QPTD -Thứ Năm, 06/09/2018, 10:01 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 2 chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn

Với ý thức chính trị, quyết tâm cao và tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Quân khu 2 gồm 9 tỉnh Tây Bắc, có diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi, núi cao, độ dốc lớn; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thất thường, hay xảy ra thiên tai, sự cố, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khi có tình huống xảy ra dễ bị chia cắt, cô lập, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn Quân khu gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, theo chiều hướng cực đoan cả về tính chất, quy mô, cường độ, mức độ tàn phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng. Tính riêng năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra 175 vụ lũ lụt, sạt lở đất, 29 vụ cháy rừng,… làm 143 người chết, 86 người bị thương, 27 người mất tích; làm sập, đổ, cuốn trôi, tốc mái gần 6.000 ngôi nhà, 524 cầu, cống dân sinh; sạt lở hàng vạn mét khối đất đá, làm hư hại hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông, hàng trăm nghìn héc-ta lúa, cây hoa màu, cây công nghiệp; làm cháy gần 250 ha rừng,… thiệt hại ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là, các vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở huyện Mường La tỉnh Sơn La; Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái (năm 2017); Sìn Hồ, Tam Đường, Mường Tè tỉnh Lai Châu (6-2018),… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Mới đây nhất, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ chồng lũ tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, tiếp tục gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân1.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái thị sát vị trí xảy ra lũ quét tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Nhận thức rõ tác hại của thiên tai, bão, lũ và ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu đã tích cực, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn bằng nhiều biện pháp quyết liệt và xác định đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Đảng ủy Quân khu đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/ĐU, ngày 20-01-2015, về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Bộ Tư lệnh Quân khu đã xây dựng Chương trình hành động 103/CTr-BTL và ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn triển khai thực hiện. Với phương châm: “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”, lực lượng vũ trang Quân khu, nhất là cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị lực lượng, vật chất, phương tiện ở từng địa phương, cơ sở, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, v.v. Quân khu chỉ đạo làm tốt việc kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng, chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, xây dựng phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ rủi ro, nhất là ứng phó với thiên tai lớn, như: siêu bão, động đất, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, sự cố các hồ, đập thủy điện và chuẩn bị tốt các mặt bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”2, phù hợp với từng địa phương, địa bàn, địa hình, v.v.

Trước tính chất ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai, sự cố, để ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả, Quân khu tập trung đầu tư trang bị, phương tiện, tổ chức 01 tiểu đoàn Công binh kiêm nhiệm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo các đơn vị, cơ quan quân sự địa phương xây dựng lực lượng bán chuyên trách, phản ứng nhanh ở các cấp; tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn3. Các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, hanh khô; tăng cường bám địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương nắm, dự báo tình hình, kiểm tra đê, kè, hồ, đập, sông, suối trọng điểm, các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng; chủ động cảnh báo, phát hiện sớm và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện xử lý, không để bị động bất ngờ, v.v.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ giúp dân
di chuyển tài sản qua nơi ngập lụt

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tất cả “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng vũ trang Quân khu luôn đi đầu, có mặt sớm nhất, kịp thời nhất ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Quân khu đã huy động 57.678 lượt cán bộ, chiến sĩ; gần 800 lượt phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, cháy rừng; di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; sửa chữa, dọn vệ sinh 4.828 ngôi nhà, 372 trường học, trụ sở ủy ban nhân dân xã; san lấp, sửa chữa gần 200km đường giao thông; tìm kiếm được hàng chục người chết, mất tích, v.v. Cùng với đó, lực lượng vũ trang Quân khu đã quyên góp, ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, cùng hàng tỷ đồng, chia sẻ những khó khăn, mất mát, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu luôn có mặt ở những nơi xung yếu, nguy hiểm, dầm mình trong mưa bão, lũ dữ, bất kể ngày đêm để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân đã tô thắm thêm truyền thống, bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của Quân khu còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ. Phương án, kế hoạch ứng phó với các tình huống của một số địa phương, đơn vị chưa theo kịp diễn biến phức tạp của thời tiết. Công tác dự báo, nắm tình hình, phối hợp, hiệp đồng với địa phương và các lực lượng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Phương tiện, trang bị bảo đảm cho tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đồng bộ; năng lực xử lý các tình huống, nhất là tình huống khẩn cấp, phức tạp của các đơn vị còn hạn chế, v.v.

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn Quân khu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, thực hiện tốt hơn nữa “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Quân khu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 02-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát với tình hình của địa phương, đơn vị, theo phương châm: “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”. Theo đó, Quân khu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường quán triệt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về vấn đề này. Mặt khác, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước những thiệt hại, mất mát của nhân dân.

Để ứng phó, xử lý kịp thời mọi thiên tai, sự cố, Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, lực lượng có liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực, cơ chế trao đổi thông tin, quy chế phối hợp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, tích cực nghiên cứu, tham mưu cho địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống thiên tai, thảm họa, nhất là quy hoạch bố trí lại dân cư, di rời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, v.v. Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn và các kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật, công tác phối hợp, hiệp đồng,… sát với tình hình thực tế; tổ chức theo dõi nắm chắc diễn biến của thời tiết, khí tượng, thủy văn, duy trì nghiêm chế độ canh trực ở các cấp, sẵn sàng cơ động, triển khai lực lượng, phương tiện, kiên quyết không để bị động, bất ngờ. Quân khu tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị, nhất là trang thiết bị chuyên dụng để nâng cao khả năng cơ động, năng lực thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; tập trung kiện toàn lực lượng chuyên trách, đẩy mạnh xây dựng lực lượng tại chỗ, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao về lũ, lụt, sạt lở đất. Đồng thời, tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập ở các cấp; coi trọng huấn luyện chuyên sâu, phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng; chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gắn với diễn tập khu vực phòng thủ, nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, trình độ sử dụng phương tiện, trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho cán bộ, chiến sĩ, v.v.

Cùng với đó, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm chế độ, chính sách, cổ vũ, động viên, nhân rộng các gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, hành động dũng cảm trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, tạo thêm động lực, sức mạnh để lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống và sự yêu mến, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG THÁI, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu
_________________

1 - Riêng tại Yên Bái, tính đến 21-7-2018, có 29 người chết, mất tích và bị thương; 3.877 ngôi nhà bị sập, nước cuốn trôi, tốc mái, hư hỏng; thiệt hại 1.915 ha lúa, hoa màu, 260 ha diện tích thủy sản; 1.236 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nặng. Thiệt hại ban đầu khoảng 200 tỷ đồng.

2 - Bốn tại chỗ: 1. Chỉ huy tại chỗ; 2. Lực lượng tại chỗ; 3. Phương tiện tại chỗ; 4. Hậu cần tại chỗ.

3 - Hằng năm, Quân khu chỉ đạo mỗi tỉnh tổ chức cho 01 huyện (thị xã, thành phố) và mỗi huyện (thị xã, thành phố) tổ chức cho 01 - 02 xã, phường diễn tập ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy rừng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.