QPTD -Thứ Hai, 18/01/2021, 10:19 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ

Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ; với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận luôn phát huy vai trò nòng cốt, cùng với hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng Tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tánh Linh

Bình Thuận là tỉnh thuộc cực Nam Trung bộ, tiếp giáp với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cửa ngõ vào Thành phố Hồ Chí Minh; có rừng núi, đồng bằng, thành thị, bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều đảo nhỏ, ven bờ; đặc biệt có cụm đảo Cù Lao Thu (Phú Quý) cách đất liền 56 hải lý là hậu cứ của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tỉnh có những tuyến giao thông quan trọng, như: quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt, quốc lộ 28 đi Tây Nguyên, quốc lộ 55 dọc bờ biển, v.v. Toàn Tỉnh có 35 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, có 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số; có 12 tôn giáo với khoảng trên 386 nghìn tín đồ. Điều đó cho thấy, tỉnh Bình Thuận có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh; là khu vực trọng yếu án ngữ hướng biển của Quân khu 7 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận luôn phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ. Trước hết, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của trên về xây dựng khu vực phòng thủ1; đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành hệ thống văn bản, kế hoạch; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo, các hội đồng; triển khai Đề án xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Trước tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm, xúi giục, kích động người dân tụ tập gây rối, biểu tình, làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với Công an, Bộ đội Biên phòng, các cấp, ngành tham mưu cho Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các tình huống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Bộ Chỉ huy Quân sự đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo triển khai Đề án tổ chức, hoạt động của lực lượng quân báo - trinh sát giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng công tác nắm, nhận định, dự báo tình hình của các cấp, ngành, làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trên địa bàn. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao khả năng phòng thủ từ hướng biển, nhất là Đề án quy hoạch về phòng thủ huyện Phú Quý đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc khi có tình huống.

Lực lượng vũ trang Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đối với cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, chức sắc, chức việc, già làng, trưởng bản. Trong hai năm (2019, 2020), tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 36.385 học sinh, sinh viên và 100% cán bộ chủ chốt các cấp. Đối với toàn dân, được triển khai bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin, lồng ghép trong hội thi, hội diễn của các tổ chức, đoàn thể, lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về biển, đảo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền, ngư dân trên địa bàn, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Quán triệt chủ trương phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng khu vực phòng thủ, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, với những nội dung, chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, như: xây dựng Đập thủy lợi Hàm Liên - Hàm Cần, đảm bảo nước tưới cho khoảng 200 ha hoa màu và nước sinh hoạt cho khu căn cứ chiến đấu và các đơn vị Quân đội, dân cư trong khu vực; xây dựng công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao Giáo xứ Hòa Vinh/Thuận Nam/Hàm Thuận Nam; cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong các đợt hạn hán, tham gia phòng, chống dịch Covid-19, v.v. Đẩy mạnh phong trào “Lực lượng vũ trang Tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; Chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; triển khai mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đoàn kết với các dân tộc, tôn giáo”, v.v. Đồng thời, tổ chức gặp mặt, tặng quà Tòa Giám mục Phan Thiết, Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh, các giáo xứ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên địa bàn, các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vào các dịp lễ, Tết, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường tình đoàn kết quân - dân và niềm tin của đồng bào dân tộc, tôn giáo với lực lượng vũ trang Tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của các vị chức sắc, nhà tu hành, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, động viên con em họ thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia huấn luyện dân quân, dự bị động viên.

Vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang Tỉnh còn thể hiện rõ trong xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ vững mạnh, theo phương châm: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên”. Trong đó, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu, thông qua giao lưu, kết nghĩa, tọa đàm, trao đổi, tập huấn,… lực lượng vũ trang Tỉnh góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Đối với tiềm lực kinh tế, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, ngành làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành việc thống kê, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong quá trình đầu tư, xây dựng các cơ sở công nghiệp, hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, hạ tầng bưu chính, viễn thông, y tế,… nhất là các dự án lớn: khu công nghiệp, du lịch, Nhiệt điện, Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết, đường cao tốc Bắc Nam đoạn Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo, thủy lợi Tà Pao đều được quy hoạch, thẩm định gắn chặt với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bố trí hợp lý, tạo thế trận vững chắc, có tính lưỡng dụng cao, vừa phục vụ dân sinh, vừa sẵn sàng đáp ứng cho hoạt động của khu vực phòng thủ. Tiềm lực khoa học - công nghệ được quan tâm xây dựng, phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Vì thế, kinh tế - xã hội của Tỉnh có nhiều chuyển biến, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, GRDP được rút ngắn so với cả nước, nhiều chỉ tiêu xã hội đạt và vượt, đời sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên.

Xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh, gọn, mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong công tác quốc phòng, quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ là nhiệm vụ luôn được Tỉnh coi trọng, thực hiện tốt. Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh về chính trị; tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, chấp hành nghiêm quy định về tổ chức, biên chế, bảo đảm quân số của các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhất là các đơn vị trên đảo Phú Quý, làm nhiệm vụ A2. Công tác xây dựng lực lượng luôn được quan tâm; hằng năm, việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt chỉ tiêu, đúng luật, chất lượng ngày càng cao. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, bảo đảm về số lượng, cơ cấu, thành phần, sắp xếp đủ 100% chỉ tiêu, việc huy động, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm đạt 100%; xây dựng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng, đạt tỷ lệ theo quy định. Hiện nay, Tỉnh thí điểm thực hiện 30% chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tham gia sinh hoạt tại chi bộ quân sự cùng cấp, nhằm tăng cường sức lãnh đạo đối với các chi bộ này; xây dựng điểm và nhân rộng các trung đội dân quân tự vệ biển, các tiểu đội tự vệ trong các doanh nghiệp và trường học, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Thực hiện khâu đột phá do Đại hội Đảng bộ Quân sự Tỉnh đề ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tăng cường xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; nâng cao chất lượng huấn luyện trong các khoa mục, gắn huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với rèn luyện thể lực, sát với đối tượng, đặc điểm của địa phương.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo đoán định. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Vì thế, việc xây dựng tỉnh Bình Thuận thành khu vực phòng thủ vững chắc là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, ngành; trong đó, lực lượng vũ trang Tỉnh là nòng cốt. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh xác định thực hiện tốt các nội dung sau: Một là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành xây dựng khu vực phòng thủ với các chủ trương, giải pháp hiệu quả. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho các cấp, ngành và toàn dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ba là, cùng với các cấp, ngành tham mưu, tổ chức xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ vững mạnh, chuẩn bị tốt các mặt để sẵn sàng động viên quốc phòng khi cần thiết. Bốn là, chủ động tham gia xây dựng cơ sở chính trị, “thế trận lòng dân” vững mạnh, làm nền tảng để xây dựng khu vực phòng thủ. Năm là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu, đẹp.

Đại tá NGUYỄN ANH NGHĨA, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng
Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
______________

1 - Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.