Thứ Năm, 24/04/2025, 11:26 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Đất quốc phòng là một phần quỹ đất của quốc gia, được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng vào mục đích: xây dựng nơi đóng quân, làm căn cứ quân sự, công trình phòng thủ quốc gia, trận địa, bãi tập, kho tàng, nhà máy, bệnh viện... và các công trình quốc phòng khác. Do yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đất quốc phòng được phân bố trải rộng trên địa bàn cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi, biên giới đến vùng biển, đảo, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm cả về kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng-an ninh (QP-AN), nên vấn đề quản lý, sử dụng đất quốc phòng luôn được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân, nhất là những địa phương mà trên địa bàn có đơn vị bộ đội đứng chân.
Luật Đất đai qua các thời kỳ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, vấn đề quản lý, sử dụng đất quốc phòng được xác định rõ: Chính phủ quy định việc lập, xét duyệt, điều chỉnh thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng; Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng trình Chính phủ xét duyệt. Theo đó, từ năm 1994, việc lập quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 846/CT-QP, ngày 12-12-1994 về tổ chức rà soát, quy hoạch đất quốc phòng do quân đội quản lý, sử dụng trên địa bàn cả nước, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng do quân đội quản lý, sử dụng trên địa bàn 8 quân khu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, không những tạo điều kiện để việc sử dụng đất đai vào mục đích quốc phòng được ổn định, lâu dài, bảo đảm yêu cầu phòng thủ, bảo vệ đất nước, mà còn thúc đẩy việc sử dụng diện tích đất do quân đội quản lý hợp lý, hiệu quả hơn; đồng thời, góp phần vào phát triển KT-XH, xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trong quá trình thực hiện, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn. Thông qua quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, không ít đơn vị quân đội, do nhu cầu bức thiết về thao trường, bãi tập..., đã được các tỉnh, thành phố chuyển một số diện tích đất do địa phương quản lý sang sử dụng cho mục đích quốc phòng; cùng với đó, một số lớn diện tích đất do quân đội trực tiếp quản lý đã được chuyển cho các địa phương và các bộ, ngành để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH. Nhìn chung công tác quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng thời gian qua đã được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật về đất đai, đáp ứng được yêu cầu đất đai cho quy hoạch xây dựng các công trình phòng thủ quốc gia, như: hệ thống kho tàng, thao trường, bãi tập, căn cứ, nơi đóng quân, nhất là hệ thống đường tuần tra biên giới, đường quốc phòng ven biển, vừa đảm bảo tốt yêu cầu phòng thủ quốc gia, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ Tổ quốc, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy vậy, thực tiễn quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, bất cập; nhất là việc phân định ranh giới, xác định số liệu thống kê chưa rõ ràng, chính xác, dẫn tới sự tranh chấp giữa một số đơn vị với địa phương nơi đóng quân, thậm chí có những tranh chấp kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất quốc phòng. Mặt khác, việc quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đã tiến hành nhiều năm, nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của đất nước, của địa phương trong từng thời kỳ, dẫn đến một số nơi, quỹ đất cần thiết dành cho thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện, SSCĐ của một số đơn vị chưa được địa phương sở tại quan tâm đúng mức; ngược lại, ở một số khu vực, chưa nhất thiết phải bổ sung quỹ đất cho mục đích quốc phòng, nhưng vẫn được bố trí, gây lãng phí về quỹ đất. Điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể tới nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của quân đội và phát triển KT-XH của các địa phương.
Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong Cương lĩnh, đường lối của mình, Đảng ta luôn xác định: xây dựng, phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu; đồng thời, tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược trọng yếu, không thể xem nhẹ. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai cho mục đích quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung giải quyết tốt hai vấn đề sau:
Một là, tiếp tục rà soát nắm chắc hiện trạng và nhu cầu sử dụng đất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng để quản lý có hiệu quả. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 618/CT-TTg, ngày 15-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai; trong đó, cần tập trung đánh giá hiện trạng việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng của các đơn vị trong thời gian qua; đồng thời, xác định nhu cầu sử dụng đất vào mục đích quốc phòng trong thời gian tới, làm cơ sở để xác định chỉ tiêu đất cho mục đích quốc phòng trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2020. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng..., rà soát nắm chắc quỹ đất quốc phòng và nhu cầu sử dụng của từng đơn vị; trên cơ sở đó, bàn bạc thống nhất, xác định ranh giới, mốc giới và số liệu thống kê chính xác để điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, do sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ, một số đơn vị quân đội, nhất là các đơn vị đóng quân trên địa bàn đô thị còn thiếu đất để bố trí thao trường, bãi tập, các cơ sở hậu cần-kỹ thuật..., phục vụ cho huấn luyện, SSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN ngay trên địa bàn; trong khi đó, khu vực thành phố, thị xã thường có mật độ dân số đông, nhu cầu phát triển KT-XH rất lớn, nhưng quỹ đất lại hạn hẹp. Vì vậy, trong quá trình rà soát, điều chỉnh, cần căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế để xác định và bổ sung quỹ đất vào mục đích quốc phòng cho các đơn vị quân đội phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, chuyển một số diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng ở các vị trí thuận lợi, sang mục đích phát triển KT-XH, phát triển khu dân cư. Đây là sự điều chỉnh khách quan, cần thiết nhằm sử dụng đất đai một cách hiệu quả, hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ củng cố, tăng cường QP-AN và phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, khi chuyển đổi diện tích đất đang sử dụng từ mục đích dân sự sang mục đích quốc phòng và ngược lại, cần tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân biết mục đích sử dụng, tránh những vướng mắc, hiểu nhầm. Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý đất sử dụng cho mục đích quốc phòng cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ mốc giới, chống lấn chiếm trái phép, nhất là các khu vực trường bắn, sân bay, thao trường huấn luyện...
Hai là, tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai vào mục đích quốc phòng. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đai sử dụng vào mục đích quốc phòng nói riêng. Nhất là trong điều kiện hiện nay, trước yêu cầu sử dụng đất đai cho mục đích phát triển KT-XH ngày càng tăng, nhiều diện tích đất, trong đó có đất quốc phòng được chuyển sang để xây dựng các khu công nghiệp, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thì việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc càng có ý nghĩa quan trọng. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các địa phương có liên quan cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1869/TTg-KTN, ngày 4-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế sử dụng đất quốc phòng. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng đối với đất quốc phòng; phối hợp cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị, hộ gia đình thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ phục vụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng và quản lý đất quốc phòng; rà soát, xác định mốc giới, ranh giới, diện tích đất quốc phòng, phát hiện những sai phạm để điều chỉnh kịp thời trong quy hoạch phát triển KT-XH của các địa phương; đặc biệt là, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm, hợp lý các vướng mắc, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc phối hợp quản lý, sử dụng đất quốc phòng của các đơn vị quân đội trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các tranh chấp về sử dụng đất giữa các đơn vị quân đội và địa phương. Đối với Bộ Quốc phòng, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 để thống nhất triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn cả nước; trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (năm 2003) phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu củng cố quốc phòng trong tình hình mới.
NGUYỄN MẠNH HIỂN
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo” 24/04/2025
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 14/04/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/03/2025
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị 28/03/2025
Thanh niên Quân đội sẵn sàng xung kích, tiên phong bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 24/03/2025
Binh chủng Công binh nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 17/03/2025
Tỉnh Nam Định tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 17/03/2025
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội 24/02/2025
Binh đoàn 15 nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng 18/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới 13/02/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo”