QPTD -Thứ Hai, 13/06/2011, 14:24 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả phòng hoá của lực lượng dân quân tự vệ

 Dân quân tự vệ (DQTV) là một thành phần trong lực lượng vũ trang nhân dân, được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của DQTV đối với nhiệm vụ phòng hoá có ý nghĩa quan trọng.

alt
Khối nữ Dân quân tự vệ tham gia Diễu binh Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nước ta đã kết thúc cách đây 36 năm, nhưng hậu quả hoá học tàn khốc của nó đối với con người và môi trường sinh thái còn hết sức nặng nề và dai dẳng (gần 5 triệu nạn nhân chất độc hoá học/di-o-xin và các loại chất độc hoá học vẫn còn đang tồn lưu ở nhiều khu vực). Mặt khác, trong quá trình CNH,HĐH đất nước, các biểu hiện phát triển thiếu bền vững của chính con người cũng gây nhiều sự cố hoá chất, ô nhiễm môi trường ở các hình thức, quy mô, mức độ khác nhau.

Nhận thức rõ tình hình đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp, ban hành nhiều văn bản pháp lý chỉ đạo việc tổ chức lực lượng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả hoá học. Điều đó được thể hiện rõ trong Luật Quốc phòng và Luật DQTV. Điều 8, Luật DQTV quy định các nhiệm vụ của DQTV, trong đó nhấn mạnh việc: “thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác”.

Để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của lực lượng DQTV đối với công tác phòng hoá trong thời gian tới, cần thực hiện một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, xây dựng lực lượng DQTV phòng hoá nòng cốt ở cơ sở vững mạnh. DQTV phòng hoá là một thành phần của DQTV cơ động; thời bình, được tổ chức ở cấp xã (phường, thị trấn) và một số cơ quan, tổ chức theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên, phù hợp với kế hoạch phòng thủ khu vực và phòng thủ dân sự ở địa phương. Theo đó, cấp xã (phường, thị trấn), các doanh nghiệp, trước hết là ở các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp có nhiều hoạt động liên quan đến hoá chất, hoặc chất phóng xạ cần tổ chức các tổ, tiểu đội DQTV phòng hoá phù hợp. Đây là lực lượng phòng hoá nòng cốt ở cơ sở có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng hoá và trực tiếp giải quyết các tình huống phức tạp, nguy hiểm ở các mục tiêu trọng điểm.

Tiêu chuẩn công dân được tuyển chọn vào DQTV phòng hoá dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn chung của DQTV nòng cốt đã được quy định tại Điều 11 của Luật DQTV; đồng thời, có khả năng tiếp thu kiến thức phòng hoá cơ bản, có sức khoẻ tốt, hoạt động được thời gian dài với khí tài phòng hộ trong môi trường ô nhiễm, độc hại. Trong đó, cần chú trọng tuyển chọn đối tượng là Bộ đội Hoá học đã phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, các nhân viên y tế, vật tư nông nghiệp... Trong các doanh nghiệp, tuyển chọn, bố trí tự vệ hoá học là cán bộ, nhân viên phụ trách an toàn bảo hộ lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường, nhân viên vật tư hoá chất, xăng dầu, nhân viên phòng thí nghiệm, trạm quan trắc môi trường...  

Hiện nay, cả nước có gần 100.000 DQTV phòng hoá; lực lượng này cần được tổ chức chặt chẽ, quy mô hợp lý, được trang bị tương đối đồng bộ. Để xây dựng lực lượng DQTV phòng hoá vững mạnh, cùng với công tác tổ chức lực lượng còn phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện chuyên môn. Nội dung giáo dục trước hết cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ DQTV về vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ phòng hoá trong thời bình và thời chiến; đó là: làm nòng cốt bảo đảm phòng hoá cho làng, xã chiến đấu và thực hiện phòng thủ dân sự về phòng hoá; phối hợp với lực lượng phòng hoá chuyên trách của quân đội tổ chức quan sát, trinh sát, phát hiện, thông báo, báo động các tình huống hóa chất độc, chất phóng xạ do địch tập kích, khủng bố, phá hoại hoặc do sự cố, thiên tai. Trong huấn luyện chuyên môn, cần thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung quy định; trong đó, chú trọng các nội dung về: cảnh báo nguy cơ tác hại của các loại vũ khí huỷ diệt lớn (VKHDL), các tình huống độc hại thời bình do các sự cố hoá chất, phóng xạ, sinh học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do thiên tai hoặc hoạt động khủng bố, phá hoại; các phương pháp tự chế tạo các phương tiện đơn giản và sử dụng chúng để phát hiện, đề phòng, cấp cứu; các biện pháp tổ chức phân tán, sơ tán, xử lý các tình huống khấn cấp về hoá học, phóng xạ, sinh học, các nội dung về phương pháp tiến hành điều tra, cách nhận biết, xử lý các loại chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Công tác huấn luyện hoá học còn phải kết hợp chặt chẽ với các hoạt động xử lý các tình huống liên quan đến hoá chất, phóng xạ xảy ra trên địa bàn. Thực tế cho thấy, khi có tình huống hoá học, trong thời gian chờ lực lượng chuyên trách (thường phải cơ động từ xa đến), thì DQTV là lực lượng giải quyết kịp thời nhất; vì vậy, trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ hoặc diễn tập cứu hộ, cứu nạn, cần phải kết cấu các tình huống hoá học, phóng xạ để luyện tập xử trí.

Cùng với đó, DQTV phòng hoá còn phải tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng hoá cho nhân dân và các thành phần DQTV khác, làm cơ sở hỗ trợ, nâng cao hiệu quả phòng hoá ở cơ sở. Lực lượng phổ thông phòng chống VKHDL là đông đảo các tầng lớp nhân dân được trang bị những kiến thức cơ bản nhất để biết tự bảo vệ mình và giúp đỡ người khác khắc phục hậu quả hoá học hoặc các thảm họa với các tác nhân độc hại gây ra. Khi nhận thức của cả cộng đồng được nâng cao thì hoạt động phòng hoá của DQTV cũng đạt hiệu quả cao hơn. lực lượng DQTV phòng hoá với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng hoá ở cơ sở, cần hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp đề phòng, cấp cứu, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng các khu vực nhiễm; hướng dẫn nhân dân tự làm, khai thác các phương tiện thô sơ, lưỡng dụng vào việc phòng hoá tại mỗi gia đình, đơn vị sản xuất, nơi công tác; tham gia cùng các lực lượng khác dùng công cụ hỗ trợ bảo vệ mục tiêu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Trên các chương trình khoa giáo của hệ thống thông tin đại chúng, nhất là các kênh phát thanh, truyền hình của Trung ương và các địa phương, đài truyền thanh của xã (phường, thị trấn), cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến kiến thức phòng hoá phổ thông; đồng thời, tăng cường phổ biến rộng rãi trong nhân dân các loại áp phích, tờ rơi, sổ tay, xây dựng các trang thông tin điện tử (website)… để phổ biến các kiến thức cơ bản, các kinh nghiệm truyền thống về phòng chống VKHDL và các tác nhân độc hại.

Hai là, bảo đảm các phương tiện, vật tư phòng hoá phù hợp với đặc điểm của DQTV trên các vùng, miền. Các phương tiện phòng hoá cho lực lượng DQTV tập trung ở một số chủng loại có tính năng: phát hiện, đề phòng, tiêu tẩy các chất độc, chất phóng xạ, tác nhân sinh học, trong đó phổ biến nhất là mặt nạ phòng độc để bảo vệ cơ quan hô hấp cho từng người. Nhu cầu về số lượng phương tiện phòng hoá của DQTV rất lớn; vì vậy, những năm tới, các quân khu, tỉnh, thành phố cần phấn đấu bảo đảm đủ lượng phương tiện, vật chất phòng hoá cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, huấn luyện DQTV nòng cốt theo danh mục quy định tại Thông tư số 78/2010/TT-BQP, ngày 23-6-2010 của Bộ Quốc phòng và ưu tiên cho lực lượng DQTV ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, địa bàn tiềm ẩn phức tạp về tình hình hoá học, phóng xạ, sinh học. Ngoài một số khí tài tương đối hiện đại trang bị cho DQTV nòng cốt được sản xuất tập trung ở các cơ sở công nghiệp quốc phòng, các địa phương có thể khai thác các nguyên, vật liệu có sẵn tại chỗ để tự sản xuất các phương tiện phòng hoá cho DQTV với các yêu cầu gọn, nhẹ, đơn giản về cấu tạo; thao tác, bảo quản không phức tạp, phù hợp với đối tượng sử dụng. Binh chủng Hoá học và cơ quan hoá học các cấp cùng với việc bảo đảm các phương tiện phòng hoá chế sẵn, cần tích cực nghiên cứu, giới thiệu các mẫu khí tài phòng hoá giản đơn cho DQTV, phù hợp với các vùng, miền. Ngân sách bảo đảm trang bị, vật chất phòng hoá cho DQTV phải được huy động từ nhiều nguồn, như: ngân sách nhà nước, ngân sách của địa phương, doanh nghiệp, quỹ quốc phòng-an ninh... Trong điều kiện chưa đủ trang bị phòng hoá chuyên dụng, trong diễn tập và thực hành xử lý các tình huống độc hại khẩn cấp, có thể sử dụng các phương tiện phòng hoá lưỡng dụng. Lực lượng dân quân có thể sử dụng các phương tiện, vật tư phòng hộ, tiêu tẩy của y tế, bảo vệ thực vật; tự vệ ở các doanh nghiệp có thể sử dụng các phương tiện phòng hộ công nghiệp, dụng cụ thí nghiệm, vật liệu xử lý môi trường...

Để xử lý kịp thời các tình huống hoá học, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm, phức tạp về hoá chất, phóng xạ phải tổ chức dự trữ phương tiện, vật tư phòng hoá cho DQTV với số lượng hợp lý. Ở cấp xã (phường, thị trấn), cơ quan, doanh nghiệp, nơi tổ chức lực lượng DQTV đều phải có đủ các phương tiện phòng hoá cá nhân chế sẵn hoặc thô sơ, trang bị đến từng người để sẵn sàng xử lý các tình huống đột xuất. 

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng của lực lượng DQTV với các lực lượng khác trong công tác phòng hoá. Hoạt động phòng hoá của DQTV được thể hiện trong kế hoạch phòng thủ dân sự và kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ; vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng, cần tích cực thực hiện thông qua các cuộc diễn tập, các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố hoá chất độc, chất phóng xạ, xử lý ô nhiễm môi trường. Ngay trong thời bình, các địa phương, các ngành, các cơ sở sản xuất phải xây dựng kế hoạch phòng chống VKHDL, kế hoạch ứng cứu, khắc phục sự cố hoá chất, phóng xạ và định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập về phòng thủ dân sự có sự tham gia của dân quân xã (phường, thị trấn), tự vệ của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn để từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp, điều hành thống nhất các lực lượng trên địa bàn. Do đặc điểm sát thương của các tác nhân độc hại là rất khó nhận biết bằng mắt thường, khi xảy ra các sự cố, thảm họa về hoá học, phóng xạ, dân chúng rất dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần. Vì vậy, phải thực hiện tốt việc thông báo, báo động, tổ chức sơ tán, di dời nhân dân một cách trật tự để giảm nhẹ nhất mức độ thiệt hại; đồng thời, phải khẩn trương khoanh vùng, khống chế, dập tắt sự truyền lan của các tác nhân độc hại càng sớm càng tốt. Hiện nay, tại nhiều địa phương còn tồn đọng các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại, những hoá chất độc hại, nguồn phóng xạ trôi nổi, những điểm ô nhiễm môi trường nặng do dịch bệnh gia cầm, gia súc, do chất thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt...; ở nhiều địa bàn phía Nam còn tồn lưu chất độc hoá học sau chiến tranh (chất độc CS, phôt-pho, di-o-xin...). Do đó, để xử lý các điểm ô nhiễm trên, chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có việc sử dụng lực lượng DQTV theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ đội Hoá học. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là những bài học thực tế, góp phần nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, khả năng tổ chức, điều hành, xử lý tình huống độc hại, nguy hiểm của lực lượng DQTV, từng bước thích ứng với điều kiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. PHẠM QUỐC TRUNG

Tư lệnh Binh chủng Hoá học

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.