Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới"... đến mọi cán bộ, đảng viên, công nhân các cơ quan, đơn vị trong Bộ. Qua đó, giúp cán bộ, công nhân viên chức nắm vững các quan điểm của Đảng, của Chính phủ về công tác QP-AN; nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch; từ đó, cụ thể hóa vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch của Ngành, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; đáp ứng các yêu cầu hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.

Để tăng cường công tác QP-AN, đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ, Bộ TT&TT đã tích cực kiện toàn Ban Chỉ huy Quân sự ở các cấp; thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo đảm ngân sách đối với sự nghiệp QP-AN, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng làm tốt nhiệm vụ huấn luyện lực lượng tự vệ, dự bị động viên; bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp và các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Hiện nay, 100% đối tượng 1; 70% đối tượng 2; 79,2% đối tượng 3; 60,03% đối tượng 4 đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN.

Cùng với đó, Bộ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý kiên quyết các loại tội phạm có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; nghiên cứu, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và bắt giữ các loại tội phạm công nghệ cao cũng như các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh Tổ quốc. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Bộ đã xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển TT&TT, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh gắn với bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; phối hợp, giúp đỡ các cơ quan an ninh ngăn chặn có hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch ở những nơi có tình hình chính trị nhạy cảm; thực hiện tốt công tác đàm phán quốc tế trong quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), bảo đảm chủ quyền và lợi ích đất nước trong lĩnh vực TT&TT. Các cơ quan, đơn vị  tích cực ngăn ngừa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; bảo vệ tài sản; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn tại cơ sở...

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song do những mâu thuẫn gay gắt vốn có và những vấn đề mới nảy sinh, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường; nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, chủ quyền quốc gia dân tộc vẫn còn. Đối với nước ta, các thế lực thù địch cấu kết với bọn phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn mới hết sức thâm độc, nguy hiểm, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị-xã hội.

Nhằm phát huy vai trò của ngành TT&TT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Ngành xác định phải tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp; trong đó, tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống của dân tộc, của Ngành gắn với việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm củng cố thêm niềm tin đối với Đảng và chế độ XHCN; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh và ngăn ngừa các biểu hiện sai lệch: cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản bác các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Hai là, tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, để cụ thể hóa trong chiến lược phát triển Ngành; tiếp tục tham gia chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KT-XH và QP-AN; duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tập trung thực hiện thành công hai nhiệm vụ lớn xuyên suốt của thời kỳ 2011-2020 là: Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ TT&TT và chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở.

Ba là, xây dựng Đảng bộ Ngành thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng; lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Bốn là, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đối với công tác QP-AN thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa; xây dựng chính sách đối với các vùng trọng điểm, căn cứ cách mạng và chính sách hậu phương quân đội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền sâu rộng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về QP-AN, làm cho mọi người hiểu rõ, hiểu đúng tầm quan trọng của QP-AN, từ đó nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Năm là, quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Ban Chỉ huy Quân sự các cấp hoạt động hiệu quả; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, ngăn chặn các hoạt động phá hoại và kịp thời đấu tranh với mọi loại kẻ thù; phát huy quyền làm chủ và ý thức trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể quần chúng, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) về chiều sâu, ngày càng vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ngành TT&TT đang đứng trước nhiều thuận lợi và cơ hội to lớn cùng với những khó khăn, thách thức không nhỏ; với sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức Ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ 3, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; góp phần tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

TS. LÊ DOÃN HỢP

Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.