QPTD -Thứ Tư, 16/03/2016, 15:00 (GMT+7)
Ngành Quân nhu phát huy truyền thống “Nuôi quân đánh giặc” trong thời kỳ mới

“Công việc cung cấp cũng quan trọng như công việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận”1. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ và ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao, 70 năm qua (25-3-1946 – 25-3-2016), ngành Quân nhu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ “nuôi quân đánh giặc”, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Sản xuất quân trang

Ngay từ khi mới thành lập, trước nhiệm vụ nặng nề và muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành Quân nhu đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp tạo nguồn cung cấp để phục vụ bộ đội. Các phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Áo ấm chiến sĩ”,… là những dấu ấn đậm nét về hoạt động của Ngành. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Quân nhu đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, thường xuyên bám sát hoạt động và thực tiễn chiến đấu của bộ đội, chủ động tổ chức khai thác, tạo nguồn, xây dựng tiềm lực, thế trận quân nhu vững chắc, rộng khắp trên các chiến trường, bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu quân nhu cho các lực lượng, đảm bảo cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”, v.v.

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với tập trung kiện toàn tổ chức, xây dựng quân nhu các cấp vững mạnh, Ngành đã có những chủ trương, biện pháp sáng tạo, phù hợp trong tham mưu, quản lý nhà nước về công tác quân nhu trong Quân đội và phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong điều kiện mới. Những năm gần đây, Ngành Quân nhu, trực tiếp là Cục Quân nhu đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân nhu, đáp ứng nhiệm vụ của Quân đội trong thời kỳ mới. Tiêu biểu là, tham mưu đổi mới phương thức bảo đảm vật chất quân nhu; xây dựng, phát triển các mô hình tăng gia sản xuất; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị quân nhu; xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội; cải tiến, đổi mới các loại quân trang, quân dụng; quy hoạch, xây dựng thế trận quân nhu trên các khu vực phòng thủ, v.v. Từ thực tiễn hoạt động, Cục đề xuất với Bộ Quốc phòng hợp nhất ba phong trào: “Xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”, “Xây dựng đơn vị quân trang giỏi”, “Tiểu đoàn sản xuất giỏi” thành phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Những năm qua, Phong trào không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, cùng với các phong trào thi đua khác trở thành động lực quan trọng để toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ “nuôi quân đánh giặc”, Ngành đã tích cực đổi mới phương thức bảo đảm theo cơ chế mới; thực hiện phân cấp tạo nguồn hợp lý; kết hợp phân cấp với mở rộng đấu thầu trong sản xuất, mua sắm và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, tạo nguồn, v.v. Qua đó, tạo bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo đảm quân nhu, nhất là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, khả năng nguồn tại chỗ và mặt tích cực của cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng bảo đảm, hiệu quả sử dụng ngân sách. Bộ đội “Bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc”2. Thực hiện lời dạy đó của Bác, Ngành luôn quan tâm và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ nuôi dưỡng bộ đội. Thời gian qua, Cục Quân nhu thường xuyên bám sát sự biến động giá cả thị trường, kịp thời đề xuất điều chỉnh mức tiền ăn cho các đối tượng phù hợp với khả năng ngân sách. Mặt khác, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trong bảo đảm, quản lý, tăng gia sản xuất, tạo nguồn lương thực, thực phẩm, chế biến, cải tiến kỹ thuật nấu ăn, v.v. Với nỗ lực của toàn Ngành, chất lượng bữa ăn của bộ đội luôn giữ ổn định (ngay cả những thời điểm lạm phát tăng cao) và từng bước được cải thiện. Không những vậy, để đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới, Ngành đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, đầu tư nâng cấp, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, thống nhất, phù hợp với từng loại hình bếp ăn. Từ năm 2011 đến nay, Ngành đã nghiên cứu, đầu tư lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí cho các đơn vị trong toàn quân. Qua đó, làm thay đổi căn bản khâu nấu ăn, giúp giảm cường độ lao động và độc hại cho đội ngũ nuôi quân, tiết kiệm chất đốt, giữ vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy, hiện đại. Đặc biệt, Ngành đã tham mưu xây dựng Đề án xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện3. Đề án đã đạt kết quả tốt, được xem là nội dung đột phá trong đổi mới công tác bảo đảm hậu cần, giải pháp huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác hậu cần, trực tiếp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội.

Đi đôi với làm tốt công tác bảo đảm ăn, Ngành thường xuyên bám sát thực tiễn hoạt động của toàn quân, không ngừng nghiên cứu, cải tiến, đổi mới toàn diện công tác bảo đảm mang mặc của bộ đội. Hầu hết các loại quân trang, quân dụng được cải tiến, đổi mới về kiểu dáng, màu sắc, có chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc thù hoạt động của từng quân chủng, binh chủng, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tương lai và hội nhập quốc tế. Tiêu biểu là việc nghiên cứu, cải tiến quân trang chiến sĩ K03, quân trang sĩ quan K08, các loại lễ phục, quân phục và trang bị dã chiến; nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các loại quân trang đặc chủng, quân trang chống rét, v.v. Đến nay, bộ đội không chỉ được mặc lành, mặc ấm mà bước đầu mặc đẹp. Đây là bước tiến lớn, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội chính quy, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân và con mắt bạn bè quốc tế, v.v.

Nhằm phát huy chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội trong thời kỳ mới và quan điểm tự lực, tự cường trong công tác hậu cần, ngành Quân nhu đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương có tính chiến lược về tăng gia sản xuất; đồng thời, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện. Nhiều mô hình tăng gia sản xuất đã được Ngành đầu tư xây dựng và chỉ đạo nhân rộng. Những năm qua, phong trào tăng gia sản xuất đã phát triển sâu rộng trong toàn quân với nhiều quy mô, hình thức, cách làm sáng tạo và hiệu quả cao. Đáng chú ý là, trước những khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, ngành Quân nhu đã đi đầu trong việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện thành công Dự án trồng cây xanh, rau xanh trên đảo, tạo bước đột phá về cải thiện đời sống của bộ đội ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Với sự chỉ đạo đúng đắn của Ngành và nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đến nay, nhiều đơn vị tự túc được 100% định lượng rau xanh, 90% - 100% định lượng thịt, cá. Đây là nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá thấp hơn ngoài thị trường, trực tiếp giúp giữ ổn định và cải thiện bữa ăn của bộ đội. Thông qua tăng gia sản xuất, các đơn vị còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tiềm lực hậu cần trên các địa bàn đóng quân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, v.v.

Kết quả ngành Quân nhu đạt được trong tham mưu, đề xuất và tổ chức bảo đảm ăn, mặc cho bộ đội, chỉ đạo tăng gia sản xuất trong thời gian qua có ý nghĩa to lớn, trực tiếp góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, tạo cơ sở để toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho ngành Quân nhu những mục tiêu, yêu cầu cao hơn. Bên cạnh những thuận lợi, công tác quân nhu, nhất là bảo đảm ăn, mặc của bộ đội còn không ít khó khăn. Ngân sách bảo đảm ăn, mặc hằng năm còn hạn hẹp; tiêu chuẩn, định lượng ăn của bộ đội tuy đã được cải thiện, nhưng còn thấp so với nhu cầu “lao động đặc biệt”; trang bị, phương tiện và một số nội dung bảo đảm quân nhu chưa theo kịp sự phát triển nhiệm vụ và trang bị chiến đấu của Quân đội; tình hình giá cả, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm đời sống bộ đội, v.v.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trước hết, Ngành tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị quân nhu các cấp vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân nhu có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn, kỹ thuật giỏi, tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phục vụ bộ đội. Trên cơ sở đó, Ngành chủ động làm tốt chức năng tham mưu, nhất là ở cấp chiến lược về công tác quân nhu, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu công tác quân nhu xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Hậu cần lần thứ XI và Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm và cơ chế tạo nguồn quân nhu, phù hợp với đặc thù quân sự, cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước. Cục Quân nhu tiếp tục chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác quân nhu, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội trong tình hình mới. Trong đó, nội dung trọng tâm, xuyên suốt là nâng cao chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội. Thời gian tới, Ngành chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác khai thác, tạo nguồn và tổ chức bảo đảm ăn uống ở các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mức tiền ăn, định lượng ăn của các đối tượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tiến hành đầu tư hiện đại hóa các loại trang, thiết bị quân nhu; mở rộng xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội,… để nâng cao chất lượng phục vụ. Ngành cũng đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, tính tiện dụng của các mặt hàng quân trang, nhất là quân trang cho huấn luyện dã ngoại, tác chiến, bảo đảm cho bộ đội mang mặc đẹp, chính quy, thống nhất, v.v. Phát huy kết quả đã đạt được, Cục Quân nhu tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình tăng gia sản xuất phù hợp với từng vùng, miền, loại hình đơn vị và chỉ đạo toàn quân tổ chức tăng gia sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả, phấn đấu tự túc nhu cầu thực phẩm chính, cải thiện hơn nữa đời sống bộ đội, v.v. Cùng với đó, Ngành tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào công tác quân nhu. Trước mắt, nghiên cứu, hoàn thiện một số sản phẩm, như: các loại khẩu phần ăn dã ngoại, chất đốt thay củi, xe bếp tự hành,… đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội trong điều kiện cơ động và tác chiến tương lai, v.v.

Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm chính trị lớn lao của mình, ngành Quân nhu tiếp tục phát huy kinh nghiệm, truyền thống, tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phục vụ bộ đội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nuôi quân đánh giặc” trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN HẢI, Cục trưởng Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần
_____________________     

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 179.

2 - Sđd, tr. 540.

3 - Hết năm 2015, có 28 đơn vị với 78 bếp ăn (quân số ăn trên 35.000 người) đã thực hiện xã hội hóa; qua đó giảm được 1.360 nuôi quân, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.