QPTD -Thứ Năm, 20/11/2014, 16:35 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 1 thực hiện tốt Cuộc vận động 50*

Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của Cuộc vận động 50, những năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu 1, nòng cốt là ngành Kỹ thuật Quân khu đã triển khai toàn diện các nội dung của Cuộc vận động, đưa Cuộc vận động phát triển vào chiều sâu và đạt kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu.

Trung tướng Nguyễn Châu Thanh Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật
kiểm tra chất lượng bảo quản vũ khí bộ binh ở Kho X84,
Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên (5-2014). (Nguồn: qdnd.vn)

Nằm ở Đông Bắc Tổ quốc, Quân khu 1 có diện tích rộng, địa hình phức tạp (trên 90% là rừng núi, khoảng 565 km đường biên giới), khí hậu khắc nghiệt, hay xảy ra mưa lũ làm chia cắt giao thông, gây nhiều thiệt hại về người, cơ sở vật chất, bất lợi cho công tác bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Trong khi số lượng VKTBKT do Quân khu quản lý, chủng loại đa dạng, phần lớn qua sử dụng nhiều năm nên thiếu đồng bộ, xuống cấp, dễ hỏng hóc do cường độ làm việc và ảnh hưởng của môi trường. Nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, khôi phục đồng bộ hằng năm lớn, yêu cầu đòi hỏi cao, nhưng kinh phí, vật tư, xăng dầu bảo đảm còn hạn chế; cơ sở bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) của một số đơn vị chưa được đầu tư xây dựng cơ bản hoặc chưa đồng bộ, v.v.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) 50 là một nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, nhân tố đảm bảo nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Quân khu trong tình hình mới. Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện CVĐ 50 trong nhiều năm trước đó, Quân khu chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với CVĐ. Thực tế cho thấy, cấp ủy, chỉ huy các cấp đều "vào cuộc", đó cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho CVĐ 50 ở Quân khu 1 phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Theo đó, Đảng ủy Quân khu ra Nghị quyết chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ 50 thời kỳ CNH,HĐH đất nước” và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Hằng năm, Nghị quyết của Đảng ủy Quân khu cũng nhấn mạnh vào nội dung, biện pháp thực hiện CVĐ 50. Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng, chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện CVĐ cụ thể trong từng năm. Ban chỉ đạo CVĐ 50 của Quân khu và các cấp thường xuyên được kiện toàn, làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy về triển khai thực hiện CVĐ 50 theo phân cấp. Các ban chỉ đạo có quy chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể; phân công rõ nhiệm vụ cho từng ủy viên theo chức trách, nhiệm vụ chuyên môn để thuận tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo; duy trì chặt chẽ chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả trong từng giai đoạn và điều chỉnh nội dung, chỉ tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Ngành Kỹ thuật Quân khu (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 50 ở các cấp) đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung, mục tiêu của CVĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục về CVĐ được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Các tiểu ban giúp việc cho Ban Chỉ đạo, như: Tiểu Ban quản lý, khai thác VKTBKT; Tiểu Ban an toàn giao thông, Tiểu Ban thi đua, khen thưởng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nội dung, mục tiêu, yêu cầu CVĐ 50. Đặc biệt, Quân khu đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của CVĐ 50 với việc thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW và yêu cầu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, cơ quan quân sự các địa phương cũng gắn CVĐ với các phong trào thi đua của ngành mình, địa phương mình. Do đó, đã tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Quân khu.

Trong công tác quản lý VKTBKT, hệ thống kế hoạch, sổ sách, mẫu biểu đăng ký thống kê được quy chuẩn thống nhất ở từng cấp, ngày càng nền nếp. Các đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chặt chẽ cơ sở BĐKT và đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật (NVKT). Hằng năm, Quân khu thực hiện tốt chế độ kiểm kê, điểm nghiệm để nắm chắc thực trạng của VKTBKT, cơ sở BĐKT. Từ đó, tiến hành xây dựng kế hoạch sử dụng, bảo quản, sửa chữa, niêm cất, phân nhóm và tổ chức điều chỉnh, thu gom, dồn dịch, điều chuyển VKTBKT cho phù hợp với nhiệm vụ của các đơn vị; đồng thời, xây dựng phương án BĐKT sát với tình hình thực tế. Các cơ sở kỹ thuật tích cực nghiên cứu, biên soạn, ban hành các quy trình công nghệ, định mức vật tư kỹ thuật còn thiếu; nhất là các quy trình công nghệ trong bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất và nghiệm thu VKTBKT. Đến nay, các hoạt động kỹ thuật đều bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn và kiểm tra sát hạch tập trung tại Trường Quân sự Quân khu, ngành Kỹ thuật đã quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, NVKT cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là cơ sở để Quân khu quy hoạch đội ngũ cán bộ kỹ thuật; có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những cán bộ, NVKT có trình độ, tay nghề cao.

Khai thác VKTBKT tốt, bền luôn là mối quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đây là khâu quan trọng để duy trì, khôi phục tính năng kỹ thuật, chiến thuật, chất lượng và sự đồng bộ của VKTBKT hiện có để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu. Muốn vậy, VKTBKT đưa ra sử dụng phải đúng tính chất, nhiệm vụ, đúng công dụng, quy định kỹ thuật và an toàn; đặc biệt là đội ngũ cán bộ, NVKT phải có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, đội ngũ này còn thiếu, nhất là thợ đặc thù của các đơn vị binh chủng; chất lượng chưa đồng đều do mất cân đối về lứa, lớp, v.v. Vì vậy, hằng năm, Quân khu tổ chức huấn luyện kỹ thuật cho các đối tượng tại đơn vị với những nội dung sát thực tế; chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật, lái xe, thợ vận hành, thợ sửa chữa. Trong quá trình bồi dưỡng, Quân khu chú trọng luyện rèn cho người học không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Quân khu đã kết hợp công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, NVKT với tổ chức đồng bộ tập trung tại Xưởng X79 để vừa tiết kiệm ngân sách, vật tư, xăng dầu, vừa tạo điều kiện cho người học có kiến thức thực tế và áp dụng ngay vào VKTBKT của đơn vị mình. Đặc biệt, quý 1 năm 2014, Quân khu đã đăng cai lớp tập huấn sửa chữa, đồng bộ xe máy toàn quân; sau khóa học, không những trình độ của đội ngũ NVKT được nâng lên rõ rệt mà còn có hàng chục xe ô tô của Quân khu được đồng bộ đạt chất lượng tốt. Nhiều đơn vị đã tích cực huy động các nguồn lực vào việc mua sắm trang thiết bị trạm, xưởng, đồng bộ xe công trình sửa chữa VKTBKT nên đã có thể chủ động sửa chữa, phục hồi theo phân cấp. Bằng các biện pháp đồng bộ trong khai thác, sử dụng nêu trên, Quân khu luôn bảo đảm hệ số kỹ thuật của VKTBKT theo đúng quy định của từng nhóm, ngành. Các đơn vị tham gia hội thi toàn quân về VKTBKT tốt, đồng bộ và về trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ cán bộ, NVKT đều đoạt giải cao. Tiêu biểu, như: năm 2012, đoạt giải Nhất Hội thi “Tên lửa - khí tài đặc chủng”; năm 2013 đoạt giải Nhì Hội thi “Xe tốt, lái xe an toàn”, giải Nhất Hội thi “Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng”, v.v.

Bảo đảm an toàn VKTBKT luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đặt lên hàng đầu. Ban Chỉ đạo 50 các cấp thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy tắc an toàn trong quản lý, khai thác VKTBKT. Trước khi đưa ra sử dụng, VKTBKT đều được kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là đối với đạn dược, vật liệu nổ. Điều đó đã được khẳng định qua nhiều năm tổ chức diễn tập có bắn đạn thật ở các đơn vị, địa phương; đặc biệt là Trường bắn Quốc gia khu vực 1 do Quân khu quản lý đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn cho các đơn vị về diễn tập, bắn đạn thật, bắn thử nghiệm vũ khí, v.v. Công tác vệ sinh công nghiệp, bảo hộ lao động được các đơn vị quan tâm thực hiện, hạn chế ô nhiễm môi trường và độc hại cho người lao động. Những năm qua, Quân khu đã chỉ đạo Cục Kỹ thuật tổ chức thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực để xây dựng, củng cố các kho, trạm kỹ thuật bảo đảm đều có đủ trang bị phòng, chống cháy nổ, chống sét, chống kẻ gian đột nhập. Các cơ sở kỹ thuật đều có các kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn kho tàng, kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện và tổ chức luyện tập thường xuyên. Cơ quan kỹ thuật các cấp còn chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xây dựng vành đai an toàn cho kho tàng, trạm, xưởng. Trong 5 năm qua, hệ thống kho, trạm toàn Quân khu không xảy ra mất mát, cháy nổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, Quân khu còn xây dựng Quy chế bảo đảm an toàn cho các trang bị công nghệ thông tin, nhất là vấn đề bảo mật đối với các máy tính nối mạng in-tơ-nét, v.v. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt và triển khai thực hiện theo tinh thần các nghị quyết, nghị định của Chính phủ và chỉ thị của Bộ Quốc phòng và các chương trình hưởng ứng “Năm An toàn giao thông”, tháng cao điểm An toàn giao thông. Cùng với tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, Quân khu còn duy trì 7 đội Kiểm soát quân sự hoạt động khá hiệu quả, góp phần giảm tai nạn giao thông của các xe quân sự. Tuy nhiên, mục tiêu về an toàn giao thông của Quân khu chưa thật vững chắc, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với CVĐ 50, Quân khu luôn đề cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân và tập thể về tiết kiệm khi sử dụng kinh phí, vật tư, xăng dầu, điện, nước; bảo đảm đúng mục đích và định mức theo quy định. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng. Trong 5 năm qua, toàn Quân khu đã có 467 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, làm lợi hàng tỷ đồng. Điển hình là sáng kiến “Mô hình mô phỏng nhà kho, nhà pháo, hầm chứa VKTBKT phục vụ diễn tập, luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu” của Đại tá Nguyễn Văn Thái; “Đồ gá lấy thăng bằng thân kính ngắm cối 60 để hiệu chỉnh ảnh nghiêng” của Thượng úy Nguyễn Văn Khiêm; “Phần mềm quản lý số hiệu súng bộ binh” của Thượng úy Bùi Thế Vỹ; “Còi hiệu lệnh tự động” của Trung úy Trần Mạnh Hùng, v.v.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, lực lượng vũ trang Quân khu 1 tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, triển khai đồng bộ các mặt công tác kỹ thuật; đặc biệt là, thực hiện tốt CVĐ 50 và những nội dung đột phá đã xác định, nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm VKTBKT, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng NGÔ XUÂN THỨ, Phó Tư lệnh, Trưởng ban Chỉ đạo 50 Quân khu
______________________________

* - Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.