QPTD -Thứ Hai, 09/04/2018, 10:34 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác khoa học quân sự

Cách đây 60 năm, ngày 10-4-1958, Cục Nghiên cứu Điều lệnh và Khoa học quân sự - tiền thân của Cục Khoa học quân sự được thành lập. Từ đó đến nay, Cục đã bám sát thực tế, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về công tác khoa học nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chúc mừng
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm đề tài
cấp quốc gia đạt xuất sắc

Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Cục đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam,… được Đảng, Nhà nước, Quân đội đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý1.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để góp phần chiến thắng đội quân nhà nghề hàng đầu thế giới, có nền khoa học quân sự hiện đại, hơn ta nhiều lần, Cục Khoa học quân sự đã tổ chức triển khai nhiều đề tài nghiên cứu về: quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự, v.v. Trong quá trình nghiên cứu, Cục nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng: tích cực, chủ động tiến công địch; “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều” và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân Việt Nam; đồng thời, cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm trực tiếp vào chiến trường nghiên cứu tình hình cụ thể của từng mặt trận, hướng chiến lược, v,v. Do đó, các đề tài nghiên cứu luôn sát hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao; đóng góp cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là Bộ Tổng Tư lệnh chỉ huy, điều hành chiến tranh nhiều luận cứ khoa học, cơ sở để tìm ra cách đánh mới; cách phòng, chống, khắc phục chất độc hóa học; sáng chế và cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; tổ chức biên soạn, biên dịch nhiều tài liệu huấn luyện có giá trị, v.v. Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam,  thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiềm lực, vị thế mới, Cục Khoa học quân sự đã triển khai nghiên cứu thành công nhiều công trình, sản phẩm có giá trị về khoa học quân sự2; thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phát triển lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, v.v. Qua đó, từng bước phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, củng cố trận địa chính trị, tư tưởng, nâng cao bản chất giai cấp công nhân, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, v.v. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị cả trong và ngoài Quân đội triển khai nghiên cứu, áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào công tác chỉ huy, huấn luyện, bảo đảm; công tác cải tiến, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng tích hợp, tăng uy lực, độ chính xác,… đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của nghệ thuật quân sự, phù hợp với hoạt động tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Cùng với sự phát triển của nhiệm vụ, Cục tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quản lý môi trường quân sự; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng gây ô nhiễm môi trường; tham gia các hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển, an toàn bức xạ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và trong nước triển khai, thực hiện dự án tẩy độc ở một số địa bàn bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh, đem lại môi trường sạch cho cuộc sống của nhân dân địa phương; phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước.

Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự chủ trì Hội thảo khoa học về tiếp cận cách mạng 4.0

Hiện nay, chúng ta đang từng bước tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Quân đội nói riêng có sự phát triển mới, đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác khoa học quân sự. Để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, Cục Khoa học quân sự cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao chất lượng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác khoa học, công nghệ và môi trường. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Cục phải quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác khoa học, công nghệ và môi trường; nhất là Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 01-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 791-NQ/QUTW, ngày 30-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, v.v. Trên cơ sở đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu đúng, trúng, kịp thời để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chủ trương, biện pháp thực hiện công tác khoa học, công nghệ và môi trường cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thậm chí đến từng giai đoạn, từng năm, bảo đảm khoa học, phù hợp với nhiệm vụ Quân đội, nền kinh tế đất nước và tình hình quốc tế. Khi thực hiện, phải coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên cập nhật sự phát triển của khoa học, nhất là khoa học quân sự hiện đại; trong đó, tập trung nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự,… không để bị động, bất ngờ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu cung cấp những luận cứ khoa học trên mặt trận tư tưởng, lý luận, giúp Đảng, Nhà nước, Quân đội đấu tranh với những quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và Tổ quốc trong điều kiện mới.

Hai là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nghiên cứu, tạo nhiều sản phẩm khoa học có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Với vai trò là cơ quan đầu ngành về công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội, Cục Khoa học quân sự chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo chức năng; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong toàn quân rà soát, xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án nghiên cứu, bảo đảm các sản phẩm khoa học, công nghệ phải đi trước, đón đầu, có tính khả thi cao. Trước hết, cần tập trung nghiên cứu phục vụ cho việc hoàn thiện Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, biên soạn hệ thống điều lệnh tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn; trong đó, nhiệm vụ phát triển lý luận về chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong điều kiện mới được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, làm chủ một số lĩnh vực khoa học, công nghệ quân sự tiên tiến;  chủ động thiết kế, chế tạo, cải tiến, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng các đơn vị, lực lượng trong Quân đội tiến thẳng lên hiện đại.

Ba là, thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách trong tổ chức, quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường. Đây là nội dung quan trọng, bảo đảm mọi hoạt động của Quân đội trong lĩnh vực này đồng bộ với quy định của Nhà nước, sự phát triển của xã hội, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học phát triển, đem lại hiệu quả cao. Để thực hiện, Cục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội, thỏa thuận hợp tác quốc tế,… tạo cơ chế, hành lang pháp lý trong quản lý, thực hiện công tác khoa học, công nghệ và môi trường bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ. Tổ chức kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ; nhất là tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ, năng lực của các cơ quan khoa học quân sự trong toàn quân. Đổi mới công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, cơ chế tài chính, v.v. Qua đó, phát huy cao độ năng lực, thu hút chất xám, kích thích tính tích cực cho các tổ chức, nhà khoa học trong quản lý, nghiên cứu khoa học. Vấn đề có tính đột phá trong thời gian tới là, Cục sẽ vận dụng cơ chế đặt hàng cho nhiệm vụ nghiên cứu; từng bước thí điểm để hình thành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ và thực hiện xã hội hóa một số cơ sở nghiên cứu theo cơ chế giao nhiệm vụ, đấu thầu, tuyển chọn. Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghiên cứu, như: phòng thí nghiệm, xưởng chế thử, trung tâm thử nghiệm,... bảo đảm cho hoạt động khoa học, công nghệ ngày càng đạt hiệu quả cao, thiết thực.

Phát triển khoa học quân sự trong tình hình hiện nay là yêu cầu tất yếu và cần thiết. Vì vậy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường; coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học quân sự có giá trị, ngang tầm khu vực và thế giới, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. PHẠM LÂM HỒNG
 Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng
_____________

1 - Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba, v.v.

2 - Từ năm 2010 đến nay, Quân đội đã có 17 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ và hàng nghìn công trình, sáng kiến khác có giá trị thực tiễn cao.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.