QPTD -Thứ Hai, 16/05/2011, 03:56 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh trong giai đoạn mới

Nhận thức rõ vai trò, vị trí to lớn của khoa học Lịch sử Quân sự (LSQS), ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng, Nhà nước ta, mà thường xuyên trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, lâu dài, nhằm kế thừa, gìn giữ và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

alt
Ban Chấp hành Đảng bộ Viện (nhiệm kỳ 2010 - 2015)


Sau ngày Tổ quốc thống nhất, trong bề bộn khó khăn phức tạp và những thách thức mới đặt ra, ngày 28 tháng 5 năm 1981, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Viện LSQS Việt Nam. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh trong toàn quân được xác lập, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của khoa học LSQS Việt Nam.

alt
Hội đồng Khoa học BQP đánh giá, nghiệm thu đề tài Lịch sử tư tưởng Quân sự Việt Nam (1858-1945)
Trong suốt 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, các địa phương trên cả nước, Viện và công tác nghiên cứu LSQS đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều công trình lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự, hậu cần-kỹ thuật quân sự trong 30 năm chiến tranh (1945-1975)... đã được xuất bản ở Trung ương và địa phương. Nhiều vấn đề lớn về LSQS dân tộc qua

 các thời đại, lịch sử các học thuyết quân sự trên thế giới và học thuyết quân sự Việt Nam, lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam... đã và đang được triển khai, thực hiện tốt. Các công trình do Viện và ngành LSQS nghiên cứu, biên soạn đã hợp thành hệ thống công trình LSQS có giá trị, tái hiện sinh động hiện thực lịch sử dân tộc ta trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như trong tiến trình dựng nước và giữ nước, nhất là về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm giàu kho tàng lý luận, tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến tranh nhân dân; làm sáng tỏ sự thật lịch sử, bồi dưỡng tư duy quân sự cũng như phẩm chất, nhân cách con người mới cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân… Kết quả đó còn góp phần quan trọng vào việc đấu tranh, bác bỏ các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận lịch sử; bảo vệ đường lối, quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

alt
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng BQP thăm và làm việc với Viện
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số công trình nghiên cứu còn nặng về mô tả diễn biến sự kiện, tính khái quát chưa cao, nội dung tái hiện còn dàn trải, chưa bám sát đối tượng; dung lượng giữa các mảng nghiên cứu còn thiếu cân đối, như: việc tái hiện lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), một số công trình lịch sử của địa phương, đơn vị, chỉ tập trung mô tả diễn biến các hoạt động đấu tranh vũ trang; những mảng nội dung khác liên quan còn mờ nhạt, thiếu vắng...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh, Viện và ngành LSQS phải tập trung quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9; các chỉ thị về công tác LSQS hằng năm của Bộ Quốc phòng,… Cùng với đó, cấp uỷ và người chỉ huy các cấp phải luôn đề cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác nghiên cứu ở cấp mình sát hợp với yêu cầu thực tiễn; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu; phát huy tính tích cực, tự giác của cá nhân trong tự học tập, tự nghiên cứu để mở rộng kiến thức, nhất là các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội; đường lối chính trị, quân sự của Đảng; nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, kỹ thuật-hậu cần quân sự, tổ chức quân sự, địa lí quân sự, kinh tế quân sự, văn hóa quân sự, đối ngoại quân sự… Thực hiện tốt vấn đề đó, người làm công tác nghiên cứu, biên soạn LSQS, tổng kết chiến tranh sẽ có nền tảng vững chắc về quan điểm, lập trường, các tri thức cần thiết, làm cơ sở để xây dựng nên những công trình có chất lượng.

Trên bình diện phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, cần tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò, đối tượng, phạm vi của khoa học LSQS Việt Nam. Ngược dòng thời gian có thể thấy rằng, để giữ nước, ngay từ thời bình, các thế hệ người Việt Nam, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, phải luôn đề phòng và ra sức chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đối phó với kẻ thù xâm lược - những kẻ thù rất hung hãn, thường có tiềm lực cả về kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần. Hoạt động quân sự, vì thế, không chỉ diễn ra khi đất nước có chiến tranh, mà phải được tiến hành ngay từ thời bình, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hoá-xã hội và đối ngoại… để khi có chiến tranh (nếu xảy ra), đất nước mới có đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Bởi vậy, đối tượng, phạm vi đề cập của khoa học LSQS Việt Nam là rất rộng lớn, có nhiều lĩnh vực liên quan tới sức mạnh của đất nước, của vương triều, của chế độ, như: xây dựng thể chế, tiềm lực chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học-công nghệ, văn hoá-xã hội, đối ngoại... Những năm qua, nhiều vấn đề thuộc về LSQS đã được tổ chức nghiên cứu, tổng kết một cách tương đối cơ bản, hệ thống, toàn diện mang lại hiệu quả cao.

alt
Bế mạc lớp tập huấn Lịch sử Quân sự, tổng kết chiến tranh cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào
Để kế thừa và phát triển các kết quả đó, Khoa học LSQS Việt Nam cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu, đi sâu vào các lĩnh vực, các chiều cạnh thuộc về hoặc liên quan tới quá trình xây dựng tiềm lực và phát huy sức mạnh của đất nước, của chế độ, của nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân cả trong thời bình và thời chiến... Công tác nghiên cứu LSQS cần tiếp tục triển khai đồng bộ, cả LSQS thế giới, LSQS dân tộc, lịch sử tư tưởng quân sự, lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, lịch sử hậu cần-kỹ thuật quân sự, lịch sử học thuyết quân sự, lịch sử quốc phòng... Các chuyên ngành đó và những kết quả nghiên cứu của nó luôn hỗ trợ cho nhau, giúp ta hiểu sâu hơn, đúng hơn và đầy đủ hơn các vấn đề thuộc về hoặc liên quan tới LSQS. Nếu có tri thức về LSQS thế giới thì càng hiểu rõ bản sắc độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua các thời đại, nhận rõ sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nghiên cứu lịch sử hậu cần-kỹ thuật quân sự sẽ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa kinh tế và quân sự, giữa con người và vũ khí, góp phần đấu tranh với những biểu hiện "duy ý chí", quan điểm "vũ khí luận"...

Lịch sửlô gích là phương pháp chủ yếu được vận dụng trong nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử nói chung và LSQS nói riêng. Có thể khẳng định rằng, kết quả, chất lượng nghiên cứu và giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của công trình lịch sử phụ thuộc rất nhiều vào việc vận dụng phương pháp cơ bản này trong quá trình nghiên cứu, biên soạn. Mỗi một công trình sử học, ngoài việc mô tả diện mạo để "định danh" đối tượng thuộc phạm vi đề cập, còn phải phân tích, luận giải, đánh giá các sự kiện, hiện tượng và quá trình lịch sử. Muốn vậy, ngoài phương pháp lịch sử và lô gích, cần phải vận dụng các phương pháp khoa học khác trong nghiên cứu, như: phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, hệ thống-cấu trúc...Việc vận dụng kết hợp các phương pháp đó một cách nhuần nhuyễn, phù hợp, cho phép người nghiên cứu tiếp cận, đi sâu, tìm ra quan hệ tương tác giữa các sự kiện, hiện tượng cũng như các mối liên hệ bên trong của mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử; cho phép người nghiên cứu "cắt ngang, bổ dọc" vấn đề trong các công trình chuyên khảo về từng chủ đề, từng lĩnh vực thuộc LSQS.

alt
Đoàn cán bộ cấp cao Quân đội Hoàng gia Căm-pu-chia thăm và làm việc với Viện
Khi tiếp cận, phân tích, đánh giá, thể hiện các sự kiện và hiện tượng lịch sử, cần phải xem xét các sự kiện, hiện tượng ấy trong tính toàn thể và phức tạp của nó; cần phải nghiên cứu và bao quát tất cả các mặt, các mối liên hệ trực tiếp, gián tiếp của sự kiện, hiện tượng lịch sử đó trong bối cảnh lịch sử xác định; bao gồm: điều kiện xuất hiện và hình thành; những nhân tố quy định, chi phối, tác động tới quá trình vận động, phát triển và kết thúc của nó. Như thế, trong quá trình nghiên cứu, cần phục dựng lại bối cảnh lịch sử, xem xét các sự kiện, hiện tượng và quá trình vận động, biến đổi của nó trong bối cảnh lịch sử đó. Tách các sự kiện khỏi các điều kiện lịch sử của nó để nghiên cứu sẽ rơi vào khuynh hướng hiện đại hoá lịch sử, áp đặt suy nghĩ chủ quan của người nghiên cứu...

Sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta là cả một quá trình vận động rộng lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá-xã hội và đối ngoại. Quá trình vận động đó không phải chỉ thẳng tắp một chiều, mà còn có những bước thăng trầm, quanh co. Việc tái hiện các sự kiện, hiện tượng và các quá trình lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử; chỉ ra một cách khách quan, công bằng những thành công và hạn chế của lịch sử, của nhân vật lịch sử là nhiệm vụ của người nghiên cứu. Vì thế, trong khi thực hiện các công trình LSQS, cần nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội, về vai trò của quần chúng cách mạng và cá nhân... để phản ánh đúng đắn, đầy đủ các mặt trên đây, không né tránh, cũng không cường điệu. Có như thế, hiện thực lịch sử mới được tái hiện đầy đủ, nhận định đưa ra mới có sức thuyết phục, bài học rút ra mới sâu sắc. Sự thật, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không có một giai đoạn nào đối phương chỉ hoàn toàn sai lầm; ta hoàn toàn chỉ có ưu điểm. Đó là điều bình thường, cần được đề cập, tái hiện trong các công trình LSQS; song vấn đề quan trọng ở đây là không vì một số khuyết điểm, một số trận chiến đấu thất bại, bị tổn thất mà đi tới chỗ không thấy hết, thậm chí phủ định thắng lợi vĩ đại của ta. Theo đó, người nghiên cứu phải nắm vững và vận dụng hiệu quả quan điểm toàn diện, phát triển khi tiếp cận, xem xét, đánh giá các sự kiện và hiện tượng lịch sử. Hơn nữa, ở các công trình viết về cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân dân ta, cần nêu bật cuộc đấu trí, đấu lực đầy cam go, thử thách và rất quyết liệt giữa ta và địch; luận giải đầy đủ, thấu đáo, có cơ sở khoa học, tài nghệ trong chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Việt Nam trong mối tương quan với sự điều hành của bộ máy chiến tranh của đối phương. Điều đó sẽ giúp người đọc hình dung được đầy đủ, đúng đắn tầm vóc và nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam.

alt
Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2010
Đối với các vấn đề khoa học còn tồn tại sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, người viết phải bằng nhiều cách, cố gắng tối đa để giải quyết triệt để trong điều kiện có thể, không né tránh hoặc làm mờ đi những vấn đề khoa học đặt ra một cách khách quan cho chính công trình. Ở đây, người viết sử phải ý thức đầy đủ rằng, sự thật lịch sử chỉ có một; mỗi sự kiện lịch sử được trình bày phải bảo đảm tính chính xác, độ tin cậy. Về phương diện đó, tư liệu lịch sử là một trong những nhân tố quan trọng, là khâu trung gian giữa nhận thức lịch sử và hiện thực lịch sử. Giá trị của mọi công trình nghiên cứu tuỳ thuộc một phần quan trọng vào nguồn sử liệu được sử dụng trong công trình. Vấn đề này đặt ra yêu cầu là phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong quá trình khai thác, sưu tầm, tập hợp, xử lý, đưa vào sử dụng các nguồn sử liệu; đổi mới công tác thu thập và sử dụng tư liệu LSQS, ở cả trong nước và ngoài nước có liên quan; phải nắm bắt, cập nhật những kết quả nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước, những tư liệu mới phát hiện, mới công bố...

Điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu LSQS và tổng kết chiến tranh là nhân tố con người... Người làm công tác nghiên cứu LSQS phải luôn ý thức đầy đủ và ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đức tính trung thực, dũng cảm; nỗ lực học tập, rút kinh nghiệm, nắm vững quan điểm sử học mác-xít, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và luôn tìm cách nâng cao phương pháp luận sử học và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành; xây dựng ý thức tìm tòi, tiếp cận những phương pháp nghiên cứu mới, biết vận dụng tốt các phương pháp sử học, đổi mới cách thức tiếp cận vấn đề, trình bày, diễn đạt... Trong quá trình đó, cần tăng cường hợp tác khoa học dưới mọi hình thức với các nhà sử học trong nước và nước ngoài, với các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm lưu trữ, thư viện lớn; phải chủ động nắm bắt để cập nhật kết quả và phương pháp nghiên cứu mới cũng như những phát hiện mới về sự kiện của các ngành thuộc khoa học xã hội-nhân văn mà trước hết là các ngành khoa học gần gũi với sử học quân sự.

Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG

Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Viện LSQS Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.