QPTD -Thứ Hai, 23/01/2023, 08:31 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng của Bộ Quốc phòng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; trong đó, phát triển dịch vụ công trực tuyến là yêu cầu khách quan và ngày càng trở nên cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển dịch vụ quan trọng này và đã đạt được kết quả bước đầu. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính quân sự trong tình hình mới. 

Dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng của Bộ Quốc phòng có chức năng cung cấp các thủ tục hành chính đến với người dân và doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của dịch vụ này, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ công trực tuyến thông qua các kế hoạch, chương trình, đề án1, v.v. Đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã rà soát và cung cấp 47 thủ tục hành chính mức độ 4 (toàn trình)2 trong tổng số 246 thủ tục hành chính cần đưa lên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng đến năm 20253; 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết sớm và đúng hạn4, tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 88,9%. Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng cũng đã cung cấp các tiện ích: tra cứu hồ sơ, thống kê, khảo sát, đánh giá cán bộ, hỏi đáp, hướng dẫn,… tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.

Bên cạnh kết quả quan trọng bước đầu, việc giải quyết thủ tục hành chính trong các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn bất cập; công tác xã hội hóa dịch vụ hành chính công còn chậm, thiếu tổng thể; một số cổng thông tin điện tử chưa có hồ sơ trực tuyến gửi đến đề nghị giải quyết thủ tục hành chính, thậm chí có những cổng thông tin điện tử chưa có khả năng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, v.v. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên là do nhận thức của một số cán bộ, nhân viên về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử còn hạn chế; trình độ nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở chưa theo kịp sự phát triển chung; công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử chưa thường xuyên, kịp thời. Hệ thống cổng thông tin điện tử chưa đồng bộ về hệ sinh thái với Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng và chưa được liên kết, tích hợp với nhau, v.v.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, xây dựng quy trình chuẩn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng những dịch vụ công thiết yếu, có số lượng người dùng nhiều. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, yêu cầu tất yếu phải minh bạch quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm minh bạch quy trình, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính5. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã ban hành các quyết định về Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, ISO 9001:2015 trong Quân đội và đối với Bộ Chỉ huy Quân sự, Biên phòng cấp tỉnh6;  tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong toàn quân và xuất bản các tài liệu, hướng dẫn việc thực hiện theo TCVN  ISO 9001:2015. Đồng thời, đã xây dựng quy trình chuẩn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng minh bạch, thuận lợi, người dùng có thể thấy được hồ sơ của mình ở từng khâu, từng bước khi các cấp có thẩm quyền đang xử lý, hiện đang ở đâu hay ai đang giải quyết. Đi cùng với đó là sự liên thông, thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Trong xây dựng quy trình chuẩn, việc xác định phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thể hiện ở việc thực hiện đầy đủ các bước, như: khảo sát, lấy ý kiến, xây dựng mô phỏng, tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp, triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến vào thực tiễn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng sẽ biết được những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, biết được những thiếu sót trong từng khâu, từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến, làm cơ sở để xây dựng quy trình chuẩn. Thường xuyên rà soát, phân loại thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều, lĩnh vực thiết yếu để xây dựng kế hoạch, quy trình và công khai các quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phù hợp, có tính đến tính đặc thù của hoạt động quân sự, quốc phòng.

Hai là, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, thân thiện. Cùng với triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thời gian qua, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tăng cường xây dựng các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng7, đáp ứng yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Xây dựng một hệ thống thông tin điện tử theo hướng liên kết, tích hợp, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, lấy Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Quốc phòng, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng làm trung tâm hướng tới xây dựng “nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu phi tập trung, đáp ứng yêu cầu bảo mật, minh bạch”8. Quá trình thực hiện cần hướng dẫn trình tự, các bước cụ thể trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ cho những người chưa bao giờ tiếp xúc hoặc chưa làm việc trên môi trường mạng (giọng nói, động tác,…); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích, hiệu quả khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm dịch vụ công trên nền tảng điện toán đám mây, đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện nay của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đa dạng hóa các phương tiện, hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua điện thoại di động, máy tính,…; qua nền tảng xã hội facebook, zalo,…; thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn, không để lộ, lọt bí mật quân sự, quốc phòng.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn quân, toàn dân về dịch vụ công trực tuyến. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng,… đến với tất cả cán bộ, nhân viên, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các trang, cổng thông tin điện tử trong toàn quân, các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, chương trình, kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Bộ Quốc phòng, làm cho cán bộ, nhân viên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến và lợi ích dịch vụ công trực tuyến đem lại cho người dân, doanh nghiệp và đất nước. Kết hợp chặt chẽ các hình thức tuyên truyền, tận dụng tối đa công nghệ thông tin và các ứng dụng trên nền tảng xã hội để người dân, doanh nghiệp hiểu được các bước, quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, nhất là việc công khai quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tại các cơ quan, đơn vị, kết hợp với các nhà trường trong Quân đội để trang bị kiến thức, hình thành kỹ năng về xây dựng Chính phủ điện tử và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ban Chỉ đạo về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số các cấp và các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời những hạn chế, thiếu sót; kịp thời khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về cải cách hành chính, về xây dựng Chính phủ điện tử làm cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thường xuyên nâng cấp hệ thống theo hướng thống nhất, hiện đại, liên thông, thông suốt và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng là xu thế tất yếu, một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Vì thế, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tích cực nghiên cứu, triển khai, vận dụng linh hoạt phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN CHÍNH, Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Quyết định số 1676/QĐ-BQP, ngày 27/4/2019 của Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng; Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, v.v.

2 - Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định dịch vụ công trực tuyến chỉ còn 2 mức độ là: toàn trình và một phần.

3 - Báo cáo số 7745/BC-VP, ngày 25/10/2022 của Văn phòng Bộ Quốc phòng về Kết quả cải cách hành chính 09 tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ba tháng cuối năm 2022.

4 - Thống kê ngày 29/10/2022 trên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng: htts://dichvucong.mod.gov.vn.

5 - Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg, ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

6 - Quyết định số 4754/QĐ-BQP, ngày 09/11/2015; Quyết định số 3426/QĐ-BQP, ngày 21/8/2017; Quyết định số 3427/QĐ-BQP, ngày 21/8/2017.

7 - Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng; Cổng thông tin Biên phòng điện tử; Hệ thống thông tin điện tử một cửa Bộ Quốc phòng; Hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính, v.v.

8 - Bài học rút ra từ kinh nghiệm quốc tế trong Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Chính phủ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.