QPTD -Thứ Năm, 22/12/2016, 13:00 (GMT+7)
Lực lượng Kiểm ngư đồng hành cùng ngư dân khai thác thủy, hải sản và bảo vệ biển, đảo

Những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự trên Biển Đông diễn biến phức tạp: cướp biển, đánh bắt hải sản trái phép, trộm cắp và phá hoại ngư cụ, thậm chí nước ngoài còn ngang ngược cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở một số vùng biển của nước ta, trong đó có cả ngư trường truyền thống. Nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt do mật độ đánh bắt cao, liên tục, ảnh hưởng môi trường, không có hải sản quý hiếm, v.v. Ngược lại, ở vùng biển xa, nhất là vùng biển tiếp giáp với các nước, như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin,... nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, nhiều loài có giá trị thương phẩm cao, v.v. Vì thế, tàu, ngư dân ta phải vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, đánh bắt những loài hải sản có giá trị cao, tăng sản lượng, v.v. Trong khi đó, tàu, thuyền, năng lực, trình độ của ngư dân chưa đáp ứng được điều kiện đánh bắt xa bờ, dài ngày; cá biệt, có trường hợp vi phạm hải phận nước bạn, bị bắt giữ, v.v. Giải quyết bài toán này, Lực lượng Kiểm ngư đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn và làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân vươn ra khơi xa, làm ăn dài ngày trên biển, đặc biệt là ở những vùng biển xa, giáp ranh, góp phần bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Cục Kiểm ngư có nhiệm vụ: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành thủy sản và xử lý các vi phạm về pháp luật thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư trường, ngư dân sản xuất, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Cục Kiểm ngư luôn thực hiện tốt việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện cùng ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ biển, đảo. Là lực lượng mới thành lập, nên tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đảm bảo đang từng bước xây dựng và hoàn thiện. Song, trước yêu cầu, nhiệm vụ, Cục vừa tập trung xây dựng lực lượng, vừa triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong xây dựng lực lượng, Cục tích cực tuyển chọn, tuyển dụng công chức và người lao động; ưu tiên các tỉnh, thành phố ven biển, nhất là con em của ngư dân có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp nghề liên quan đến các hoạt động đi biển. Đồng thời, chú trọng sắp xếp đội ngũ cán bộ phòng, ban, nghiệp vụ; tích cực sửa chữa, nâng cấp, mua sắm, đóng mới tàu, thuyền, phương tiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, lực lượng Kiểm ngư có đủ các loại tàu: tốc độ cao, trọng tải lớn, hiện đại với nhiều tính năng, tác dụng, có thể hoạt động dài ngày trên biển và chịu được những cơn bão lớn, v.v. Cùng với đó, Cục coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức và người lao động. Nội dung hướng vào Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982,… nhằm xây dựng cho cán bộ, công chức và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Nhờ đó, cán bộ, công chức và người lao động của ngành Kiểm ngư đều có ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh, trật tự, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, ngư trường, góp phần bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Trên cơ sở đó, Cục Kiểm ngư đã chủ động, tích cực trang bị những kiến thức cơ bản cho các tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng cán bộ các ban, ngành của các địa phương ven biển và ngư dân. Từ năm 2014 đến nay, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương ven biển tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định 103/NĐ-TTg và Nghị định 167/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính liên quan đến hoạt động thủy sản và giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài; một số quy định của các nước có chung đường biên giới biển với nước ta, như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan,… cho cán bộ quản lý ở địa phương, chủ phương tiện, lực lượng sản xuất và lãnh đạo các nghiệp đoàn. Bên cạnh đó, Cục còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn ngư dân nhận biết về bão, lũ; phương pháp phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi hoạt động trên biển.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Kiểm ngư phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng và lực lượng thanh tra chuyên ngành của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển được giao. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển ở 04 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế), Cục đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng của 04 tỉnh trên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát ngư dân khai thác hải sản. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện 25 đợt tuần tra, kiểm soát với hơn 100 lượt tàu xuồng tham gia hoạt động rộng khắp trên các vùng biển từ Bắc vào Nam; kiểm tra, kiểm soát trên 4.000 lượt tàu, thuyền đánh cá trên biển; phát hiện và xử lý hơn 300 tàu cá Việt Nam vi phạm về đánh bắt hải sản không đúng quy định; lập biên bản xua đuổi, phóng thích 50 tàu cá nước ngoài (trong đó, chủ yếu là tàu cá của Trung Quốc) vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư còn chủ động, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản đúng theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, Cục Kiểm ngư đứng ra đảm bảo an toàn cho các sản phẩm của ngư dân các tỉnh miền Trung. Qua đó, thúc đẩy ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất, củng cố “thế trận lòng dân” trên biển.

Tàu Kiểm ngư 414 chuẩn bị nhổ neo đi cứu ngư dân Tàu cá QNa 94899TS, ngày 18-4-2016. (Ảnh: qdnd.vn)

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng hành cùng ngư dân hoạt động khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển, bảo vệ biển, đảo, lực lượng Kiểm ngư luôn theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tình hình, hoạt động trên biển. Ngoài lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, Cục Kiểm ngư còn tổ chức lực lượng canh trực thu nhận thông tin và thông báo tình hình cho tàu cá và ngư dân đang hoạt động trên biển để có biện pháp ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Thông qua hệ thống định vị vệ tinh Movimar1 và trạm, đài thông tin của 28 tỉnh, thành phố ven biển, lực lượng Kiểm ngư thường xuyên theo dõi, nắm chắc hành trình hoạt động của các tàu cá, ngư dân, nhất là các tàu, thuyền đang đánh bắt xa bờ, kịp thời cảnh báo cho ngư dân biết họ đang ở vùng biển giáp ranh hay đã vượt sang vùng biển nước ngoài để giúp họ sớm quay trở về, hạn chế rủi ro đáng tiếc xảy ra. Hằng ngày, lực lượng Kiểm ngư cập nhật nhanh, chính xác hướng đi, cường độ, sức gió và vùng ảnh hưởng của bão, thông qua Trung tâm Khí tượng, thủy văn quốc gia để cảnh báo cho ngư dân; dẫn dắt tàu cá của ngư dân nhanh chóng vượt ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Từ năm 2014 đến nay, hệ thống thiết bị này đã ghi nhận được hơn 3.000 lượt thông báo, tiếp nhận và xử lý hơn 40.000 lượt tin cảnh báo cho các tàu, thuyền, góp phần giảm thiểu đáng kể tai nạn, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Mặc dù Cục Kiểm ngư đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến cáo, cảnh báo,… nhưng việc ngư dân ta đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của ta có chiều hướng ngày càng gia tăng, làm cho tình hình an ninh, trật tự biển phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế, tính mạng và tài sản của ngư dân, mà còn gây phương hại đến mối quan hệ hợp tác, đối ngoại với các nước trong khu vực về lĩnh vực thủy sản, cũng như bảo hộ công dân về nước.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho ngư dân, giữ vững chủ quyền biển và tình hữu nghị của các nước trong khu vực, Cục Kiểm ngư đang tích cực, chủ động tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương có liên quan, trao đổi, hội đàm với các nước: Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin,... nhằm duy trì an ninh, trật tự biển và thống nhất các giải pháp thiết thực, phù hợp, giảm thiểu số lượng tàu cá và ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta và ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài; sớm đưa ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Đồng thời, đề xuất phương án đưa tàu cá và ngư dân nước ta đi khai thác hợp pháp ở vùng biển quốc tế và các nước trong khu vực. Trong thời gian tới, để đảm bảo cho ngư dân ra khơi bám biển, khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, ngành Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung chủ yếu sau: (1) Nắm chắc Luật Biển Việt Nam, quốc tế và những quy định của các nước có vùng biển giáp ranh; (2) Kiểm tra kỹ hệ thống thông tin liên lạc, máy định vị, la bàn, hải đồ, sơ đồ vùng biển và trang thiết bị chuyên dụng hàng hải; (3) Chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng (Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng) về danh sách ngư dân, các trang thiết bị thông tin, cứu hộ, cứu sinh và các giấy tờ liên quan; (4) Khi phát hiện đối tượng, chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu móc nối, tổ chức đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt, phải thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; tuyệt đối không được chống trả khi xác định rõ mình đã vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc xác định rõ tàu nước ngoài là lực lượng thực thi pháp luật trên biển; (5) Nếu bị bắt giữ, ngư dân cần chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định về dẫn độ, khai báo trung thực và tìm mọi cách báo ngay về cơ quan chức năng Việt Nam để có biện pháp giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Để nhân dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản, tạo thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ biển, đảo, lực lượng Kiểm ngư đang nỗ lực phấn đấu, tiếp tục xây dựng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

TRẦN XUÂN THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam

______________       

1 - Lắp đặt kết nối với 3.000 tàu đánh bắt hải sản xa bờ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.