Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:18 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, những năm qua, Binh đoàn 15 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong công tác dân vận, mô hình gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương (gọi tắt là mô hình "gắn kết hộ") đã góp phần thiết thực đem lại cuộc sống ổn định, ấm no cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Là đơn vị kinh tế – quốc phòng, ra đời trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn xác định rõ chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh (QP-AN), gắn phát triển sản xuất, kinh doanh với phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), giúp dân xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh đoàn lần thứ 6, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đánh giá: “Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với QP-AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên; sản xuất, kinh doanh đúng hướng, đúng pháp luật, ngày càng phát triển. Công tác dân vận được tăng cường, quan hệ với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương được giữ vững; hoạt động kết nghĩa với bản làng và gắn kết giữa hộ công nhân người Kinh (CNNK) với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ngày càng sâu, rộng...”.
Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn, cùng với chức năng sẵn sàng chiến đấu, sản xuất phát triển kinh tế, Binh đoàn đã thực hiện tốt chức năng của đội quân công tác, mà nổi bật là công tác dân vận. Trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp, trình độ dân trí nhiều mặt còn hạn chế, Binh đoàn đã thực hiện tốt phương châm: ưu tiên thu hút lực lượng lao động là ĐBDTTS địa phương, tích cực tận dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…) hình thành các khu dân cư tập trung. Với tinh thần mọi người làm công tác dân vận, cán bộ, công nhân của Binh đoàn đã thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân để nghe dân nói, hiểu được dân và có điều kiện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng cho nhân dân, giúp nhân dân sản xuất, ổn định đời sống. Trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu của nhiệm vụ QP-AN, hình thành các cụm làng, xã, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên vành đai biên giới, Binh đoàn đã đẩy mạnh kết nghĩa giữa đơn vị với địa phương, thực hiện tốt chủ trương: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng”. Trong quá trình hoạt động kết nghĩa đó đã phát triển nhiều hình thức mới, như: “Đội trưởng sản xuất gắn với già làng, trưởng thôn”; đặc biệt, những năm gần đây, mô hình “gắn kết hộ” đã xuất hiện, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng được nhu cầu trực tiếp của cả hộ ĐBDTTS và hộ CNNK. Kịp thời nắm bắt tình hình, năm 2006 Binh đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm và chỉ đạo làm điểm ở Công ty 74, sau đó nhân rộng ra các công ty khác. Theo đó, nội dung, hình thức “gắn kết hộ” ngày càng toàn diện. Hộ CNNK giúp hộ ĐBDTTS áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, thu hoạch cây cao su, cây cà phê, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hộ ĐBDTTS tạo điều kiện cho hộ CNNK cùng sinh sống trên địa bàn; tuyên truyền trong cộng đồng giúp bảo vệ vườn cây, tài sản của công ty, của hộ CNNK… Thực tế, ngoài hình thức hộ CNNK gắn kết với hộ ĐBDTTS, trong một số công ty còn có hộ ĐBDTTS miền Bắc gắn kết với hộ ĐBDTTS địa phương. Từ 30 cặp hộ ban đầu, đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau; trong đó, có 1.956 hộ ĐBDTTS không phải là người lao động của Binh đoàn. Đáng quan tâm là, hộ gắn kết hộ không phải bằng mệnh lệnh hành chính mà xuất phát từ tình cảm, từ nền tảng văn hóa, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc với ý nghĩa chính trị, tính nhân văn sâu sắc. Sự gắn kết giữa các hộ không chỉ trong sản xuất mà còn diễn ra trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; những hộ gắn kết thường xuyên thăm hỏi gặp mặt, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống. Các hộ CNNK luôn gần gũi, động viên hộ ĐBDTTS từng bước xóa bỏ mặc cảm để hòa đồng trong cuộc sống lao động sản xuất, biết chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ với nhau.
Hoạt động “gắn kết hộ” đã mang lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội và QP-AN. Qua giao tiếp hằng ngày, hộ CNNK của đơn vị sẽ là cầu nối chuyển tải những nội dung về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương mà cán bộ của đơn vị và địa phương chưa chuyển tải hết đến đồng bào. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, xây dựng cho đồng bào lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương. Không những giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất được đơn vị giao, các cặp hộ gắn kết còn giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, phá bỏ vườn tạp để trồng cao su, cà phê, hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, nhiều hộ ĐBDTTS không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn đồi, chăn nuôi. Đến nay, 100% hộ ĐBDTTS gắn kết với hộ CNNK của Binh đoàn đã đủ ăn, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Năm 2011, tiền lương bình quân của công nhân người dân tộc thiểu số đạt trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; nhiều người có thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/ tháng, tiêu biểu như: hộ Ksor Tiên (đội 2) và Ro Lan Lim (đội 10) thuộc Công ty 75; Kpuil Vân (đội 2) và Rơ Mah Phen (đội 12) thuộc Công ty 74; .v.v. Đáng quan tâm là, thông qua “gắn kết hộ”, đời sống văn hoá của các hộ ĐBDTTS ngày càng phát triển, những phong tục, truyền thống tốt đẹp mang bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy; các tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, thay bằng nếp sống văn hoá mới. ĐBDTTS đã thực hiện ăn chín, uống sôi, chăn nuôi gia súc bằng chuồng trại, đau ốm đến trạm y tế, bệnh viện; con cái đến tuổi được đến trường... Về QP-AN, các hộ CNNK tuyên truyền cho hộ ĐBDTTS về những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe và không làm theo lời xúi giục, kích động của bọn phản động đội lốt tôn giáo, không theo “Tin lành Đề ga”, không vượt biên trái pháp luật… Thông qua hoạt động gắn kết, hộ CNNK còn tuyên truyền, phổ biến cho hộ ĐBDTTS nắm được quy chế phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các cặp hộ gắn kết chủ động phản ánh cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương các vấn đề về an ninh. Vì vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn trên địa bàn Binh đoàn đứng chân và sản xuất luôn ổn định, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn.
Trải qua gần 27 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn đã kề vai, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bằng mồ hôi, công sức và cả máu của mình biến vùng đất rộng lớn trên vành đai biên giới, mảnh đất chứa đầy tàn tích, di họa của chiến tranh, như: bom mìn, chất độc hóa học, dịch bệnh… thành một vùng KT-XH phát triển năng động, QP-AN được giữ vững. Các đội sản xuất, các hộ gia đình công nhân của Binh đoàn cư trú đan xen với các thôn, làng của đồng bào dân tộc địa phương và những cánh rừng cao su, cà phê, hồ tiêu bạt ngàn xanh tốt, trở thành phên dậu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Để có kết quả đó, một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định là, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong đó, Đảng uỷ Binh đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng công ty, đội sản xuất vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt yêu cầu về sản xuất, kinh doanh phải gắn với phát triển KT-XH, QP-AN trên địa bàn. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức; trong số đảng viên mới kết nạp, có 88 đảng viên là người dân tộc thiểu số địa phương. Binh đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có nhận thức đúng đắn về hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới; có tinh thần trách nhiệm cao, trình độ lý luận và thực tiễn sâu sắc; có tác phong sâu sát, gần gũi quần chúng, “miệng nói, tay làm”, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Nhờ thực hiện tốt công tác cán bộ nên mặc dù biên chế, tổ chức của Binh đoàn có thay đổi, song đội ngũ cán bộ vẫn giữ được sự ổn định và có chất lượng ngày càng cao, luôn yên tâm gắn bó với đơn vị, địa bàn.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao và trên cơ sở kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương để thống nhất, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, phối hợp, nhân rộng mô hình “gắn kết hộ”; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình này. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, các đơn vị trong Binh đoàn tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, như: nhận thức của một số cán bộ, công nhân về nhiệm vụ, vị trí, ý nghĩa, tác dụng của công tác “gắn kết hộ” chưa đầy đủ; những biểu hiện nội dung gắn kết chưa cụ thể, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa phát huy hết vai trò, vị trí của các tổ chức quần chúng đối với công tác “gắn kết hộ”…
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Binh đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp “gắn kết hộ”, mà trước hết là tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS địa phương. Nội dung “gắn kết hộ” sẽ chú trọng hơn nữa việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhất là thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc đối với ĐBDTTS địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Binh đoàn tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm của Đảng về "xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", "thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc"; từ đó, trong quá trình gắn kết, chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mặt khác, Binh đoàn chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân về phương pháp công tác dân vận, những hiểu biết về phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, "nghe được dân nói, nói dân hiểu" để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; qua đó, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đổi mới hình thức, phương pháp “gắn kết hộ” phù hợp với đặc điểm dân cư, địa bàn.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất đã xác định, Binh đoàn tiếp tục điều chỉnh, bố trí lực lượng sản xuất phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH và đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận QP-AN trên địa bàn biên giới. Đồng thời, sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình “gắn kết hộ” trên các địa bàn mở rộng diện tích cây trồng của Binh đoàn. Trên địa bàn đứng chân, Binh đoàn tiếp tục đầu tư giúp địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường tuyển chọn lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân và giao khoán vườn cây cho hộ ĐBDTTS chăm sóc, thu hoạch; tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời, động viên ĐBDTTS tích cực sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình và thế mạnh của tiềm năng đất đai tại chỗ.
Phát huy truyền thống “Kiên định mục tiêu, vượt mọi khó khăn, gắn bó với dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ, công nhân và người lao động Binh đoàn 15 tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận trong thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “gắn kết hộ”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã trao tặng.
Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN SANG
Tư lệnh Binh đoàn
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng