QPTD -Thứ Ba, 15/03/2011, 01:36 (GMT+7)
Ngành Quân nhu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm trong tình hình mới

Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL về tổ chức Bộ Quốc phòng, trong đó có quyết định thành lập Quân nhu Cục - tiền thân của Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần (TCHC) ngày nay. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành một cơ quan chuyên ngành để thống nhất việc chỉ đạo, tổ chức bảo đảm ăn, mặc cho bộ đội và chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất (TGSX) trong toàn quân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Quân nhu đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, có mặt trên khắp các chiến trường, bám sát hoạt động của bộ đội và thực tiễn chiến đấu, vừa bảo đảm, vừa nghiên cứu, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tất cả vì mục tiêu “Thực túc, binh cường”. Ngành đã xây dựng được mạng lưới bảo đảm rộng khắp trên các chiến trường, cả trong nước và ngoài nước. Cơ quan quân nhu các cấp đã chủ động phối, kết hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, các chuyên ngành hậu cần khác, tổ chức khai thác, tạo nguồn, quản lý, bảo quản và vận chuyển, cấp phát hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm (LTTP), quân trang, dụng cụ cấp dưỡng, bách hoá nhu yếu phẩm... bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu quân nhu cho các lực lượng tác chiến, từ những trận đánh nhỏ lẻ đến các chiến dịch có quy mô lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

alt
Hội thi “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” toàn quân (năm 2009) (Ảnh: Cục Quân nhu)
Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng Ngành vững mạnh, quân nhu các cấp đã phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong điều kiện mới, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những năm gần đây, Ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, TCHC và lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm quân nhu (BĐQN), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xây dựng đơn vị và các nhiệm vụ đột xuất khác; đồng thời, Ngành trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mặt BĐQN, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về bảo đảm ăn, mặc và TGSX trong toàn quân. Trước đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác BĐQN, nhất là bảo đảm đời sống bộ đội, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, toàn Ngành đã tích cực đổi mới phương thức BĐQN theo cơ chế mới, thực hiện phân cấp tạo nguồn hợp lý, kết hợp mở rộng các hình thức đấu thầu và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng bảo đảm. Cục Quân nhu đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng phát động phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” trong toàn quân; Phong trào đã có sức lan toả rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Ngành, phong trào TGSX đã được các đơn vị đẩy mạnh theo hướng tập trung ở cả 3 cấp, phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với từng vùng, miền và điều kiện của đơn vị, gắn TGSX với nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm xay xát, chế biến, giết mổ tập trung; qua đó, tạo nguồn thực phẩm ổn định, đáp ứng phần lớn nhu cầu của các đơn vị, giúp giữ ổn định và cải thiện một bước chất lượng bữa ăn của bộ đội. Việc bảo đảm mang mặc của bộ đội được Ngành nghiên cứu, cải tiến, đổi mới phù hợp với đặc thù hoạt động của từng quân chủng, binh chủng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy và tính đến yêu cầu tác chiến trong tương lai. Đi đôi với công tác tổ chức, bảo đảm, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận của Ngành được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác quân nhu và chất lượng phục vụ bộ đội. Tiêu biểu như các đề tài: “Trồng cây che chắn, cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa” (đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ), cải tiến quân phục chiến sĩ K03, quân phục sĩ quan K08, cải tiến các loại quân phục và trang bị dã chiến; Đề án “Xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội”... Bên cạnh đó, Ngành còn nghiên cứu, xây dựng hàng trăm bộ định mức, tiêu chuẩn vật tư kỹ thuật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác sản xuất, tạo nguồn và chuẩn hoá công tác quản lý ngành.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân của ngành Quân nhu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương các loại. Đặc biệt, Cục Quân nhu đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới; 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội có sự phát triển mới, đặt ra cho công tác quân nhu, ngành Quân nhu những mục tiêu, yêu cầu cao hơn. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành phải tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu quân nhu cho các lực lượng, các nhiệm vụ trong mọi tình huống; trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, Đại hội đại biểu Đảng bộ TCHC lần thứ 10 và các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu về chuyên ngành cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp; trọng tâm là đề xuất các chủ trương, giải pháp BĐQN cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất. Cục Quân nhu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủng loại, số lượng và thời gian dự trữ các loại vật chất quân nhu phù hợp khả năng ngân sách và kế hoạch huy động nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho các phương án tác chiến, nhất là trong những năm đầu chiến tranh. Cơ quan quân nhu các cấp chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch BĐQN cho nhiệm vụ SSCĐ, các văn kiện quân nhu tác chiến, đặc biệt là văn kiện cấp chiến lược, chiến dịch, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, tập trung ưu tiên bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cho các lực lượng làm nhiệm vụ ở những địa bàn, khu vực trọng điểm, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt và các đơn vị mới thành lập. Cùng với đó, Ngành tiếp tục tham mưu và cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quân nhu, nâng cao khả năng dự trữ vật chất, trang bị quân nhu trong các ngành kinh tế-xã hội và trong nhân dân; hoàn chỉnh quy hoạch và từng bước xây dựng thế trận quân nhu liên hoàn, vững chắc, phù hợp với thế trận hậu cần trên từng khu vực phòng thủ, từng vùng chiến lược.

2. Cơ quan quân nhu các cấp tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt BĐQN, giữ ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội. Toàn Ngành đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện phương thức BĐQN thường xuyên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, phương thức bảo đảm hậu cần và điều kiện kinh tế đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng; thực hiện tốt việc phân cấp tạo nguồn ở các cấp theo quy định để các đơn vị chủ động trong khai thác tạo nguồn tại chỗ; đồng thời, mở rộng đấu thầu, chào hàng cạnh tranh trong sản xuất, mua sắm các mặt hàng quân nhu mang tính lưỡng dụng theo đúng quy chế, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm ngân sách. Riêng các mặt hàng đặc thù có yêu cầu thống nhất, chính quy, Cục Quân nhu tổ chức tạo nguồn tập trung tại các doanh nghiệp quân đội và cấp thẳng cho đơn vị. Cùng với đó, Cục tiếp tục triển khai rà soát, cân đối báo cáo TCHC và Bộ Quốc phòng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mua sắm hàng quân nhu ở 2 đầu Bắc, Nam cho phù hợp để giảm bớt chi phí vận chuyển, bảo đảm kịp thời cho các đơn vị.

Để giữ ổn định và nâng cao chất lượng bảo đảm ăn của bộ đội, Cục Quân nhu chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, thường xuyên bám sát sự biến động của giá cả thị trường, kịp thời đề xuất điều chỉnh mức tiền ăn cho các đối tượng, bảo đảm đủ định lượng, tiêu chuẩn theo quy định. Mặt khác, cơ quan quân nhu các cấp cần tích cực tạo nguồn LTTP, duy trì tốt lượng dự trữ gối đầu thường xuyên, tham mưu cho cấp uỷ, chỉ huy đơn vị phát huy vai trò của hội đồng giá, quản lý chặt chẽ mức tiền ăn, giá cả và chất lượng LTTP đưa vào bữa ăn hằng ngày tại bếp; chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm chế độ nhà ăn, nhà bếp, tích cực cải tiến, chế biến nâng cao chất lượng bữa ăn, đặc biệt bữa ăn sáng, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát, quản lý chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức bảo đảm ăn uống. Cơ quan quân nhu các cấp tiếp tục bảo đảm, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng theo hướng chính quy, thống nhất, phù hợp với từng loại hình đơn vị. Trước mắt, tập trung bảo đảm một số trang bị mới, hiện đại cho các đơn vị có tiêu chuẩn tiền ăn cao, để nâng cao năng suất lao động và chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội, kịp thời đánh giá rút ra các luận cứ khoa học đề xuất với Bộ Quốc phòng nhân rộng trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới.

 Đối với bảo đảm mang mặc, cần chủ động tạo nguồn, cấp phát đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại, cỡ số quân trang cho các đối tượng; từng bước chuẩn hoá phương thức bảo đảm, cấp phát quân trang; đề xuất TCHC báo cáo, đề nghị với Bộ bảo đảm ngân sách cho sản xuất khôi phục lượng quân trang gối đầu để chủ động bảo đảm ở các cấp và giải quyết điều hoà cỡ số. Mặt khác, các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, duy trì nền nếp chế độ kiểm tra, điểm nghiệm và hướng dẫn bộ đội cách mang mặc, bảo quản, sử dụng quân trang đúng mục đích. Cục Quân nhu tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, cải tiến quân trang phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đối tượng, nhất là các loại quân trang chiến đấu, quân trang cho các lực lượng mới thành lập; trước mắt, triển khai thực hiện tốt việc sản xuất và thử nghiệm quân trang tuần tra song phương, chống rét của Bộ đội Biên phòng đóng quân ở vùng rét đậm, tủ sấy quần áo cho lực lượng đóng quân ở vùng sương mù, ẩm thấp; thử nghiệm mũ huấn luyện dã ngoại, mũ bảo hiểm đi xe máy theo kế hoạch.

3. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân đẩy mạnh phong trào TGSX theo hướng tập trung cơ bản, bền vững, hiệu quả. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về TGSX phù hợp với tình hình thực tiễn, tổ chức tốt TGSX ở cả 3 cấp, kết hợp với chủ động tạo nguồn ở thời điểm có lợi, phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm xay xát, chế biến, giết mổ tập trung; đẩy mạnh TGSX theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, đa dạng hoá sản phẩm, gắn chăn nuôi với phát triển trồng cây công nghiệp, rau mầu có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị. Đồng thời, tăng cường đầu tư sản xuất cây, con giống, nhất là giống lợn, để chủ động duy trì quy mô, cơ cấu đàn, thực hiện chăn nuôi khép kín từ khâu nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và sử dụng sản phẩm. Cục Quân nhu kết hợp với các đơn vị tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm sản xuất tập trung cấp sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn và tiểu đoàn, các dự án TGSX gắn với căn cứ hậu cần các khu vực phòng thủ theo lộ trình đã xác định. Mục tiêu đến năm 2015, các đơn vị có điều kiện về đất đai tự túc được 100% nhu cầu thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá rẻ hơn trên thị trường cùng thời điểm đưa vào phục vụ bữa ăn của bộ đội.

4. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng Ngành chính quy, vững mạnh. Cục Quân nhu tăng cường chỉ đạo cơ quan các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học theo lộ trình đến năm 2015. Trọng tâm là, triển khai mạng ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành; nghiên cứu và thực hiện cải tiến trang bị quân nhu bảo đảm gọn, nhẹ, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và tác chiến trong điều kiện mới; cải thiện dinh dưỡng, phục vụ ăn uống của bộ đội theo chiến lược dinh dưỡng quốc gia; nghiên cứu bếp nấu ăn, khẩu phần ăn dã chiến cho các đối tượng; cải tiến phương pháp và chất liệu bao bì đóng gói sản phẩm quân nhu; xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức vật tư cho 100% các mặt hàng quân nhu... Cùng với đó, Ngành tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, nhất là bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của quân nhu các cấp, nâng cao khả năng BĐQN cho các phương án tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, Ngành đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” và các hoạt động hội thi, hội thao... tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kế thừa, phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và những kết quả đạt được trong 65 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Quân nhu tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu quân nhu cho toàn quân, góp phần xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Thiếu tướng, TS. PHẠM TIẾN LUẬT

Cục trưởng Cục Quân nhu - TCHC

 

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.