QPTD -Thứ Sáu, 17/02/2012, 16:15 (GMT+7)
Ngành Chính sách Quân đội phát huy truyền thống “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo”, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Ngày 26 tháng 02 năm 1947, ngành Chính sách Quân đội được thành lập theo Nghị định số 240/CP của Chính phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời của một cơ quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh - liệt sĩ và công tác chính sách đầu tiên trong cả nước.

alt
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP thăm và tặng quà gia đình Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Cốc (tháng 7-2011)

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên, trực tiếp là thủ trưởng Tổng cục Chính trị, với sự ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, ngành Chính sách Quân đội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với Quân đội, hậu phương quân đội (HPQĐ) và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Chính sách Quân đội đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với trên ban hành và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với Quân đội và HPQĐ. Nổi bật là, đã tham mưu cho Chính trị Cục (nay là Tổng cục Chính trị) tổ chức thành công Ngày Thương binh - liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947); khởi xướng và thực hiện tốt phong trào đưa thương binh về làng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; làm tốt công tác động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với đó, Ngành đã tham mưu, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và chỉ đạo tổ chức chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh; đồng thời, đề xuất chính sách quản lý, chăm sóc gia đình quân nhân ở hậu phương (chính sách B, C, K),… Nhờ đó, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã động viên được sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

alt
Trung tướng Nguyễn Thành Cung (nay là Thượng tướng), Thứ trưởng BQP, Trưởng Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Việt Nam ký Biên bản thoả thuận với Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào (tháng 7-2011)
 

Sau chiến tranh (1975 - 1985), Ngành đã nỗ lực, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan trong và ngoài Quân đội, giúp Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trở về hậu phương; đề xuất với trên thực hiện tốt chủ trương khen thưởng cho các đối tượng có thành tích trong các cuộc kháng chiến; phối hợp tổ chức nuôi dưỡng, cứu chữa hàng vạn thương, bệnh binh từ các chiến trường chuyển ra; tập trung giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh bảo đảm đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Ngành cũng đã đề xuất chính sách bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia,… Qua đó, góp phần động viên toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội, từng bước ổn định hậu phương sau chiến tranh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Ngành đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chính sách có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; không ngừng đổi mới phương pháp, tác phong công tác, tham mưu, đề xuất ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản về chế độ, chính sách đối với Quân đội, HPQĐ và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, phù hợp với tình hình kinh tế và sự phát triển của đất nước, Quân đội. Nhất là, đã đề xuất chủ trương đổi mới chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công và công tác thi đua, khen thưởng; duy trì nghiên cứu, tham mưu giúp Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; ban hành chủ trương và giải pháp đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ…

alt
Thiếu tướng Đào Duy Minh (nay là Trung tướng), Phó Chủ nhiệm TCCT đón tiếp Đoàn đại biểu người có công tỉnh Trà Vinh (tháng 11-2011)
 

Những năm gần đây, Ngành đã chú trọng nghiên cứu, đề xuất từng bước hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách thực hiện Luật Sĩ quan, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Luật lao động; các chính sách đặc thù phục vụ yêu cầu phát triển nhiệm vụ, tinh giản biên chế của Quân đội; chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài, lực lượng làm nhiệm vụ có yêu cầu cao, trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo... Ngành cũng đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách HPQĐ, chăm sóc cán bộ quân đội đã nghỉ hưu; hỗ trợ gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thực hiện bảo hiểm y tế đối với thân nhân của quân nhân tại ngũ; hỗ trợ học nghề và việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các hoạt động: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”; đẩy mạnh chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công, giải quyết việc làm cho con thương binh nặng... Cùng với đó, Ngành đã nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chính sách, chế độ cho hơn 3 triệu lượt người là đối tượng tham gia chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc làm có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Với những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiều tập thể và cá nhân của ngành Chính sách Quân đội đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác; Cục Chính sách được tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Ngành, Cục vinh dự được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Nhất”.

alt
Lễ đón và an táng hài cốt liệt sĩ quy tập từ Lào về nước (tháng 5-2010)
 

Trong những năm tiếp theo, yêu cầu nhiệm vụ của Ngành sẽ có những bước phát triển mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác chính sách (CTCS) cần tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị của trên về CTCS trong Quân đội. Ngành cần chủ động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX; Chỉ thị số 523-CT/QUTW, ngày 02-12-2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CTCS đối với Quân đội và HPQĐ giai đoạn 2011 - 2015”. Theo đó, CTCS tập trung làm tốt việc dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, lựa chọn, xác định đúng vấn đề nghiên cứu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, phát huy dân chủ, năng lực tư duy, sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn, tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi người có công trong Quân đội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm hoạt động của Quân đội trong từng thời kỳ. Ngành cần chú trọng đề xuất, bổ sung chế độ, chính sách cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới; cán bộ, nhân viên công tác ở các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, biển, đảo; chính sách tinh giản biên chế; thu hút, khuyến khích nhân tài, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong Quân đội; phát triển chính sách HPQĐ và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, bảo đảm chu đáo, tận tụy, thiết thực và hiệu quả. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Ngành cần tập trung tổ chức thực hiện chính sách theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa và từng bước hiện đại hóa. Theo đó, CTCS cần hướng trọng tâm vào việc giải quyết tốt mọi chế độ cho các đối tượng: lực lượng tại ngũ, người nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành; tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975. Đồng thời, động viên các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân, tiếp tục tham mưu, tổ chức nhiều hình thức hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng; đẩy mạnh các chương trình Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; chăm sóc, tu sửa các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn nhân các ngày lễ lớn của đất nước và Quân đội. Mặt khác, triển khai thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thời kỳ mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, Ngành cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; có chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, tạo được sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội; bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai, công bằng, chính xác, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

Ba là, chấp hành nghiêm túc các chế độ công tác, không ngừng đổi mới phương pháp, tác phong công tác của toàn Ngành. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, toàn Ngành thường xuyên quán triệt nắm vững các quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nguyên tắc xây dựng chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; luôn luôn bám sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các đối tượng chính sách; kịp thời phát hiện vướng mắc phát sinh; thực hiện tốt việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; coi trọng công tác xây dựng kế hoạch, chương trình công tác với từng nội dung, biện pháp cụ thể; chủ động thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ của Ngành phải luôn bám sát cơ sở, chú trọng kiểm tra, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện các chế độ, chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và đối tượng chính sách HPQĐ được thụ hưởng các chính sách theo quy định; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, không để tồn đọng kéo dài hoặc gây bức xúc cho đối tượng. Các cấp cần thực hiện tốt chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung cho quá trình hoạch định các chính sách tiếp theo.

Bốn là, thường xuyên xây dựng cơ quan chính sách (CQCS) và đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm CTCS các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhằm xây dựng hệ thống CQCS các cấp vững mạnh, đảm bảo cả về số lượng và cơ cấu đội ngũ, với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ chủ trì CTCS ở các cấp cần kiện toàn về tổ chức, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ của CQCS; kết hợp chặt chẽ việc bố trí cán bộ theo mẫu tổ chức, biên chế và tăng cường quân số theo Chỉ thị số 523-CT/QUTW, ngày 02-12-2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Chỉ thị số 110/CT-BQP, ngày 02-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trước hết, CQCS các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, năng lực toàn diện, chuyên sâu, có phương pháp, tác phong công tác tốt; phát huy tốt vai trò của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành chức năng trong và ngoài Quân đội, nhằm đề xuất chính sách đúng, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách thấu tình, đạt lý.

Phát huy truyền thống “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo”, toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng của ngành Chính sách Quân đội sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng CTCS; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, CQCS các cấp vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá, TS. TRẦN VĂN MINH

Cục trưởng Cục Chính sách

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.