Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:04 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Tiếp theo*
II. Mô hình “Dân vận khéo” và kết quả đạt được
Trước tình hình phức tạp diễn ra trên địa bàn, trên cơ sở nắm vững quan điểm của Đảng1, hướng dẫn của trên cũng như chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn bám sát tình hình, xác định nội dung, biện pháp tiến hành công tác dân vận linh hoạt, nhạy bén, quyết liệt, bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn và tính chất từng vụ việc, đạt được kết quả quan trọng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý có hiệu quả những “điểm nóng”, ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự ở địa phương. Quá trình thực hiện đã hình thành những mô hình “dân vận khéo”, đem lại hiệu quả thiết thực.
“Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, kết hợp xây dựng nông thôn mới” - mô hình đã được tiến hành thường xuyên và khẳng định hiệu quả trong Quân đội cũng như ở Quân khu 4. Để tham gia xử lý “điểm nóng”, mô hình này càng có tác dụng, vì bộ đội “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân nên thuận lợi trong tuyên truyền, vận động. Nhận thức rõ điều đó, trước mỗi lần thực hiện dã ngoại làm công tác dân vận, giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, Quân khu và các đơn vị tiến hành chặt chẽ công tác chuẩn bị. Trước hết là làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, đề cao tinh thần trách nhiệm; tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là phương châm tiến hành và những nội dung liên quan tới xử lý “điểm nóng”. Đồng thời, quán triệt, nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, tính chất nhiệm vụ; xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp; tập trung vào những vấn đề cốt lõi, như: chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xử lý sự cố môi trường biển do Formosa gây ra; bản chất, hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo và những hành vi vi phạm pháp luật, như tụ tập, khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự,… để đồng bào nhận rõ được vấn đề, không bị tác động, lôi kéo của những phần tử xấu.
Đoàn cơ sở Trung đoàn 841 phối hợp với Đoàn xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tổ chức đêm giao lưu văn nghệ trong đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới tháng 5-2017. (Ảnh: baohatinh.vn)
Thực hiện mô hình này, Quân khu gặp khó khăn lớn nhất là thời gian đầu, các linh mục và giáo dân nghi ngờ bộ đội đến để gây sức ép, nắm tình hình nên không nhất trí cho bộ đội ở nhờ nhà mình. Tuy nhiên, với phương châm “đến tận dân, ở tận dân”, các đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương khảo sát địa bàn, thống nhất nội dung, kế hoạch, đến nơi có đông giáo dân, thực hiện những công việc đã xác định, nhất là chung sức cùng nhân dân khu vực có đạo xây dựng nông thôn mới. Bằng những việc làm thiết thực, vì dân của bộ đội nên dần dần đã thuyết phục được đồng bào giáo dân và các linh mục không những đồng ý cho bộ đội về ở tại gia đình, mà còn tạo điều kiện và giúp bộ đội trong hoạt động, công tác.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận; tuyệt đối tôn trọng phong tục, tập quán, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, nhất là đồng bào có đạo. Quá trình vận động, các đơn vị đã sử dụng linh hoạt, nhạy bén các hình thức tuyên truyền, thuyết phục phù hợp tình hình thực tế (từng gia đình, từng đối tượng) trên cơ sở giữ vững lập trường, quan điểm để đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Nguyên tắc chung được áp dụng là kiên trì, chân thành, mềm dẻo; trong vận động thuyết phục, tiếp xúc thân mật, hòa đồng với người dân, thực sự coi nhân dân như người thân của mình. Quá trình ăn ở, làm việc cùng nhân dân, mọi cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện rõ quyết tâm, tạo dựng hình ảnh đẹp, với việc làm thật, kết quả thật2. Bởi vậy, linh mục và giáo dân ngày càng có sự gần gũi, hiểu biết bộ đội, cùng tham gia các hoạt động với bộ đội. Khi bộ đội trở về đơn vị, đã tổ chức liên hoan, tiễn đưa chu đáo, tình cảm, tạo được sự đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng vũ trang Quân khu với giáo dân, nhất là các linh mục, chức sắc, chức việc; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết các “điểm nóng” liên quan đến sự cố môi trường biển.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong tham gia giải quyết những “điểm nóng”. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”3. Thực hiện lời dạy của Người, khi xảy ra vụ việc phức tạp và các “điểm nóng”, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chủ động thành lập các tổ công tác, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội (Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,...) để cùng tham gia giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ. Nổi bật là, đã chủ động phối hợp, tham mưu cho các cấp Hội Cựu chiến binh chỉ đạo hội viên tham gia bảo vệ, giữ vững an ninh ở cơ sở; chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin quan trọng cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng và động viên hội viên tham gia các tổ dân phòng, tổ bảo vệ dân phố, tổ an ninh xung kích. Khi các phần tử xấu kích động, lôi kéo giáo dân tụ tập, tuần hành gây cản trở giao thông và mất trật tự trị an, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh đều trực tiếp tham gia các tổ công tác để tuyên truyền, vận động nhân dân, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vụ việc.
Dưới sự chỉ đạo của Quân khu, các cơ quan, đơn vị, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc khảo sát, chi trả, hỗ trợ, đền bù cho nhân dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, đúng thời gian và đối tượng, tạo được sự tin tưởng của nhân dân. Đồng thời, triển khai hơn 200 tổ công tác bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành tham gia phối hợp trực tiếp vận động nhân dân không tụ tập đông người, không có hành vi vi phạm pháp luật; chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ mục tiêu quan trọng, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận còn tích cực tham gia vận động nhân dân, công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn không nghe theo kẻ xấu tuần hành, gây mất trật tự xã hội; động viên học sinh tới trường4; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử5. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, tuyên truyền, ngăn chặn các vụ tập trung đông người đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam; tham mưu cho chính quyền chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nội dung tuyên truyền, vận động, sẵn sàng cơ động lực lượng xử lý các tình huống. Ngoài ra, lực lượng vũ trang Quân khu đã cùng Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở, Ban Chỉ đạo các cụm phối hợp trao đổi thông tin, diễn biến vụ việc và ngăn chặn ngay từ cơ sở, không để lây lan, phức tạp. Kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận trước âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các phần tử phản động, cực đoan trong tôn giáo, góp phần giữ ổn định tình hình, “hạ nhiệt” các “điểm nóng”.
Phát huy vai trò của lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Đây là lực lượng đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả trong công tác dân vận. Họ là những trí thức, đảng viên, người cao tuổi, quân nhân có đạo đang sống ở địa phương hoặc công tác tại các cơ quan, đơn vị. Lực lượng này có lợi thế trong tham gia giải quyết “điểm nóng” vì bản thân họ là người trong cuộc, có đạo, hoặc gốc đạo, sống cùng giáo dân, là con em giáo dân, có uy tín trong cộng đồng, thường xuyên được giáo dục, rèn luyện, nhận thức chính trị tốt, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về tôn giáo. Để lực lượng này hoạt động hiệu quả, một mặt, Quân khu chỉ đạo các đơn vị quán triệt, hướng dẫn những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo đạo trực tiếp về địa phương nơi cư trú (nếu là chiến sĩ thì được hỗ trợ để gọi điện cho gia đình, người thân); mặt khác, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng lực lượng cốt cán trong tôn giáo của địa phương mình để cùng tuyên truyền, vận động gia đình, người thân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không nghe kẻ xấu xúi giục, kích động tụ tập đông người, vi phạm pháp luật. Quá trình vận động, đã phát huy những điển hình cốt cán là người có đạo cao tuổi, có uy tín, tích cực hoạt động, nắm bắt, phản ánh cho cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, đấu tranh với các thế lực kích động, gây chia rẽ khối đoàn kết lương - giáo.
Nhằm động viên lực lượng cốt cán trong tôn giáo phát huy trách nhiệm, các đơn vị đã tham mưu cho những xã, phường hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện thoại,... cho lực lượng này (nếu chủ động được nguồn kinh phí); quan tâm thăm hỏi, khen thưởng, động viên kịp thời để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Quán triệt và thực hiện Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), cấp ủy, tổ chức đảng địa phương tạo điều kiện xem xét, kết nạp vào Đảng những người theo đạo có đủ tiêu chuẩn, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, từng bước xóa bỏ những mặc cảm và nhận thức chưa đúng của một bộ phận người có đạo. Đến nay, nhiều huyện không có tình trạng đảng viên là người có đạo xin ra khỏi Đảng, v.v.
Những mô hình trên đã trực tiếp góp phần tham gia xử lý có hiệu quả các “điểm nóng” trên địa bàn, làm cho nhân dân, đặc biệt là giáo dân nhận thức đúng chủ trương, biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra; từng bước nhận rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề này của các thế lực thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, thậm chí còn đưa người dân tới vòng lao lý. Từ đó, nhân dân không để bị lôi kéo, kích động, đồng thời kiên quyết vạch trần thủ đoạn, mục đích của những kẻ cầm đầu, những linh mục cực đoan, không cho chúng có cơ hội để lợi dụng chống phá.
Mặc dù việc xử lý “điểm nóng” là vô cùng phức tạp và khó khăn, song, với trách nhiệm chính trị, quyết tâm cao, phương châm đúng và giải pháp phù hợp trong thực hiện “dân vận khéo”, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước ổn định tình hình địa bàn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Từ những mô hình và kết quả đạt được, lực lượng vũ trang Quân khu rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận nói chung, “dân vận khéo” nói riêng trong xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những “điểm nóng” trong thời gian tới.
HỒNG LÂM - VĂN BẢY - PHẠM TUẤN
_______________
* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 8-2017.
1 - Trọng tâm là Nghị quyết 25-NQ/TW ‘‘Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới’’; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) ‘‘Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới’’; chủ trương xây dựng nông thôn mới, v.v.
2 - Từ tháng 5-2016 đến nay, Quân khu đã chỉ đạo 26 lượt (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Viện Quân y 4, Viện Quân y 268) với gần 3 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại về các xã vùng giáo, vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường làm công tác dân vận kết hợp xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Quân khu đã tặng 02 Nhà tình nghĩa (trị giá 144 triệu đồng), 07 con bò giống (trị giá 70 triệu đồng), 244 suất quà (trị giá 122 triệu đồng) cho linh mục, chức sắc, chức việc, gia đình chính sách, giáo dân khó khăn; tặng 3.100 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đi biển; làm mới 102 km đường bê tông liên thôn, nạo vét 80,5 km kênh mương nội đồng, vệ sinh 17,45 km đường liên xã, sửa chữa 73 công trình phúc lợi, 445 nhà ở chính sách; trồng 1.000 cây lấy gỗ và ăn quả; khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 2.688 lượt người với số tiền gần 300 triệu đồng và tổ chức 130 buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, v.v.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.
4 - Vận động 1.000 học sinh ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến trường nhân ngày khai giảng năm học 2016 - 2017 (trước đó, các phần tử cực đoan tôn giáo ngăn cấm không cho các em tới trường ngày khai giảng).
5 - Mặc dù có sự kích động “tẩy chay” bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cử vẫn ở mức cao (Hà Tĩnh đạt 99,8%).
Số III. Bài học kinh nghiệm
Quân khu 4,lực lượng vũ trang,dân vận khéo,điểm nóng
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng