QPTD -Thứ Năm, 13/09/2012, 15:32 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 với công tác xây dựng biên giới Việt - Lào ổn định, hữu nghị

Là địa bàn chiến lược nằm ở phía Bắc miền Trung, những năm qua, Quân khu 4 luôn thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đồng thời, chú trọng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định, hữu nghị.


Quân khu 4 bao gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; có đường biên giới đất liền là 1.247,8 km, giáp với 7 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhân dân các dân tộc trên khu vực biên giới có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, cần cù lao động, luôn tin tưởng và gắn bó sắt son với Đảng, với cách mạng. Nhân dân 2 bên biên giới quan hệ thân thiết, lâu đời; đặc biệt, vùng phía Nam Quân khu còn có quan hệ thân tộc. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của nhân dân còn thấp, cơ sở hạ tầng và kinh tế kém phát triển, một số hủ tục và tệ nạn xã hội chưa được xoá bỏ... Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”; lực lượng phản động lưu vong tiếp tục xâm nhập đẩy mạnh hoạt động chống phá, nhằm chia rẽ mối quan hệ đoàn kết của nhân dân 2 bên biên giới. Nạn buôn bán ma túy qua Lào về Việt Nam, di cư tự do qua biên giới, truyền đạo trái pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số vùng trên lãnh thổ Lào vẫn còn lực lượng phản động hoạt động chống phá...

Trên cơ sở nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào ổn định, hữu nghị, góp phần phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào lên tầm cao mới. Từ đặc điểm địa bàn, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới. Trong đó, Quân khu chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho LLVT Quân khu về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, về vai trò, vị trí quan trọng của nhiệm vụ xây dựng tuyến biên giới ổn định, hữu nghị. Các địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng – an ninh (QP-AN) ở địa bàn biên giới; ưu tiên đầu tư ngân sách xây dựng các công trình phòng thủ và các dự án phát triển KT-XH ở miền núi, biên giới. Hiện nay, 100% các xã trên tuyến biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm, trên 90% các hộ gia đình bà con dân tộc thiểu số được dùng điện lưới quốc gia, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được nâng cao.

Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ Quân khu về “Xây dựng cụm cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ)”, từ năm 1989, các đơn vị đã phối hợp với địa phương thành lập Ban Chỉ đạo ở các cấp; trong đó, ở cấp tỉnh, huyện do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc Phó Bí thư thường trực làm Trưởng ban và cơ quan quân sự các cấp là cơ quan thường trực. Trên địa bàn biên giới, đồn biên phòng được xác định là một đơn vị trong cụm cơ sở an toàn làm chủ, SSCĐ. Hoạt động của các cụm trên khu vực biên giới tập trung vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với cơ sở chỉ đạo việc giữ vững an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và phát triển KT-XH... Chủ trương trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng biên giới ổn định và phát triển toàn diện. Đến năm 2011, số xã (phường) ở khu vực biên giới đạt vững mạnh toàn diện tăng 17,32%; xã (phường) yếu giảm 0,77%.

Thực hiện Chỉ thị 123/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, Quân khu đã thành lập 28 đội công tác xây dựng cơ sở. Các đội này đã hoạt động ở 79 lượt xã biên giới; phối hợp giải quyết gần 900 vụ việc xảy ra trên địa bàn; vận động được 420 hộ đồng bào Mông từ bỏ di cư tự do, 21 hộ từ bỏ trồng cây thuốc phiện; vận động nhân dân phát hiện, tố giác 32 vụ truyền đạo trái pháp luật, 72 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy... Các đội còn góp phần nâng cao chất lượng của 425 chi bộ, 1.612 tổ chức quần chúng, giúp phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp 120 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở 30 thôn (bản); xây dựng, củng cố 79 trung đội dân quân cơ động...

Các đồn biên phòng tăng cường cán bộ về làm phó bí thư chi bộ, đảng bộ ở 100% các xã biên giới, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các xã, bản biên giới. Hằng năm, LLVT Quân khu tiến hành công tác dân vận ở địa bàn vùng sâu, biên giới với nhiều việc làm thiết thực, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án quy hoạch các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP), từ năm 2010 đến nay, Quân khu đã tổ chức xây dựng 4 khu KT-QP trên địa bàn 4 tỉnh với 290.508 ha, dọc theo 400 km đường biên giới ở những địa bàn chiến lược, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mật độ dân số thấp; trong đó, có nhiều địa bàn trước đây là khu căn cứ cách mạng, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thông qua việc thực hiện các dự án xây dựng, phát triển kinh tế, các khu KT-QP đã góp phần giúp nhân dân “xóa đói giảm nghèo”; đồng thời, chủ động tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Trong đó, đã tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, hồ, đập thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, các xưởng chế biến sau thu hoạch, các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các điểm khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ vốn sản xuất, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, xây dựng các trạm xá quân - dân y kết hợp, thúc đẩy thông thương trên khu vực biên giới... Đến nay, các đoàn KT-QP đã hỗ trợ cho 1.100 hộ đồng bào phát triển sản xuất, thực hiện mô hình trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... góp phần xây dựng hàng chục cụm bản (làng), hình thành một số thị tứ trù phú, như: Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa), góp phần xây dựng thế trận QP-AN vững mạnh trên tuyến biên giới. Các khu KT-QP còn trồng mới 3.394 ha rừng, chăm sóc 10.588 ha, khoanh nuôi 11.535 ha, bảo vệ 71.747 ha, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, hạn chế di cư tự do, cải thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái rừng. Các khu KT-QP đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh biên giới. Tại địa bàn của các khu KT-QP, thế trận QP-AN, “thế trận lòng dân” có chuyển biến rõ rệt; nhiều địa bàn, từ chỗ là các điểm “nóng” về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự, nay đã trở thành các điểm “sáng” về kinh tế, văn hóa, xã hội và QP-AN. 

Với tinh thần “giúp Bạn là tự giúp mình”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo LLVT chủ động phối hợp với địa phương và các lực lượng để giúp Bạn, góp phần phát triển mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quân khu đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ “giúp Bạn” cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm và đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực. LLVT các tỉnh đều tổ chức kết nghĩa, thường xuyên phối hợp với LLVT các tỉnh đối diện nắm chắc tình hình ở các vùng trọng điểm, giúp Bạn ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Hằng năm, cơ quan quân sự các cấp đều tổ chức gặp mặt giao lưu và trao đổi đoàn công tác, ký kết chương trình phối hợp, tạo sự gắn bó đoàn kết keo sơn giữa LLVT hai nước, góp phần giữ vững ổn định biên giới và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Theo đó, Bạn đã tích cực giúp đỡ LLVT Quân khu trong công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước. Từ năm 2005 đến nay, LLVT Quân khu đã đưa được 4.455 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang.

Các địa phương thuộc Quân khu cũng triển khai nhiều chương trình, giúp đỡ các địa phương trên tuyến biên giới nước Bạn ở nhiều lĩnh vực, như: xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trạm xá, trường học...); khảo sát lập dự án trồng cây công nghiệp, lập các đề tài khoa học điều tra đánh giá về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng; hỗ trợ giáo dục - đào tạo cán bộ, học sinh của nước Bạn... Đồng thời, hai bên luân phiên tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án; hợp tác trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu theo lợi thế của từng nước; phối hợp mở các tuyến du lịch, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, giao lưu văn hóa... Đặc biệt, mô hình tổ chức kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, sau 5 năm triển khai đã xây dựng được 23 cặp bản kết nghĩa. Nội dung hoạt động kết nghĩa rất phong phú, từ việc đồng bào hai bên biên giới qua lại thăm hỏi lúc hoạn nạn khó khăn, giúp nhau phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa đến việc trao đổi thông tin liên quan đến an ninh, trật tự xã hội... Mô hình kết nghĩa bản – bản đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân 2 bên biên giới, được chính quyền địa phương nước Bạn đánh giá cao.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự nỗ lực của các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng biên giới ổn định, hữu nghị. Một số đơn vị triển khai nhiệm vụ còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong xử lý các vấn đề nảy sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến QP-AN; việc phối hợp, hiệp đồng giữa LLVT với cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc chưa chặt chẽ...

Những kết quả và hạn chế trên là cơ sở để Quân khu rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm xây dựng tuyến biên giới ổn định, hữu nghị, phát triển, góp phần xây dựng tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Thiếu tướng NGUYỄN CHÍ HƯỚNG

Phó Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.