QPTD -Thứ Ba, 19/04/2022, 07:35 (GMT+7)
Nâng cao năng lực hoạt động Cơ quan thường trực 81 đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam (Cơ quan thường trực 81) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam trong quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, v.v. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cần có các giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao năng lực hoạt động, ứng phó của Cơ quan thường trực 81 và các lực lượng chuyên trách.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ các điều ước quốc tế, các cơ chế đa phương, trong đó có cơ chế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế và các cơ chế đa phương về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên, ngày 11/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tổng hợp đầu tiên về lĩnh vực này, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Binh chủng Hóa học với trách nhiệm là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81) đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Cơ quan đầu mối quốc gia xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, tích cực củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế nâng cao năng lực cho Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam, Đơn vị đầu mối của các ban, bộ, ngành, địa phương với Chương trình kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới (EXBS)/Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, như: vấn đề nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP); các biện pháp xử lý đối với nhập khẩu quặng monazite chứa chất phóng xạ; đồng vị phóng xạ I ốt trên khu vực Biển Đông; hội chứng Havana, v.v. Qua đó, góp phần tăng cường vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tranh thủ sự hợp tác kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, thương mại và không để các thế lực xấu lợi dụng chống phá, làm suy yếu khả năng quốc phòng, an ninh đất nước.

Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử Cơ quan thường trực 81

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Đặc biệt, lợi dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số cường quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân theo xu hướng tăng độ chính xác, tầm xa, nhưng giảm đương lượng nổ, cũng như nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí hóa học thế hệ mới, v.v. Trong khi đó, các tổ chức khủng bố quốc tế tiếp tục tìm mọi cách sở hữu, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt; hoạt động buôn bán, vận chuyển, sản xuất hóa chất độc hại, các nguồn phóng xạ, an toàn sinh học tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố hóa chất độc, chất phóng xạ, sinh học,... đe dọa đến an ninh, an toàn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, việc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải huy động tổng hợp các lực lượng, nguồn lực, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với vai trò cơ quan thường trực (Cơ quan thường trực 81), Binh chủng Hóa học tiếp tục quán triệt, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình về phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng - Cơ quan đầu mối quốc gia các biện pháp ứng phó, xử lý toàn diện, kịp thời. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, thời gian tới, Binh chủng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có chức năng thu thập tin tức cả  trong và ngoài Quân đội, đề xuất trao đổi, chia sẻ thông tin có liên quan, nhất là nghiên cứu thực trạng, xu hướng nghiên cứu, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt; chiến lược, kế hoạch, tổ chức biên chế, lực lượng, phương tiện và hoạt động phòng, chống phổ biến của các nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nắm tình hình thực trạng quản lý nhà nước đối với các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; kiểm soát các vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hàng hóa lưỡng dụng; đồng thời, chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế để tiếp nhận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng - Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tập trung đề xuất nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho bộ đội và nhân dân nâng cao nhận thức về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp, tổ chức các hoạt động, nâng cao năng lực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, không để bị động, bất ngờ.

Hai là, rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng bộ, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp luật pháp quốc tế. Binh chủng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội, các ban, bộ, ngành, địa phương rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các quy định bất cập hoặc lĩnh vực, nội dung còn chưa được quy định và đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi các điều ước và cơ chế đa phương về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, tập trung hoàn thiện quy định về xử phạt, hoàn thiện các quy định thực thi, như: danh mục vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy định tội phạm trong lĩnh vực này; xây dựng thông tư, hướng dẫn về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; phối hợp với các đơn vị đầu mối sơ kết, tổng kết đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ, tham mưu, đề xuất xây dựng luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ba là, tăng cường hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, lực lượng và địa phương tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Theo đó, Cơ quan thường trực 81 sẽ tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp chuyên môn với cơ quan chuyên trách của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ chế và tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin giữa Cơ quan đầu mối quốc gia, Cơ quan thường trực 81 với các đơn vị đầu mối. Mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, đối tác, phạm vi,… phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đối ngoại quân sự, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), Chương trình kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới (EXBS), Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến trong lĩnh vực hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CoE); các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng khu vực và quốc tế, nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, huy động nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, ưu tiên các nội dung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao nhận thức, năng lực nhận biết, xác minh, ứng phó tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước, vừa không phương hại đến quốc phòng, an ninh, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, tạo cớ chống phá; đồng thời, nâng cao vị thế quốc tế của ta, góp phần ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, nâng cao năng lực, khả năng hoạt động của Cơ quan đầu mối quốc gia, Cơ quan thường trực 81 và ứng phó, xử lý của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trước mắt, tập trung kiện toàn Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam phù hợp với thực tiễn triển khai phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và khuyến nghị của tổ chức quốc tế; từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia của Bộ Quốc phòng, Cơ quan thường trực 81; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Trung tâm 81, các đơn vị đầu mối và lực lượng chuyên trách ứng phó tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Phấn đấu đến năm 2024, đội ngũ cán bộ chuyên trách của Cơ quan thường trực 81 có trình độ chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, 100% cơ quan thường trực của các đơn vị đầu mối; 100% lực lượng ứng phó có khả năng tham mưu và năng lực xử lý các tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Về nâng cao tiềm lực trang bị khí tài, cần nghiên cứu, bổ sung các trang, thiết bị trinh sát, phát hiện, phân tích về hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân có độ nhạy cao trong các đề án, nhiệm vụ mua sắm trang bị hiện có của Binh chủng và tham mưu đề xuất Bộ phê duyệt, thực hiện đề án nâng cao năng lực nhận biết, phát hiện, xử lý tình huống phổ biến đối với lực lượng kiểm soát biên giới trên đất liền, trên biển và các bộ, ngành, địa phương bảo đảm khả năng phát hiện, xác minh, ứng phó với tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; các lực lượng có đầy đủ trang bị để nhận biết, phát hiện, xác định và ứng phó các tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Phó Thường trực Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.