Thứ Hai, 16/09/2024, 22:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân nói chung, thế trận phòng không nhân dân nói riêng trên từng khu vực, địa bàn là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đối với Thủ đô Hà Nội - một trọng điểm về phòng không nhân dân, nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quốc phòng, quân sự địa phương, được Thành phố hết sức coi trọng.
Những năm qua, quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, công tác phòng không nhân dân nói chung, xây dựng thế trận phòng không nhân dân nói riêng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hết sức coi trọng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác tham mưu đến chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Thủ đô đã kế thừa, phát huy hiệu quả truyền thống, nghệ thuật tác chiến đối không của phòng không nhân dân trong các cuộc kháng chiến, nhất là Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 vào xây dựng thế trận phòng không nhân dân. Nhờ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân Thủ đô về công tác này từng bước được nâng cao, hệ thống trận địa phòng không nhân dân được củng cố, đảm bảo rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đủ sức ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống trên không, bảo vệ an toàn vùng trời Hà Nội. Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cán bộ, doanh nghiệp và bộ phận nhân dân về thế trận phòng không nhân dân còn hạn chế; việc chấp hành quy định bảo đảm khoảng cách an toàn và độ cao tĩnh không cho tác chiến phòng không trong xây dựng công trình cao tầng chưa nghiêm, v.v. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội là một trong những trọng điểm chống phá của địch (khi đất nước có chiến tranh) bằng đòn tiến công hỏa lực đường không, nhằm làm tê liệt cơ quan đầu não, phá hủy các công trình trọng điểm kinh tế, chính trị, quân sự, v.v. Do vậy, lực lượng vũ trang Thủ đô cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trên mặt trận đối không, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Thủ đô trong tình hình mới.
Để làm được điều đó, trước hết, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tập trung làm tốt chức năng tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng không nhân dân. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị định 74/2015/NĐ-CP, ngày 09-9-2015 của Chính phủ về “Phòng không nhân dân”, Bộ Tư lệnh Thủ đô tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng không nhân dân bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với đặc điểm địa bàn, khả năng lực lượng phòng không nhân dân của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và kế hoạch tác chiến phòng thủ chung của Thành phố. Các văn bản quy định rõ cơ cấu, thành phần, cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp, làm cơ sở để kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Thành phố để hướng dẫn thống nhất ngay từ khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường công tác phòng không nhân dân; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, lập đồ án bố trí xây dựng thế trận phòng không nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quân sự thuộc quyền chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các quy chế phối hợp liên ngành, những văn bản chi tiết để hướng dẫn các nhà thầu, chủ đầu tư cam kết thực hiện quy định xây dựng dự án, công trình, nhất là công trình lưỡng dụng theo đúng quy trình từ khâu khảo sát, quy hoạch, kế hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt đến triển khai thực hiện, giám sát, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân trên địa bàn về phòng không nhân dân được Thành phố hết sức chú trọng thực hiện. Hà Nội là địa bàn có mật độ dân cư đông đúc với nhiều thành phần, đối tượng và có sự chênh lệch lớn về nhận thức, cùng với tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm nảy sinh tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế, coi nhẹ việc củng cố quốc phòng - an ninh, trong đó có nội dung xây dựng thế trận phòng không nhân dân. Để giải quyết vấn đề đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô vừa tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị, vừa chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh từng năm, cả nhiệm kỳ. Nội dung giáo dục toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung giáo dục cho các đối tượng nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới; âm mưu, thủ đoạn tiến công đường không của địch; kiến thức cơ bản về công tác phòng không nhân dân (sơ tán, phân tán, thông báo, báo động, vào nơi trú ẩn, ra vị trí đánh trả,...) và sự cần thiết phải xây dựng thế trận phòng không nhân dân; ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, ngụy trang, nghi binh giữ bí mật, khai thác, sử dụng và quản lý, bảo vệ các công trình chiến đấu, bảo đảm chiến đấu phòng không. Trong giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục trong các đợt thi đua đột kích, cao điểm; chú trọng giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống, nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân của quân và dân Thủ đô trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp trong quá trình giáo dục, nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu, niềm tin vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến phòng không, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vùng trời Thủ đô cho các đối tượng; qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng không nhân dân.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, việc xây dựng hệ thống đài quan sát thông báo, báo động phòng không các cấp được Bộ Tư lệnh Thủ đô quan tâm chỉ đạo và thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhằm bảo đảm cho lực lượng phòng không nhân dân quan sát phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống vi phạm, xâm nhập, tiến công đường không của địch. Yêu cầu xây dựng hệ thống đài quan sát thông báo, báo động được bảo đảm từ xa đến gần, đan xen, nhiều tầm, khép kín, thậm chí có phạm vi, tầm quan sát tiếp giáp chồng lấn lên nhau. Các địa phương tận dụng thế có lợi của địa hình, những điểm cao có giá trị chiến thuật (ở ngoại thành), kết hợp với nóc nhà cao tầng, tháp nước,… (ở nội thành) đặt các vọng quan sát mắt đỉnh đầu tạo thành vòng tròn khép kín theo địa bàn các quận, huyện, thị xã; chú trọng quan sát, trinh sát bảo vệ các mục tiêu chiến lược trọng yếu, công trình trọng điểm. Kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp quan sát truyền thống bằng mắt của lực lượng phòng không nhân dân với các phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại chuyên ngành (ra-đa) của các đơn vị phòng không lục quân, phòng không quốc gia đứng chân trên địa bàn, tạo nhiều tầm quan sát đan xen, tập trung chủ yếu quan sát ở tầm thấp, cực thấp; phối hợp hoạt động quan sát, trinh sát mặt đất với hoạt động trực ban chiến đấu, thông báo, báo động trên không của lực lượng Phòng không - Không quân để có phương án xử trí kịp thời các tình huống xảy ra.
Về xây dựng hệ thống trận địa phòng không nhân dân, Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo phải đảm bảo yêu cầu: rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, phù hợp với thế trận của khu vực phòng thủ và điều kiện của địa phương. Theo đó, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng đầy đủ hệ thống văn kiện, kế hoạch, phương án tác chiến phòng không nhân dân; dự kiến hướng, đường bay chủ yếu, mục tiêu đánh phá và thủ đoạn xâm nhập, tiến công hỏa lực đường không của địch. Trên cơ sở đó, bố trí xây dựng hệ thống trận địa phòng không nhân dân phù hợp với yêu cầu chung của thế trận phòng không nhân dân trên toàn địa bàn. Nội dung xây dựng phải bảo đảm đầy đủ trận địa cho cả người, vũ khí, trang bị, bao gồm hầm ẩn nấp phòng tránh, trận địa bắn (chính thức, dự bị, giả), vị trí bảo đảm,…; thực hiện xây dựng từng bước theo lộ trình xác định từ đơn giản đến vững chắc, bán kiên cố đến kiên cố, tức là xây dựng một phần trong thời bình để phục vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu và mở rộng, bổ sung, nâng cấp khi có chiến tranh. Bố trí xen kẽ nhiều loại vũ khí tầm cao, thấp khác nhau, chú trọng xây dựng, bố trí trận địa vững chắc, kiên cố cho các loại vũ khí phòng không tầm thấp và cực thấp (súng máy phòng không, súng bộ binh) tại nơi tiện quan sát, phát huy hỏa lực trên các hướng, nhất là hướng đường bay chủ yếu của không quân địch và tổ chức ngụy trang giữ bí mật; kết hợp bố trí trận địa phục kích đón lõng đánh địch rộng khắp, từ xa ở vòng ngoài với trận địa bộ phận đánh địch vòng trong bảo vệ mục tiêu chiến lược trọng yếu, công trình trọng điểm.
Đối với xây dựng khu sơ tán, phân tán, phòng tránh nhân dân trên địa bàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới, nhất là kinh nghiệm phòng tránh, đánh trả đòn tiến công hỏa lực đường không để tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Thành phố lập quy hoạch, xây dựng theo các cấp độ: lâu dài, cấp tốc, phân tán tại chỗ. Đối với khu vực sơ tán lâu dài, bố trí tại các huyện ngoại thành, xa trung tâm, thậm chí cả các tỉnh lân cận Hà Nội; khu vực sơ tán cấp tốc nằm ngoài phạm vi đánh phá của địch, bố trí ở các địa phương ven đô; khu vực phân tán tại chỗ bố trí xung quanh các mục tiêu bị đánh phá trực tiếp để tránh đòn tiến công hỏa lực đường không của địch và tham gia đánh trả đối phương, khắc phục hậu quả. Theo đó, các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển (tiếp nhận) sơ tán, phân tán, phòng tránh và hiệp đồng chặt chẽ vị trí, đơn vị, số lượng nhân dân sơ tán, công tác tiếp nhận, giúp đỡ, ổn định đời sống nhân dân tại nơi sơ tán, bảo đảm yêu cầu: an toàn về con người, cơ sở vật chất; nhanh chóng duy trì mọi hoạt động của đời sống, xã hội; coi trọng sản xuất, không gây xáo trộn sinh hoạt của nhân dân; có lực lượng chiến đấu giữ vững thế trận phòng không nhân dân. Từng bước xây dựng đầy đủ công trình giao thông hào, hầm trú ẩn cho tập thể, cá nhân ở các khu căn cứ, sơ tán, phân tán (nơi công cộng, gia đình), tổ chức ngụy trang giữ bí mật, không làm biến dạng địa hình, nhất là không tạo ra mục tiêu mới và có phương án bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp không thể sơ tán (điện, nước).
Với những nỗ lực của lực lượng vũ trang Thủ đô, thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ Thành phố Hà Nội đang từng bước tăng cường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng không cả thời bình và thời chiến.
Thiếu tướng BÙI TRỌNG QUỲNH, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Thế trận phòng không nhân dân,khu vực phòng thủ
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*