QPTD -Thứ Năm, 21/07/2016, 07:39 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức sơ kết thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội giai đoạn 2011 - 2015, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, nhất là ngành Hậu cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa nội dung này.

Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nội dung đột phá về đổi mới công tác bảo đảm hậu cần mà Tổng cục Hậu cần xác định. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, tiến hành trong lĩnh vực khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe bộ đội; vì vậy, việc thực hiện đã được Tổng cục Hậu cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai quyết liệt, chặt chẽ, thận trọng, với lộ trình và bước đi thích hợp.

Sau các bước chuẩn bị, tháng 9-2009, Tổng cục Hậu cần chính thức chỉ đạo thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội ở một số học viện, nhà trường Quân đội1. Từ kết quả thực hiện thí điểm, ngày 04-8-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị 99/CT-BQP chỉ đạo mở rộng xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội đối với các bếp ăn thuộc khối cơ quan chiến lược, chiến dịch, học viện, nhà trường và các bệnh viện quân y. Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 99/CT-BQP, mặc dù có không ít khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nhưng chủ trương xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội đã được hiện thực hóa, đảm bảo đúng định hướng chỉ đạo của Bộ, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nổi bật là, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội đã được phê duyệt. Trên cơ sở kinh nghiệm của các đơn vị làm thí điểm, các khâu, bước thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội, từ xây dựng hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu, thương thảo ký kết hợp đồng kinh tế,… đến quản lý, tổ chức hoạt động của bếp ăn xã hội hóa được điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo ngày càng chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật, phù hợp với đặc thù Quân đội, v.v. Đến nay, xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội đã triển khai thực hiện ở 28 cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, với 100 bếp ăn (gồm 90 bếp ăn học viên, 01 bếp ăn cơ quan chiến lược, 04 bếp ăn cơ quan chiến dịch, 05 bếp ăn bệnh viện), quân số ăn trên 40.000 người, do 33 nhà thầu thực hiện. Qua báo cáo của các đơn vị và thực tế kiểm tra của các cấp cho thấy, các bếp ăn xã hội hóa có chất lượng phục vụ tốt, duy trì cơ cấu bữa ăn, thực đơn hợp lý, chế biến đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng bữa ăn của bộ đội giữ được ổn định và có phần cải thiện; định lượng và nhiệt lượng đều đạt và vượt chỉ tiêu quy định. Công tác quản lý, sử dụng trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng, sử dụng điện, nước, chất đốt,… hiệu quả hơn trước. Các nhà thầu tích cực phối hợp với đơn vị, thực hiện đúng hợp đồng đã ký, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ăn uống cho bộ đội cả trong huấn luyện và diễn tập dã ngoại. Kết quả thăm dò ý kiến của cán bộ, chiến sĩ ăn tại các bếp xã hội hóa, tuyệt đại đa số đều đồng tình, ủng hộ. Trong điều kiện cơ sở vật chất của một số bếp ăn chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều nhà thầu đã chủ động sửa chữa, mua sắm thêm trang, thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy. Các nhà thầu cũng tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm từ chế biến, tăng gia sản xuất của đơn vị; bởi vậy, hoạt động tăng gia sản xuất của đơn vị có bếp ăn xã hội hóa không bị ảnh hưởng, v.v. Cùng với đó, việc xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội bước đầu đã thực hiện được mục tiêu cắt giảm quân số nuôi quân, chi phí phục vụ, tiết kiệm ngân sách quốc phòng. Theo tổng hợp, từ năm 2011 đến hết năm 2015, các đơn vị thực hiện xã hội hóa đã rút giảm được 1.143 nuôi quân; tiết kiệm cho ngân sách khoảng 41,6 tỷ đồng (chưa tính đến mức chênh lệch về tiền lương và các khoản phụ cấp được ưu đãi khác cho đối tượng nuôi quân), v.v.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội còn bộc lộ một số hạn chế trong xây dựng phương án giá, xây dựng hồ sơ mời thầu, trong công tác phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, giám sát của đơn vị có bếp ăn xã hội hóa và hoạt động bảo đảm của các nhà thầu, v.v.

Những kết quả, kinh nghiệm và tồn tại, hạn chế đó đã được thẳng thắn chỉ ra trong Hội nghị sơ kết thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội giai đoạn 2011 - 2015, do Bộ Quốc phòng tổ chức, tháng 4 - 2016. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị có liên quan, trước hết là Tổng cục Hậu cần có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội và thực hiện tốt chủ trương mở rộng xã hội hóa đối với các bếp ăn có đủ điều kiện, gắn với lộ trình giảm quân số trong những năm tới, theo định hướng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới.

Để đạt được mục tiêu đó, trước hết, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, các đơn vị được giao thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội cần quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Quân ủy Trung ương, Chỉ thị 99/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ này. Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là nội dung mới, yêu cầu đòi hỏi cao, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa nghiên cứu, hoàn thiện mô hình, nên quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi vướng mắc nảy sinh, trước hết là về tư tưởng, nhận thức. Vì vậy, các ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ hiểu đúng chủ trương của Quân ủy Trung ương, nhất là thấy được mục đích, ý nghĩa của xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội và những kết quả thiết thực mà nó mang lại. Tuyên truyền, giáo dục để nhà thầu và lực lượng phục vụ thấy rõ vinh dự khi được tin tưởng lựa chọn tham gia công tác nuôi dưỡng bộ đội. Đồng thời, chủ động phát hiện, đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, biểu hiện tiêu cực,… nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiếp tục sâu sát, bám nắm tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các khâu, các nội dung xã hội hóa chặt chẽ, trên quan điểm: “… lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội và phục vụ bộ đội là mục tiêu hàng đầu”2, đảm bảo cho xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội thực hiện đúng định hướng, đạt mục đích đề ra. Đi liền với đó, cơ quan hậu cần các cấp, nhất là ngành Quân nhu cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, quản lý, giám sát, phối hợp tổ chức thực hiện. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để đơn vị thực hiện xã hội hóa đạt kết quả tốt. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với Bộ những chủ trương phù hợp trong thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội cũng như một số mặt bảo đảm hậu cần khác.

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội khá đồng bộ; trong đó, quy định rõ về: quy trình, thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng; tiêu chí của nhà thầu; quy chế hoạt động, quy chế kiểm tra, giám sát đối với bếp ăn xã hội hóa; quy định chế độ bảo vệ an ninh; công tác chính sách đối với lực lượng nuôi quân dôi dư, v.v. Tuy nhiên, trước sự phát triển của tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ nuôi dưỡng bộ đội, Tổng cục Hậu cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách, quy chế, quy định liên quan đến hoạt động xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhưng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp đặc thù Quân đội, điều kiện kinh tế thị trường. Trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng phương án giá chi phí phục vụ sát với tính chất, đặc điểm của từng mô hình bếp ăn khối cơ quan, bệnh viện, học viện, nhà trường,… tạo cơ sở để thống nhất thực hiện.

Phát huy kết quả đạt được, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động bảo đảm của nhà thầu, giữ vững chất lượng bữa ăn của bộ đội. Theo đó, cùng với cụ thể hóa các yêu cầu công tác bảo đảm ăn uống cho bộ đội trong hợp đồng, cần coi trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giá, tổ quản lý, giám sát bếp ăn xã hội hóa. Các đơn vị cần thực hiện tốt cơ chế duyệt giá, kiểm soát chặt chất lượng đầu vào lương thực, thực phẩm; chú trọng đổi mới phương pháp giám sát; kết hợp chẽ giữa kiểm tra, giám sát của bộ phận chuyên trách với kiểm tra của cơ quan chuyên ngành (quân nhu, quân y,…); tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra thực tế khi thức ăn đã lên đĩa, kiểm tra chéo, nấu đối chứng và phát huy vai trò của bộ đội trong việc tham gia quản lý, giám sát, v.v. Mặt khác, các đơn vị cần chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và phối hợp với nhà thầu để tổ chức tốt việc nuôi dưỡng bộ đội; trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhà thầu về kinh nghiệm tổ chức bảo đảm ăn uống trong Quân đội, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thực hiện hợp đồng.

Để thực hiện tốt mục tiêu cắt giảm quân số nuôi quân, các đơn vị cần chấp hành nghiêm quy định về biên chế tổ quản lý, giám sát, hạn chế thấp nhất việc xếp chồng quân số. Các đơn vị trước khi triển khai thực hiện xã hội hóa, cần xác định lộ trình giảm quân số, xây dựng kế hoạch giải quyết quân số nuôi quân hiện có một cách triệt để theo đúng quy định. Đối với các bếp ăn nhỏ, lẻ, quân số ăn thấp, để xã hội hóa, nên quy hoạch tập trung nhằm thu hút nhà thầu và giảm giá chi phí phục vụ. Các học viện, nhà trường tiếp tục phối hợp với nhà thầu nghiên cứu mô hình tổ chức lực lượng phục vụ khi bộ đội huấn luyện, diễn tập dã ngoại, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, v.v. Trong thời gian tới, nhiều nhà thầu sẽ hết hạn hợp đồng phục vụ; bởi vậy, các đơn vị cần chủ động rút kinh nghiệm làm tốt việc mời thầu, đấu thầu, ký hợp đồng mới, v.v. Trường hợp nếu nhà thầu làm tốt, có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho ký lại hợp đồng, không đấu thầu lại.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội, các nhà thầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm; tăng cường đầu tư thêm trang, thiết bị phục vụ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng toàn diện cho người lao động, nhất là chất lượng chính trị, tính tổ chức, kỷ luật, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quân sự, v.v.

Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát mục tiêu đã xác định; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; tăng cường phối hợp, hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện,… góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Thiếu tướng PHAN BÁ DÂN, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

__________________           

1 - Gồm: Học viện Hậu cần; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Biên phòng; Học viện Phòng không - Không quân; Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Chính trị; Trường Sĩ quan Thông tin; Trường Sĩ quan Lục quân 2.

2 - Nghị quyết 623-NQ/QUTW, ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.