QPTD -Thứ Năm, 21/09/2023, 09:11 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Đề án 06

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, nhằm đưa đất nước phát triển và phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã, đang tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, góp phần vào thành công của Đề án chuyển đổi số quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số ngày càng giữ vai trò quan trọng, cấp thiết đối với mỗi quốc gia; đồng thời, mở ra cơ hội để các quốc gia bứt phá vươn lên. Với mục tiêu trở thành quốc gia chuyển đổi số nhanh, tiếp cận các nước tiên tiến trên thế giới và có thể khai thác triệt để cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, tạo đòn bẩy phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực và xác định đó là phương thức mới, có tính đột phá nhằm rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản1, xây dựng chương trình, kế hoạch về lĩnh vực quan trọng này, làm cơ sở để triển khai cho các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những kết quả mang tính đột phá là Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an quyết liệt triển khai và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tháng 7/2021). Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia đã mở ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi đây là cơ sở dữ liệu “gốc”, có vai trò quan trọng hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số và công dân số. Từ kết quả này, Bộ Công an tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 06). Đề án 06 xác định 07 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể, với 05 nhóm tiện ích2 và lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nổi bật là: (1). Các dữ liệu nền tảng cho chuyển đổi số được bổ sung, hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 17 trường thông tin của hơn 100 triệu công dân được số hóa và bổ sung, cập nhật thường xuyên bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam), 03 doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 63 địa phương, góp phần bổ sung và “làm giàu” dữ liệu; hơn 83 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử cũng đã được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia; đồng thời, đã phê duyệt trên 55,4 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID). (2). Các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện với bước đột phá là 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, trong đó có hai dịch vụ liên thông3. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỉ đồng. (3). Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình như: xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro; xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa, v.v.

Đánh giá tổng thể, việc thực hiện Đề án 06 đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 03 khía cạnh: làm cho xã hội văn minh hơn; đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, phòng, chống tội phạm. Đây là một trong những nội dung quan trọng mang tính đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Quốc phòng và an ninh là lĩnh vực đặc thù của mỗi quốc gia, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực này cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quốc phòng và an ninh ở nước ta được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với các chủ trương, giải pháp đặc thù. Điều đó được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quán triệt và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, cùng với đóng góp chung vào chuyển đổi số quốc gia thông qua việc thực hiện Đề án 06, ngoài việc thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng được phân công 03 nhiệm vụ theo chức năng được giao, bao gồm: cung cấp chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia vào Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin điện tử các cấp; cung cấp giải pháp ứng dụng mật mã đảm bảo xác thực, bảo mật cho các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính; tham gia giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho các hệ thống thông tin Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị phối hợp triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 trong Quân đội đã được tổ chức thực hiện khẩn trương, tích cực. Bộ Quốc phòng đã ban hành 02 kế hoạch, 01 quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06; đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thông qua Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Chính phủ điện tử hằng tháng; kịp thời chỉ đạo các nội dung phát sinh trong quá trình triển khai các kế hoạch; tổ chức Hội nghị cấp bộ để tháo gỡ các “điểm nghẽn” về triển khai Đề án 06. Qua theo dõi của Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện các nhiệm vụ được phân công, nhất là việc cung cấp chứng thư số chuyên dùng4, các giải pháp mật mã, bảo mật, giám sát an toàn thông tin, qua đó đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Đề án 06. Trong quá trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ, bảo đảm bám sát lộ trình. Đặc biệt, ngày 29/6/2023, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số. Tại Hội nghị, lãnh đạo hai bộ đã thống nhất tăng cường phối hợp trong việc khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để hỗ trợ công tác quản lý, công tác tham mưu, hoạch định các chính sách,… thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh. Đây là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa sự phối hợp của hai bộ trong chuyển đổi số quốc gia. Để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Quân đội, Công an trong thực hiện Đề án 06, thời gian tới, hai bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cụ thể hóa các nội dung triển khai thực hiện, tập trung vào một số nội dung chủ yếu:

Một là, phối hợp chặt chẽ trong khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ các hoạt động quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Chúng ta biết, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin đã được chuẩn hóa đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày, hằng giờ, theo thời gian thực, nên bảo đảm độ chính xác cao và ngày càng được bổ sung, “làm giàu” trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành; những biến động về dân cư trên các khu vực, địa bàn, vùng miền cũng được phân tích, đánh giá và dự báo, từ đó sẽ cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước cũng như theo từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Hiệu quả rõ rệt có thể thấy, từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ phân tích chính xác dữ liệu dân cư đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, giúp cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chủ động trong công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, giao chỉ tiêu cho các địa phương, cơ sở theo định kỳ hằng năm, qua đó nắm chắc số lượng công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự để gửi thông báo, cũng như theo dõi, không để xảy ra tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Hai là, phối hợp đẩy mạnh việc tra cứu, xác thực thông tin công dân trên Cổng dịch vụ công của Bộ Quốc phòng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đang được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Ba là, phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh nói riêng. Trước mắt tập trung phối hợp rà soát, xác định văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm việc chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang môi trường điện tử. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng phối hợp trong công tác giám sát an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu tấn công, xâm nhập phá hoại, lấy cắp dữ liệu, nhất là các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.

Bốn là, phối hợp triển khai các tiện ích của Đề án 06 trong hoạt động của Quân đội, Công an, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng. Một trong những tiện ích phổ biến hiện nay là ứng dụng các thiết bị đọc mã QR chuẩn tại các bệnh viện Quân đội và Công an phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm phiền hà cho người bệnh; cũng như nghiên cứu giải pháp phát triển chuyển đổi số cho lực lượng vũ trang thông qua ứng dụng VNeID với mục đích tích hợp các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, chữ ký số, tài khoản ngân hàng, đăng ký phương tiện, phục vụ giao dịch. Bên cạnh đó, hai bộ cũng cần phối hợp chặt chẽ trong khai thác các tiện ích từ Đề án 06 phục vụ thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Trong đó, tăng cường phối hợp quản lý xuất nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là ở các địa bàn biên giới phức tạp về an ninh trật tự; khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý dân cư biên giới, ngư dân trên biển, góp phần giúp các lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ di biến động của người dân trên địa bàn mình quản lý, nhanh chóng xác định số đối tượng có tiền án, tiền sự, có quyết định truy nã từ nơi khác đến. Chia sẻ dữ liệu chuyên ngành về thông tin lý lịch tư pháp, trích lục tiền án, tiền sự, đối tượng cấm xuất nhập cảnh; đối tượng có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Nâng cao hiệu quả phối hợp triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có ảnh hưởng không nhỏ đối với thành công chuyển đổi số; đồng thời, khẳng định vai trò gương mẫu, đi đầu của Công an, Quân đội trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia.

Trung tướng NGUYỄN DUY NGỌC, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ
________________

1 - Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, v.v.

2 - Gồm: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương.

3 - 1. Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi; 2. Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.

4 - Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp gần 14.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương để sử dụng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 2.473 chứng thư số cho các cơ quan, tổ chức; 11.524 chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai tích hợp ký số và xác thực giấy phép Cảng điện tử trên Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử cho Bộ đội Biên phòng; hỗ trợ tích hợp thư viện ký số, xác thực cho bệnh án điện tử của Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.