QPTD -Thứ Năm, 09/06/2011, 16:19 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh

Điện Biên nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc, trên khu vực ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Với đặc điểm địa lý đó, Điện Biên có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với địa bàn Quân khu 2 và cả nước. Vì vậy, xây dựng Tỉnh thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng KVPT, Điện Biên gặp không ít khó khăn, thách thức. Tỉnh có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số gần 48 vạn người; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 80,3%; mật độ dân số trung bình 50 người/km2 (riêng huyện Mường Nhé - nằm trên khu vực ngã ba biên giới – tuy có diện tích lớn gấp 3 lần tỉnh Bắc Ninh, nhưng mật độ dân số chỉ đạt 14 người/km2). Đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ còn ở mức cao; 93/112 đơn vị cấp xã của Tỉnh còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, khu vực ngã ba biên giới của Tỉnh từ lâu đã là đầu mối gặp gỡ của đồng bào Mông trong khu vực. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch coi đây là trọng điểm để tổ chức thu hút, lôi kéo, kích động đồng bào gây rối, làm mất ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn. Cái gọi là "Đạo Vàng Chứ" và việc mưu toan thành lập "Vương quốc Mông" không chỉ xuất hiện gần đây, mà trên thực tế, đã được các thế lực thù địch xúc tiến và theo đuổi ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Từ năm 1997 đến nay, được sự hậu thuẫn của lực lượng thù địch từ bên ngoài, các phần tử phản động trong nước đã chống phá chính quyền và nhân dân trên địa bàn Tỉnh với quy mô, tính chất ngày càng lớn hơn và quyết liệt hơn. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang (LLVT) Điện Biên, từ chỗ nhận thức sâu sắc về tình hình, nhiệm vụ, đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong xây dựng KVPT Tỉnh.

alt
Một góc Thành phố Điện Biên Phủ (Ảnh mang tính minh họa - nguồn: Internet)


Trước hết, LLVT Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng và các ngành chức năng phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như trong tổ chức thực hiện và tổng kết thực tiễn xây dựng KVPT. Để Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 30-7-1987, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị khác về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc đi vào cuộc sống, cơ quan quân sự các cấp phải làm tốt chức năng tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền. Nhận thức rõ điều đó, cùng với việc bồi dưỡng cho LLVT kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã coi trọng việc nâng cao năng lực tham mưu về quân sự, quốc phòng; trong đó, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đề xuất. Vì vậy, hầu hết các nội dung đề đạt đều có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và được nhân dân ủng hộ. Chẳng hạn, để làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với việc xây dựng KVPT, trong công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, LLVT Tỉnh đã tham mưu và trực tiếp đề xuất nhiều nội dung sát với đặc thù của Tỉnh. Trong xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần (do nội dung trừu tượng, nhiều cơ sở không xác định được những vấn đề cần chỉ đạo, có nơi chỉ chú ý khâu tuyên truyền), LLVT Tỉnh đã tham mưu cho chính quyền các cấp coi trọng đồng thời cả ba mặt: nâng cao đời sống của đồng bào, xây dựng cơ sở chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc và xây dựng ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh biên giới. Trong ba mặt công tác đó, việc tuyên truyền phải được tiến hành trước một bước và duy trì liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, với một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì phải lấy phương pháp tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng) làm chính, thực hiện nói đi đôi với làm, tuyên truyền đi đôi với hướng dẫn cách làm cụ thể, tạo ra kết quả thực tế để dân tin, dân theo. Đó cũng là những vấn đề được LLVT tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong công tác tuyên truyền. 

Trong xây dựng tiềm lực kinh tế-xã hội (KT-XH), LLVT Tỉnh đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền thực hiện gắn phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế gắn với bố trí QP-AN. Đặc biệt, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh triển khai đồng bộ các đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư tại địa bàn các huyện Mường Nhé, Mường Chà theo Quyết định 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình làm tham mưu, BCHQS Tỉnh luôn xác định những nội dung đề đạt cụ thể, cả trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo thành tựu phát triển KT-XH của Tỉnh được cụ thể hóa thành thực lực của KVPT và mức tăng GDP tỷ lệ thuận với việc đầu tư cơ sở vật chất cho KVPT. Đó là những vấn đề quan trọng mà công tác tham mưu thiếu cụ thể, không sát đặc điểm, tình hình địa phương thì rất dễ dẫn đến việc phát triển mất cân đối, làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xây dựng KVPT. Cùng với việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ra nghị quyết lãnh đạo và chương trình hành động, LLVT còn đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành liên quan trong quá trình quy hoạch, xây dựng các thành phần chủ yếu của thế trận KVPT. Đặc biệt, từ chỗ xác định xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần là then chốt, tiềm lực kinh tế là quan trọng, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cụm làng xã chiến đấu, cụm tác chiến biên phòng, cụm tuyến an ninh, tạo thế trận cho KVPT Tỉnh. Đến nay, căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu, hệ thống công sự trận địa phòng không, bệnh viện dã chiến, các chốt chặn, đường cơ động,... trong KVPT Tỉnh đã được quy hoạch căn bản, trong đó, nhiều hạng mục đã được triển khai. Đi đôi với các nội dung tham mưu đó, LLVT đã tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền xây dựng các văn kiện chiến đấu, kế hoạch phòng thủ dân sự; giúp Tỉnh ủy, UBND Tỉnh xây dựng và điều hành kế hoạch diễn tập KVPT ở hai cấp (huyện và tỉnh) theo quy định; đồng thời, tham mưu, hướng dẫn các sở, ban, ngành xây dựng hệ thống kế hoạch văn kiện và trực tiếp tổ chức huấn luyện quân sự cho các lực lượng theo yêu cầu tác chiến phối hợp trong KVPT.

Cùng với việc làm tốt chức năng tham mưu, vai trò nòng cốt của LLVT Tỉnh còn được thể hiện trong quá trình trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện xây dựng KVPT. Hơn 20 năm qua, kể từ khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc, ở bất cứ thời điểm nào, LLVT Tỉnh cũng thể hiện phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong hoạt động thực tiễn. Bằng những việc làm thiết thực, LLVT Tỉnh đã tỏ rõ là đội quân tuyên truyền hiệu quả. Thực hiện công tác này, nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có không ít cán bộ chủ trì, đã chủ động học tiếng dân tộc để trực tiếp hướng dẫn đồng bào quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng làng xã chiến đấu trong KVPT. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT Tỉnh rất chú trọng các hình thức giải thích dễ hiểu nhất, phù hợp với trình độ dân trí và phong tục của đồng bào; qua đó, giúp đồng bào hiểu vì sao đồng bào phải tham gia bảo vệ biên giới. Cũng bằng phương pháp đó, LLVT Tỉnh giải thích cho đồng bào thấy rõ: các chương trình 167, 134, 135, 159, Nghị quyết 30a của Chính phủ... thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào được cải thiện rõ là nhờ có các chương trình đó, chứ không phải là "nhờ Chúa ban cho" như tuyên truyền của những kẻ xấu. Kết hợp tuyên truyền, LLVT Tỉnh còn có mặt ở hầu khắp các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa để triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, xóa đói giảm nghèo; đặc biệt, rất nhiều cán, bộ, chiến sĩ đã lăn xả trong lửa rừng, bão lũ để cứu dân; các đội công tác cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ những thiếu thốn của đồng bào, đã làm cho vai trò nòng cốt của LLVT nổi bật trong con mắt của chính quyền và nhân dân. Với những việc làm đó, LLVT Tỉnh luôn được chính quyền các cấp và nhân dân tin tưởng; thường xuyên là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong Khối nội chính của Tỉnh.  

Điện Biên còn nghèo, còn gặp nhiều khó khăn khi tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các thành phần của KVPT. Để góp phần giải quyết mâu thuẫn đó, LLVT Tỉnh đã tham mưu, đề xuất và trực tiếp nhận, tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, như: quy hoạch, xây dựng, quản lý khu căn cứ hậu phương. Vừa qua, LLVT Tỉnh đã nhận trồng 3.000 cây ban tại đồi Độc Lập, rộng 30 ha; quản lý, bảo vệ hồ Pa Khoang (có sức chứa đạt 37 triệu m3 nước), ... Đó là những "nhiệm vụ kép" nhằm vừa bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân (không để hồ bị vỡ đập hoặc bị khai thác tùy tiện), vừa góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường của Tỉnh, tạo tiềm lực về lâu dài cho KVPT.

Cùng với những vấn đề trên, LLVT Tỉnh còn đóng vai trò chủ yếu trong việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng KVPT. Hằng năm và từng giai đoạn, công tác tổng kết xây dựng KVPT luôn được lãnh đạo, chỉ huy cơ quan quân sự các cấp chủ động tiến hành; qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá đúng những kết quả đạt được, cũng như những mặt còn hạn chế, tồn tại; trên cơ sở đó, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Quân khu và Bộ Quốc phòng những vấn đề cần quan tâm trong xây dựng KVPT đối với tỉnh miền núi, biên giới, như: giảm thời gian, nội dung diễn tập KVPT (giảm thời gian họp, loại bỏ các cuộc họp, các nội dung trùng lắp); đổi nội dung "Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Quân sự Tỉnh xử lý tình huống A" thành "Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng" (để lãnh đạo các sở, ban, ngành và các lực lượng có thể báo cáo, đề đạt ngay sau khi nhận được tình huống); giảm quãng đường cơ động, di chuyển (với địa hình của Tỉnh, việc cơ động đường dài là không cần thiết); trong luyện tập thì tiến hành đúng, đủ các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhưng khi diễn tập thì tập trung vào các phần tập quan trọng,... Đặc biệt, qua tổng kết giải quyết các "điểm nóng" trên địa bàn Tỉnh những năm gần đây, trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các LLVT trong Tỉnh đã rút ra được bài học quan trọng, đó là xây dựng KVPT phải có hiệu quả ngay trong thời bình; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với thế trận an ninh nhân dân; xử lý những tình huống về an ninh, quốc phòng phải dựa chắc vào dân, sử dụng lực lượng tổng hợp, chỉ huy kiên quyết, khôn khéo, linh hoạt. Đương nhiên, để ngăn ngừa việc xảy ra các “điểm nóng”, các lực lượng, ban, ngành làm tham mưu phải tăng cường đề xuất với cấp ủy, chính quyền các biện pháp xây dựng cơ sở; qua đó, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngay từ xã, thôn, bản. Mặt khác, do thực tiễn đòi hỏi, nên các LLVT phải tham mưu cho chính quyền xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, trao đổi thông tin, thống nhất phương pháp xử lý các tình huống (không chỉ trong phạm vi Tỉnh, mà còn với một số địa phương) để ngăn chặn từ xa tình trạng di dịch cư ồ ạt. Về lâu dài, LLVT Tỉnh đã và đang tham mưu cho Tỉnh tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, coi đó là chìa khóa để phát triển, nhằm tạo ra cơ sở vững chắc cho xây dựng KVPT, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng LƯU TRỌNG LƯ

Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.