QPTD -Thứ Hai, 08/01/2018, 08:41 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Điều đó đã góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng vũ trang Quân khu với nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn.

Địa bàn Quân khu 5 có 3 vùng chủ yếu: vùng rừng núi - cao nguyên thường hay sạt lở, lũ ống, lũ quét và gió xoáy khá mạnh; vùng đồng bằng ven biển và vùng biển - đảo thường có bão kéo theo mưa lớn, gây lũ lụt ở nhiều nơi. Nhìn chung về khí hậu, thủy văn và địa hình của Quân khu 5 khá phức tạp, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2017, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra 299 vụ thiên tai, 87 vụ tai nạn, 70 vụ cháy, nổ, 08 vụ cháy rừng. Đáng chú ý là các vụ: sạt lở đất ở Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Trà Bồng (Quảng Ngãi); cháy nhà xưởng lắp ráp THACO BUS và kho sơn thuộc Công ty Ô tô Trường Hải; chìm 10 tàu hàng tại cảng Quy Nhơn trong cơn bão số 12,… gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu1.

Nhận thức rõ những hậu quả do thiên tai, thảm họa gây ra, lực lượng vũ trang Quân khu hết sức coi trọng công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tính riêng năm 2017, Quân khu đã huy động 104.170 lượt bộ đội và dân quân, tự vệ; 1.131 lượt phương tiện các loại tham gia di dời, sơ tán 21.324 hộ dân; sửa chữa, dọn vệ sinh 6.785 ngôi nhà, 273 trường học, trụ sở ủy ban nhân dân xã; dọn dẹp, sửa chữa 278 km đường giao thông; tham gia tìm kiếm người mất tích; chốt chặn trên các đoạn đường bị ngập. Để làm được điều đó, cùng với phát huy công sức của lực lượng vũ trang, Quân khu còn huy động nguồn ngân sách địa phương đầu tư mua sắm, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị cho nhiệm vụ này với số tiền hơn 9 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 28 nhà cho các gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 12 và 02 triệu đồng/trường hợp bị chết do bão.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 575 xử lý cát bồi lấp tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng - hậu quả của cơn bão số 12. (Ảnh: qdnd.vn)

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, trong nghị quyết lãnh đạo và mệnh lệnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời ban hành chỉ thị, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sĩ. Quân khu xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu, trọng tâm, cấp bách trong thời bình.

Cùng với đó, từ Quân khu đến cơ sở kịp thời bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống cụ thể, tỉ mỉ, chú trọng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Tổ chức rà soát nắm tình hình, dự kiến các tình huống, chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác phòng, chống đạt hiệu quả cao nhất. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quan trọng này. Chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy ở các cấp; rà soát kiểm tra đê, đập trọng điểm, các khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở, cháy nổ, cháy rừng,... để có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có tình huống. Quân khu chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố phối hợp với bộ chỉ huy biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án; quy hoạch cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Quân khu yêu cầu công tác bảo đảm thông tin liên lạc phải thông suốt, vững chắc; các trang bị cần thiết, đường cơ động, bãi đáp máy bay trực thăng ở các trọng điểm phải được chuẩn bị chu đáo, đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với giáo dục ý thức, trách nhiệm và huấn luyện kỹ thuật để bộ đội sử dụng thuần thục phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn theo phương án, đáp ứng thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất2.

Khi thiên tai xảy ra, Quân khu tổ chức các sở chỉ huy bổ trợ trên từng hướng đến các trọng điểm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy các đơn vị xử lý, giúp nhân dân khắc phục hậu quả; chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với bộ chỉ huy biên phòng và địa phương nắm, quản lý hoạt động của tàu, thuyền trên biển, kết hợp với các lực lượng chủ động theo dõi diễn biến bão lũ, kịp thời thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn. Đồng thời, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; triển khai các biện pháp phòng tránh, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Sau thiên tai, thảm họa, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Thời gian tới, trên địa bàn, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Để thực hiện thắng lợi phương châm: “Chung sống là quy luật, phòng, chống như đánh giặc, bốn tại chỗ là phương thức, nâng cao khả năng ứng phó là trọng tâm” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Quân khu yêu cầu các cấp quán triệt và thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy; vận hành thông suốt, đồng bộ cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan, ban, ngành tham mưu, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao khả năng ứng phó. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ trọng yếu trong hoạt động lãnh đạo của đơn vị, có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sát thực. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nâng cao năng lực tham mưu, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thảm họa trên địa bàn. Do vậy, ngay từ đầu năm, trước mùa mưa bão, trong nghị quyết lãnh đạo, các cấp phải xác định giải pháp cụ thể; nắm chắc diễn biến, phân tích, nhận định sát, đúng tình hình; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, tránh, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, mang tính phòng ngừa cao.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc và xem nhiệm vụ này là một nội dung xuyên suốt có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và của toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với cộng đồng dân cư, với tinh thần “chủ động phòng, chống là chính”, chống tư tưởng chủ quan, giản đơn, ỷ lại, v.v.

Ba là, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó thiên tai, thảm họa. Với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, nhân dân ở vùng cát ven biển thuộc huyện Thăng Bình (Quảng Nam) chủ động đào hầm trú bão; nhân dân vùng trũng thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định) sống chung với lũ trên chiếc “xổng tre”,… là minh chứng cho truyền thống quý báu của người dân Khu 5. Phát huy truyền thống đó, lực lượng vũ trang Quân khu chủ động khảo sát địa hình, kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng, chống, ứng cứu. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang bị, bảo đảm cơ động trong mọi thời tiết, địa hình, kịp thời xử trí nhằm giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là về người khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị, nhất là thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng để chủ động ứng phó hiệu quả. Xây dựng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, lấy lực lượng dân quân, tự vệ làm nòng cốt. Tổ chức lực lượng phản ứng nhanh mà chủ đạo là lực lượng phòng cháy, chữa cháy, các phân đội đặc nhiệm của Công an, Quân đội. Tăng cường bảo đảm phương tiện, trang bị tại chỗ và cơ chế điều hành chỉ huy tại chỗ, theo phương châm “Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và hiện đại”; hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương và các lực lượng trên địa bàn, nhất là giữa các ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão, ban quản lý hồ, đập, thủy điện, thủy lợi khi điều tiết xả lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân vùng hạ lưu.

Bốn là, nắm và dự báo chính xác, thông tin, thông báo kịp thời; chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong phòng, chống, ứng phó. Do tình hình thiên tai diễn biến bất trắc, khó lường, nếu không có đánh giá, dự báo tốt thì sẽ không chủ động chuẩn bị phòng tránh, ứng phó kịp thời, thiệt hại sẽ khôn lường. Vì vậy, công tác dự báo, thông tin, thông báo về tình hình lụt, bão phải chính xác, kịp thời, bảo đảm cho ngư dân, tàu thuyền hoạt động trên biển, nhân dân ở những nơi thiên tai xảy ra cơ động trú ẩn, phòng, tránh an toàn. Duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực chiến, trực chỉ huy, theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, khí tượng thủy văn. Khi có tình huống xảy ra, chỉ huy các cấp tăng cường thông tin liên lạc, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống, chủ động triển khai biện pháp phòng, chống cho cơ quan, đơn vị; kịp thời tổ chức các sở chỉ huy phía trước ở các trọng điểm để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy các đơn vị giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Cơ quan quân sự địa phương ven biển phối hợp với các lực lượng nắm, quản lý chặt chẽ hoạt động, kịp thời thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi trú bão và sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Năm là, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Tập trung kết hợp giữa hậu cần lực lượng vũ trang với hậu cần địa phương và các ngành có liên quan; trong đó, lấy hậu cần quân sự của tỉnh, thành phố làm nòng cốt. Khi lụt, bão, thường gây ra sự cô lập giữa các vùng, các khu vực, làm nảy sinh nhiều khó khăn cho công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả. Vì vậy, phải biết phát huy thế mạnh của từng lực lượng hậu cần - kỹ thuật trên địa bàn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng vũ trang Quân khu phải kết hợp chặt chẽ với các lực lượng trong bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, tạo thành mạng lưới hậu cần - kỹ thuật tại chỗ vững chắc, đa dạng, theo phương án “5 kết hợp”3, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp sẵn sàng chi viện về hậu cần - kỹ thuật đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Từ thực tiễn đặt ra, lực lượng vũ trang Quân khu 5 luôn xác định phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời bình, góp phần giảm thiểu hậu quả do thiên tai, thảm họa, tăng niềm tin của nhân dân vào “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trung tướng NGUYỄN LONG CÁNG, Tư lệnh Quân khu
______________

1 - Thiệt hại về người: 235 người chết và mất tích; 221 người bị thương. Thiệt hại về tài sản: 3.035 nhà bị sập; 78.982 nhà bị tốc mái; 68.032 nhà bị ngập; 381 trụ điện bị gãy đổ; 223.896 con gia súc, gia cầm chết; 112.296 ha hoa màu bị hư hỏng; 158 nhà, 167 xe các loại, 17 tàu đánh cá và 66 ha rừng bị cháy; 1.179 tàu đánh cá bị chìm hoặc hư hỏng nặng.

2 - Năm 2017, Quân khu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho 88 cán bộ kiêm nhiệm; 188 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật về sửa chữa và lái ca nô, máy đẩy; 17 cán bộ tham gia huấn luyện ứng cứu sập đổ công trình do Bộ Quốc phòng tổ chức, v.v.

3 - “5 kết hợp”: 1. Kết hợp hậu cần - kỹ thuật của địa phương; 2. Kết hợp hậu cần - kỹ thuật cấp trên mà trực tiếp là của Quân khu; 3. Kết hợp hậu cần - kỹ thuật với các lực lượng tham gia ứng cứu; 4. Kết hợp với hậu cần - kỹ thuật các ngành của Trung ương đứng chân trên địa bàn; 5. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội địa phương với xây dựng lực lượng hậu cần - kỹ thuật quân sự địa phương.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.