QPTD -Thứ Năm, 15/04/2021, 21:57 (GMT+7)
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp

Phát huy kết quả đạt được, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, thực thi pháp luật trên biển trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, những năm gần đây, các đơn vị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, lực lượng, phương tiện tàu thuyền, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ. Trước tình hình Biển Đông năm 2020 có diễn biến phức tạp mới, với sự gia tăng về mức độ, tính chất trên các lĩnh vực, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động nắm chắc, dự báo, đánh giá đúng tình hình, làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ, hạn chế căng thẳng trên biển. Trong thực thi pháp luật, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện ứng trực trên các vùng biển, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên thực địa; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền địa phương ven biển nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, kiên quyết yêu cầu tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tuyên truyền cho ngư dân của ta không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển, an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển; ngăn chặn cướp biển, cướp có vũ trang. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, yêu cầu hàng trăm lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy với quy mô lớn1, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn trên biển 

Hiện nay, các quốc gia ven Biển Đông đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chấp pháp, tôn tạo, thay đổi hiện trạng các đảo, bãi cạn, thực thể tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá; đối xử không nhân đạo với ngư dân trên biển; phớt lờ chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế,… làm xói mòn lòng tin, đẩy các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày càng “lún sâu” vào các mâu thuẫn, bất đồng. Tình hình các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, như: cướp biển có vũ trang; khủng bố; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; buôn người, di cư bất hợp pháp; buôn lậu, gian lận thương mại; đánh bắt, khai thác hải sản diễn biến phức tạp; tình trạng tàu, thuyền nước ngoài vi phạm sâu vào vùng nội thủy, lãnh hải Việt Nam vẫn xảy ra, v.v.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, tiếp tục đẩy mạnh “xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; làm nòng cốt trong bảo vệ an ninh chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác nắm, nghiên cứu, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XIII,... lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chú trọng nâng cao năng lực trinh sát, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích đánh giá, dự báo đúng diễn biến, tình hình trên biển, kịp thời tham mưu chủ trương, giải pháp mang tính hệ thống, toàn diện, khả thi; chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ, không để mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp phát sinh thành xung đột vũ trang, để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; thường xuyên tổ chức diễn tập, huấn luyện, thực hiện thuần thục các phương án; tiếp tục nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực thi pháp luật trên biển trong mọi tình huống. Thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương ven biển trong công tác đăng ký, quản lý, sẵn sàng tiếp nhận nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân, Kiểm ngư, dân quân thường trực biển, dân quân tự vệ biển của các tỉnh, thành, quân khu ven biển,... nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân có chiều sâu, vững chắc, tạo thế phòng thủ liên hoàn, nhiều tầng, nhiều tuyến từ biển vào bờ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, các hoạt động kinh tế biển; hỗ trợ, bảo vệ ngư trường, ngư dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp; sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân và chống cướp biển, cướp có vũ trang, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển.

Tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có bản lĩnh, trình độ, năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm toàn diện, chuyên nghiệp, chuyên sâu, cơ cấu phù hợp giữa các thành phần, lực lượng. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin, ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi cao của thực tiễn, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, coi trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, xử trí linh hoạt các tình huống trên biển; tập trung huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập, đào tạo, bồi dưỡng, hội thao, hội thi. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, xây dựng tác phong công tác khoa học, tiếp cận công nghệ 4.0 cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ tàu, cán bộ chuyên ngành quan hệ quốc tế, nghiệp vụ pháp luật. Về xây dựng lực lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tuyển dụng, thu hút tài năng, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các học viện, nhà trường vào phục vụ trong lực lượng; tích cực, chủ động nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, đề xuất xây dựng Đề án nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành Đại học Cảnh sát biển, nhằm chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao, bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển, yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam về lâu dài.

Đi đôi với xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục tham mưu với cấp trên quan tâm đầu tư mua sắm, hiện đại hóa phương tiện, trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ và cơ sở bảo đảm. Trước mắt, ưu tiên triển khai dự án đóng mới các gam tàu tuần tra cao tốc có lượng giãn nước lớn, tính cơ động cao, có khả năng hoạt động dài ngày ở những vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại, đặc thù phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, lực lượng, bộ phận chuyên ngành. Nâng cao năng lực tiếp nhận, khai thác, làm chủ các phương tiện, tàu thuyền được viện trợ từ nước bạn, đối tác chiến lược. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây dựng nâng cấp cơ sở bảo đảm kỹ thuật, đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật và áp dụng hiệu quả việc chuyển giao công nghệ, nhất là với vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn vũ khí, trang bị kỹ thuật cũ còn khả năng sử dụng lâu dài, nghiên cứu cải tiến, nâng cấp, bảo đảm đồng bộ với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất mở rộng vị trí đóng quân cho các đơn vị mới thành lập; bảo đảm kịp thời nguồn vốn, kinh phí triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, cầu cảng, bến bãi, kho tàng, trạm xưởng,… theo đúng lộ trình của Ðề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đẩy nhanh công tác xây dựng lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, ngang tầm nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Trung tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
__________________ 

1 - Phát hiện, bắt giữ, xử lý 667 vụ/753 đối tượng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 483 vụ/499 đối tượng, hình sự 94 vụ/105 đối tượng; bàn giao cho các lực lượng chức năng xử lý 90 vụ/149 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật xử lý, bàn giao cho các lực lượng ước tính khoảng 350 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.