QPTD -Thứ Sáu, 15/04/2022, 08:23 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Thủ đô phát huy vai trò nòng cốt thực hiện công tác quân sự, quốc phòng

Trước yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới, nhất là khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung mọi nỗ lực, phát huy vai trò nòng cốt hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước. Mặc dù có nhiều thuận lợi do vị trí địa lý, vị thế địa chính trị, tiềm năng, lợi thế mà địa bàn Thủ đô mang lại, nhưng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về an ninh đô thị, trật tự xã hội, nhất là tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, những năm gần đây, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác quân sự, quốc phòng. Chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng, trọng tâm vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện hiệu quả công tác quan trọng này. Công tác quản lý đất quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; điều chỉnh tổ chức biên chế, huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng; phối hợp thực hiện nhiệm vụ, nhất là bảo vệ các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Thủ đô,… được tổ chức chặt chẽ, có nhiều đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác quân sự, quốc phòng từng bước được tăng cường. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa bàn Thủ đô đặt ra yêu cầu ngày càng cao; trong khi đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng các chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, trực diện, v.v. Tình hình đó đòi hỏi lực lượng vũ trang Thủ đô cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh và cơ quan quân sự các địa phương tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; trong đó, tập trung vào các biện pháp nâng cao khả năng thể chế hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên thành kế hoạch, chương trình hành động,… của cấp mình để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, nắm, vận dụng hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, đề án,… quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của trên vào tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chủ trương, biện pháp trong xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, cũng như xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, động viên quốc phòng. Trong đó, tập trung tham mưu ban hành các văn bản giao chỉ tiêu, hiệp đồng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện, động viên; văn bản chỉ đạo diễn tập tác chiến phòng thủ, bảo đảm tác chiến phòng thủ, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn,… (đối với 09 quận, huyện, 02 sở năm 2022) và các kịch bản, phương án đối phó với các cấp độ dịch. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế,… phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, ngành, địa phương; phát huy vai trò của ban chỉ đạo, hội đồng các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng,… trên cơ sở đó gắn trách nhiệm, kết quả thực hiện công tác quân sự, quốc phòng với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chủ động nắm, dự báo, đánh giá kết luận chính xác tình hình địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ; chủ trì hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai linh hoạt, hiệu quả các hoạt động quân sự, quốc phòng trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hai là, tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng và toàn dân đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở nắm vững sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên và căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tăng cường vai trò, trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các địa phương, cơ quan, tổ chức trên địa bàn, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chất lượng, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và nhận thức của từng đối tượng. Tổ chức rà soát, phân loại đối tượng, mở các lớp giáo dục, bồi dưỡng theo phân cấp; kiểm tra, đánh giá kết quả chặt chẽ; chú trọng đối tượng là trưởng thôn, khu phố, bí thư chi bộ, cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn; cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, trường đại học, cao đẳng,… trên địa bàn, làm cơ sở để tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân. Nội dung giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung giáo dục cho các đối tượng nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Thủ đô của lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân; việc kết hợp kinh tế với quốc phòng; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cũng như chỉ tiêu, yêu cầu cần đạt được trên từng mặt công tác của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong tổ chức thực hiện. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng thực chất, hiệu quả; kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản cho các đối tượng với đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền rộng rãi cho toàn dân, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thống. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong điều kiện mới.

Khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm của Sư đoàn Bộ binh 301 trực sẵn sàng chiến đấu

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò làm tham mưu và tổ chức triển khai nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng thường trực “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tích cực điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng: tinh, gọn, mạnh; ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đầu tư mua sắm trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại cho một số lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập bảo đảm sát tình huống, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn,… của từng lực lượng, địa bàn; duy trì nền nếp chế độ, lực lượng, phương tiện sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện trọng đại của đất nước, Thủ đô, bảo vệ vững chắc địa bàn trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, điều kiện của địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Đổi mới mô hình tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân tự vệ theo tinh thần nghị quyết số 61/NQ-HĐND, ngày 23/9/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố; chú trọng xây dựng lực lượng dân quân thường trực của các quận, huyện, thị xã hoạt động hiệu quả, lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp ngoài nhà nước vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đủ số lượng, chất lượng chính trị và tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự ngày càng cao, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có tình huống.

Bốn là, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh nền quốc phòng toàn dân địa bàn Thủ đô. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28/NQTW của Bộ Chính trị, Nghị định số 21/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ gắn với thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025. Kết hợp chặt chẽ giữa triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, môi trường...” với hoàn thiện Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, quân sự, công nghiệp quốc phòng, Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021 - 2030; chú trọng quy hoạch thế trận quân sự các quận, huyện, thị xã gắn với xây dựng các chốt chiến dịch, công trình lưỡng dụng, các biện pháp tăng cường tiềm lực, sức mạnh khu vực phòng thủ theo kế hoạch tác chiến, bảo đảm tác chiến phòng thủ và quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng của Thành phố. Phối hợp với các cơ quan chức năng Thành phố và các địa phương giải quyết triệt để thủ tục pháp lý các khu chồng lấn đất quốc phòng, sử dụng làm thao trường huấn luyện, diễn tập. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chỉnh lý, bổ sung, quản lý những thay đổi địa hình quân sự, nhất là các khu công nghiệp, đô thị, công trình giao thông, v.v. Chủ động kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo khu vực phòng thủ, hội đồng cung cấp; tích cực xây dựng, kích hoạt, vận dụng tốt các cơ chế, kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh,… giữ ổn định mọi mặt, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo điều kiện xây dựng, phát triển Thủ đô “xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại”.

Thiếu tướng NGUYỄN QUỐC DUYỆT, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.