QPTD -Thứ Hai, 24/05/2021, 08:26 (GMT+7)
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đoàn 4

“Nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng...”1. Thấm nhuần tinh thần đó, Đảng bộ Quân đoàn 4 đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4 lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra chủ trương, giải pháp toàn diện nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Trong đó nhấn mạnh: Tăng cường xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; đổi mới phong cách, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ; thực hiện tốt công tác cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát là những vấn đề cơ bản, đảm bảo các tổ chức đảng trong Đảng bộ đủ sức lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Để thực hiện thành công chủ trương trên, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ đã quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị và Đảng ủy Quân đoàn về công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, nội dung, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, tập trung đột phá vào khâu yếu, mặt yếu gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn đơn vị, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, tính khả thi cao; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, nguyên tắc sinh hoạt, lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, chăm lo giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về nhận thức tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị và động cơ phấn đấu; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; gắn xây dựng đội ngũ đảng viên “5 tốt”2 với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì với củng cố, kiện toàn cấp ủy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm kỷ luật và  khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng cán bộ được quan tâm đúng mức; việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, xét đề bạt quân hàm, nâng lương, chuyển ra và điều chỉnh cơ cấu cán bộ được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, dân chủ, khách quan; các mối quan hệ giải quyết hài hòa; sự đoàn kết, thống nhất được phát huy, v.v. Cùng với đó, việc phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng và phát triển đảng viên luôn được Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình. Hằng năm, đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 94% (có trên 10% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); 95% tổ chức cơ sở đảng và 90% chi bộ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn Đảng bộ tổ chức kết nạp đảng viên vượt 0,6% so với kế hoạch, chi bộ đại đội đủ quân sẵn sàng chiến đấu có chi ủy đạt trên 56%.

Tuy nhiên, ở một số tổ chức đảng, năng lực quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của trên vào triển khai lãnh đạo và thực hiện nghị quyết ở cấp mình còn hạn chế; thực hiện giải pháp đột phá khắc phục khâu yếu, mặt yếu chưa triệt để; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn thiếu nhạy bén; hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao, v.v.

Thủ trưởng Quân đoàn kiểm tra hoạt động công tác Đảng công tác chính trị tại Sư đoàn 309

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi công tác xây dựng Đảng ở Quân đoàn phải được đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng ủy Quân đoàn nhận thấy, công tác xây dựng Đảng thực sự là nhiệm vụ then chốt, hướng vào nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để làm được điều đó, cần thống nhất nhận thức và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở nắm vững quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, các cấp ủy, chi bộ cần đề ra chủ trương, giải pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác. Quá trình thực hiện, chủ động kiện toàn cấp ủy các cấp, đảm bảo chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; tổ chức chặt chẽ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, góp phần nâng cao năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng về công tác xây dựng Đảng cho bí thư, cấp ủy viên các cấp. Đồng thời, quán triệt, lãnh đạo thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng đối tượng; làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Cán bộ, đảng viên thực hiện nói đi đôi với làm; chấp hành nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương để quần chúng noi theo; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiến hành tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từng cấp ủy xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu, nhất là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: công tác cán bộ, quân lực, xây dựng cơ bản, tài chính. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, có sự phân công, phân cấp cụ thể, không chồng chéo giữa công tác lãnh đạo của cấp ủy với sự quản lý, điều hành của người chỉ huy. Đồng thời, giải quyết tốt các mối quan hệ trong cơ chế lãnh đạo, nhất là giữa tập thể cấp ủy với ban thường vụ, người chỉ huy với chính ủy, chính trị viên; tập trung khắc phục các biểu hiện vi phạm nguyên tắc, chuyên quyền, độc đoán, mất đoàn kết trong nội bộ.

Hai là, thực hiện nghiêm túc, nền nếp nguyên tắc, chế độ học tập, sinh hoạt đảng; đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, trực tiếp là đồng chí bí thư phải hết sức coi trọng quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chuẩn bị kỹ dự thảo nghị quyết, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu giải quyết khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề mới phát sinh; kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp mang tính đột phá, phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn và từng nhiệm vụ cụ thể. Nghị quyết phải ngắn gọn, cụ thể, dễ nhớ, bảo đảm tính khả thi của nghị quyết và hiệu lực lãnh đạo. Trên cơ sở thực hiện nghiêm chế độ, quy định về sinh hoạt đảng, các cấp ủy thường xuyên coi trọng cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng phát huy dân chủ, đề cao trí tuệ tập thể trong thảo luận, quyết định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo. Mọi hoạt động của cấp ủy được tiến hành theo nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân tổ chức thực hiện theo chức trách, quyền hạn; đẩy mạnh thực hiện dân chủ đi đôi với tăng cường phục tùng sự lãnh đạo của cấp trên, đề cao kỷ luật. Quản lý chặt chẽ đảng viên cả về chính trị, tư tưởng, quan hệ xã hội, đạo đức, lối sống; gắn công tác quản lý của cấp ủy, chi bộ với vai trò tự quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm đạt hiệu quả thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản đăng ký phấn đấu, rèn luyện về đạo đức, lối sống với những tiêu chí cụ thể. Hằng tháng, tiến hành kiểm điểm trước chi bộ về những chuyển biến, tiến bộ và những vấn đề cần khắc phục. Hằng quý, hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; gắn kiểm điểm việc đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với kiểm điểm theo các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như các tiêu chí xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, theo tư tưởng chỉ đạo: “Giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, hướng trọng tâm vào kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chú trọng kiện toàn Ủy ban Kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng tốt. Bên cạnh việc thực hiện các nội dung kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, những đơn vị yếu kém kéo dài; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức quần chúng đối với cán bộ, đảng viên; động viên, khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện và hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên trong đơn vị. Sau kiểm tra, từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp, thời gian khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ là yêu cầu cơ bản, quan trọng, khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng; đồng thời, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đoàn 4 trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo Đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng TRƯƠNG NGỌC HỢI, Chính ủy Quân đoàn
___________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 34.

2 - Đảng viên “5 tốt”: 1. Tư tưởng chính trị tốt; 2. Phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; 3. Hoàn thành nhiệm vụ tốt; 4. Ý thức tổ chức kỷ luật tốt; 5. Nêu gương tốt.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.