QPTD -Thứ Sáu, 21/12/2018, 08:08 (GMT+7)
Ngành Kỹ thuật Quân đội nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Trước xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ngành Kỹ thuật Quân đội đã đề ra nhiều nội dung, giải pháp nhằm tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng này, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật toàn quân trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phát triển trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học, đã và đang tác động mạnh tới Việt Nam trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, việc ứng dụng các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, rô-bốt, công nghệ sinh học,… đã tác động rất lớn tới hình thái chiến tranh, phương thức tác chiến nói chung, nhiệm vụ bảo đảm trang bị, kỹ thuật nói riêng.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền dẫn quân sự đa phương thức, như: cáp quang, vô tuyến, thông tin vệ tinh, v.v. Trên cơ sở đó, Tổng cục Kỹ thuật đã chủ động triển khai nhiều đề án, chương trình, dự án để tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho toàn quân và đạt được những kết quả ban đầu, nhất là việc triển khai ứng dụng các công nghệ trọng điểm. Công nghệ số bước đầu đã có một số mô hình ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn, như: hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia, cơ sở dữ liệu bản đồ số. Ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu mới,… trong lĩnh vực quân sự đã được tiếp cận và bước đầu phục vụ tốt cho nhiệm vụ. Nhờ đó, việc triển khai, vận hành một số hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành đã mang lại hiệu quả thiết thực; trình độ khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật được nâng lên.

Tuy nhiên, việc tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong toàn quân đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nhất là nhận thức chưa đầy đủ về cuộc Cách mạng này; năng lực triển khai nội dung tiếp cận, ứng dụng thành tựu của nó còn hạn chế; tiềm lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Kỹ thuật chưa nhiều, kinh nghiệm và thời gian tiếp cận với vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao còn hạn chế; công tác bảo mật, an toàn thông tin đặt ra nhiều vấn đề nan giải, v.v. Hơn nữa, do tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ quân sự nên nhiều lĩnh vực công nghệ cao gặp khó khăn trong việc hợp tác, chuyển giao và nếu được chuyển giao thì khó đạt được các công nghệ mới nhất. Các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, dù đã được cải tiến, tích hợp công nghệ, song vẫn ở trình độ công nghệ thấp, vật liệu chế tạo trong nước còn hạn chế. Việc đầu tư hiện đại hóa các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong toàn quân còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, để tiếp cận đúng và nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ngành Kỹ thuật Quân đội cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 04-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Kế hoạch 737/QĐ-BQP, ngày 13-3-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Kế hoạch 436/KH-TM, ngày 16-3-2018 của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn Tổng cục; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng này đối với công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới. Đây là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng tổ chức đảng và trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Trong thực hiện, Tổng cục chú trọng chỉ đạo cơ quan chính trị các cấp hướng dẫn các đơn vị tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng của cuộc Cách mạng này, cũng như cơ hội, thách thức, tác động của nó đối với ngành Kỹ thuật Quân đội nói chung và việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình nói riêng. Trên cơ sở đó, từng người, từng cơ quan, đơn vị có cách tiếp cận phù hợp, chủ động nắm bắt thời cơ, đề ra giải pháp tận dụng tối đa các lợi thế, cơ hội; đồng thời, giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, đổi mới phương thức tổ chức bảo đảm và cơ chế quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác kỹ thuật. Theo đó, ngành Kỹ thuật Quân đội chủ động đề xuất phương thức tổ chức bảo đảm kỹ thuật mới với nhiều hình thức, phương pháp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Đây là vấn đề rất mới. Do vậy, Tổng cục tăng cường chỉ đạo cơ quan kỹ thuật các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, đối tác cung cấp dịch vụ và đơn vị sử dụng để thu hẹp khoảng cách về không gian và rút ngắn thời gian trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Từ đó, khắc phục nhược điểm khép kín, chưa tạo được liên kết mở trong nghiên cứu, phát triển, chế thử, sản xuất, sửa chữa giữa các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong toàn quân và các cơ sở ngoài Quân đội như hiện nay. Trên thực tế, Tổng cục đang triển khai nhiều đề án đổi mới phương thức tổ chức bảo đảm kỹ thuật, mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là Đề án “Bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật theo vòng đời” đã bước đầu xây dựng được phương thức bảo đảm kỹ thuật cho một số trang bị mới, hiện đại, như: máy bay tiêm kích Su-30 MK2, tàu ngầm Kilo, v.v. Đây là phương thức hiện đại mà các nước phát triển đang áp dụng hiệu quả.

Mặt khác, ở các chuyên ngành kỹ thuật đang quản lý những vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cũng đã tăng cường hiệu quả việc hợp tác với đối tác trong nước; chủ động đề xuất và triển khai liên doanh với đối tác nước ngoài trong tổ chức bảo đảm kỹ thuật, từng bước làm chủ trong khai thác, sử dụng và sửa chữa một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Trong quá trình thực hiện dự án với đối tác nước ngoài, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần học hỏi, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ; tập trung vào nội dung, hạng mục mà chúng ta chưa từng thực hiện, những nội dung về công nghệ cao, nhất là đối với tàu ngầm, máy bay, tên lửa, v.v. Thực hiện tốt điều này, chúng ta sẽ tận dụng, phát huy tối đa năng lực đội ngũ chuyên gia, vừa thực hiện chuyển giao công nghệ, vừa kết hợp huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật.

Ba là, quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho tàng, cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong toàn quân. Đến nay, hệ thống kho tàng, cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã được chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố ở tất cả các cấp; vũ khí, trang bị kỹ thuật cơ bản đều được phân loại, cất giữ và sắp xếp theo nhóm an toàn, quản lý chắc số lượng, chất lượng, hạn chế tốc độ xuống cấp. Công tác bảo quản vũ khí, đạn dược của các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhà giàn được chú trọng; tiến hành bảo quản theo điều kiện quy định đối với các loại tên lửa trang bị cho Hải quân, Phòng không - Không quân, tên lửa chống tăng và vũ khí, trang bị kỹ thuật có yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường cất giữ. Triển khai niêm cất đúng quy trình, đúng thời hạn đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật trong quy hoạch sử dụng lâu dài; chú trọng bảo đảm điều kiện môi trường niêm cất cho các loại vũ khí, trang bị có tích hợp cụm chi tiết công nghệ cao, giá trị lớn.

Cùng với đó, Tổng cục tập trung nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật và sản xuất vật tư kỹ thuật tại các nhà máy, xí nghiệp. Các cơ sở bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân, nhất là các nhà máy của Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Thông tin liên lạc,… đã được quan tâm đầu tư lớn, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm kỹ thuật. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, ngành Kỹ thuật toàn quân cần tiếp tục đầu tư nhiều mặt nhằm nâng cao hơn nữa khả năng làm chủ trong sửa chữa, đồng bộ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư cho các ngành mũi nhọn, cả về công nghệ và con người trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là làm chủ trong sửa chữa hệ thống vũ khí, khí tài, tàu ngầm, máy bay, tên lửa, v.v.

Bốn là, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng toàn diện; trước hết, có bản lĩnh chính trị và chuẩn hóa về trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với việc đầu tư, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, ngành Kỹ thuật toàn quân luôn quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có chất lượng cao. Theo đó, Tổng cục Kỹ thuật tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều nội dung, giải pháp phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự toàn quân. Nổi bật là: đẩy mạnh liên kết với nước ngoài đào tạo, chuyển giao công nghệ gắn với quá trình khai thác, vận hành vũ khí, trang bị kỹ thuật, công nghệ mới; chủ động huấn luyện, đào tạo tại chỗ bằng lực lượng nòng cốt là các cán bộ, chuyên gia giỏi trong nước cũng như tận dụng lực lượng chuyên gia nước ngoài trong các đợt bảo hành trang bị, hỗ trợ kỹ thuật. Cùng với đó, các chuyên ngành kỹ thuật cũng làm tốt việc tham mưu, tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu, tập trung vào các ngành mũi nhọn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như từng bước tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ mới, hiện đại.

Tổng cục Kỹ thuật chủ động tham mưu, gắn quy hoạch với đào tạo, sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật, thợ kỹ thuật giỏi trên các lĩnh vực kỹ thuật trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn và công nghệ cao, làm nòng cốt trong công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao. Đi liền với đó, Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao vào Quân đội và chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thời gian tới, ngành Kỹ thuật Quân đội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp nhằm tiếp cận đúng và ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm kỹ thuật cho toàn quân trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN HỮU CHÍNH, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.