QPTD -Thứ Năm, 18/12/2014, 15:53 (GMT+7)
Lạng Sơn tập trung lãnh đạo xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện

Là địa bàn phên dậu Tổ quốc, tỉnh Lạng Sơn luôn coi trọng lãnh đạo xây dựng khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển theo quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi tình hình an ninh, trật tự khu vực
biên giới với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Lạng Sơn có đường biên giới quốc gia tiếp giáp Quảng Tây, Trung Quốc dài trên 231 km, với 474 cột mốc quốc giới, 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và 08 điểm cặp chợ đường biên. Khu vực biên giới (KVBG) của Tỉnh thuộc địa bàn 05 huyện, gồm 20 xã, 01 thị trấn, với 247 thôn, bản, trong đó có 89 thôn, bản giáp biên; diện tích tự nhiên chiếm 13,8% diện tích của Tỉnh; dân số gần 62.000 người. Đây là địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng - an ninh (QP-AN), cửa ngõ quan trọng của đất nước, với các hoạt động sôi động về  thương mại, xuất, nhập khẩu, du lịch, v.v.

Nhận thức rõ đặc điểm đó, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng KVBG vững mạnh về mọi mặt. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố QP-AN ở các xã, phường biên giới”, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về “Xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện trong tình hình mới”; Nghị quyết 34-NQ/TU về “Xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện giai đoạn 2011 - 2015”. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, đề án, dự án, tập trung đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên KVBG. Nổi bật là, Đề án “Nâng cao đời sống nhân dân biên giới gắn với đưa dân trở lại làng, bản cũ và xây dựng một số điểm dân cư mới ở KVBG”; các dự án: đường giao thông (nhất là đường vành đai biên giới); rà phá mìn, vật cản phục vụ di dân, tái định cư xây dựng các bản KVBG; xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu; trồng rừng biên giới; dự án xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, suối biên giới, bảo vệ các cột mốc, v.v.

Với nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, diện mạo vùng biên giới của Tỉnh từng bước đổi mới về mọi mặt, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống cơ sở chính trị ở KVBG được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường1. Kết cấu hạ tầng KT-XH ở KVBG được Tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% các xã biên giới có đường ô tô đi được 4 mùa; 96% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng và hệ thống các cửa khẩu trên tuyến biên giới của Tỉnh từng bước được xây dựng hiện đại, đồng bộ. Giá trị thương mại, kim ngạch xuất, nhập khẩu, khách du lịch qua các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn ngày càng tăng, trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của Tỉnh tăng trưởng và phát triển.

Nhiệm vụ xây dựng KVBG của Tỉnh đã và đang đặt ra những yêu cầu cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đối với công tác biên phòng, xây dựng KVBG chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng KT-XH, giao thông ở KVBG còn nhiều bất cập; về vốn đầu tư  có hạn; cơ cấu kinh tế KVBG chuyển dịch chậm, sản xuất hàng hoá chưa phát triển; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mặt khác, trên tuyến biên giới của Tỉnh các thế lực thù địch, các loại tội phạm, buôn lậu hoạt động mạnh, tiềm ẩn yếu tố phức tạp, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v.

Để đạt được mục tiêu xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện, tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, phát triển đối ngoại, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tập trung củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở KVBG vững mạnh. Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, coi trọng xây dựng các chi bộ quân sự xã, thị trấn biên giới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, năng lực vận động, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Để tạo nguồn, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các xã biên giới, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ, cử tuyển con em đồng bào ở KVBG đi đào tạo. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) gắn với thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên, giai đoạn 2011 - 2015”, phù hợp với đặc thù KVBG. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa huyện ủy các huyện biên giới với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Quy chế phối hợp giữa đảng ủy các xã biên giới với cấp ủy các đồn Biên phòng.

2. Chú trọng ưu tiên các nguồn lực tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân kết hợp tăng cường QP-AN ở KVBG. Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục khảo sát, lập dự án và huy động các nguồn lực, cũng như lồng ghép dự án của địa phương với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia,... nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH ở KVBG. Trong đó, ưu tiên xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH; đặc biệt là, các khu kinh tế cửa khẩu, các tuyến đường ra cửa khẩu, đường vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc, các công trình bảo vệ mốc và đường đến trung tâm các xã. Đồng thời, đẩy nhanh việc tháo gỡ vật cản trên biên giới, bảo đảm đất sản xuất cho nhân dân, nhất là ở các thôn, bản mới thành lập. Tiếp tục đầu tư xây dựng nhà làm việc của Đội công tác Biên phòng, nhà Dân quân tập trung, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, mở thêm một số điểm chợ đường biên, thông quan biên giới ở các cửa khẩu phụ,... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia xuất, nhập hàng hóa qua địa bàn. Mặt khác, tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, nâng cao điều kiện sinh hoạt của nhân dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở KVBG.

3. Tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh tạo cơ sở để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy kết quả đã đạt được, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Biên giới quốc gia, các văn kiện pháp lý về biên giới,... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân, nhất là nhân dân KVBG về chủ quyền quốc gia, quốc giới; đồng thời, coi trọng chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng Tỉnh vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tỉnh yêu cầu cơ quan Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế phối hợp, hiệp đồng; duy trì chế độ giao ban giữa các lực lượng và giữa các lực lượng trên địa bàn với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Cùng với đó, Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự các xã, thị trấn biên giới và lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, lực lượng công an xã, các tổ an ninh nhân dân thôn, bản. Chỉ đạo huyện Văn Lãng đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng điểm Dân quân thường trực xã Tân Thanh để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Thời gian tới, Tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Chỉ đạo các địa phương biên giới nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Giúp nhau làm kinh tế”; “Tự quản bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản”, v.v. Mặt khác, Tỉnh vận động các huyện nội địa tích cực tổ chức các phong trào, cuộc vận động hướng về biên giới; tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, góp phần động viên về tinh thần, vật chất cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang ở KVBG.

4. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nêu cao cảnh giác, cùng với các lực lượng chuyên trách phòng, chống có hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và hoạt động của các loại tội phạm trên KVBG, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tiền giả, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép. Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh chỉ đạo các lực lượng kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống tội phạm với thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống các tệ nạn xã hội, truyền đạo trái phép. Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, tổ chức quản lý các hoạt động ở khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho lưu thông biên giới, hợp tác quốc tế. Các lực lượng chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ biên giới; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các chủ trương, đối sách, xử lý kịp thời các vụ việc, không để bị động, bất ngờ. Các địa phương KVBG tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, thực hiện tốt chủ trương giao đất, giao rừng và giao đoạn đường biên, cột mốc cho các hộ gia đình, thôn, bản giáp biên phối hợp với Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ. Mặt khác, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành động xâm hại, làm hư hỏng cột mốc, làm mất dấu hiệu đường biên giới và các công trình quốc phòng - an ninh trên KVBG. Cùng với đó, Tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cấp, các ngành, các lực lượng với địa phương bên kia biên giới theo phân cấp, nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, hợp tác phòng, chống tội phạm và giải quyết các vấn đề liên quan, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

PHÙNG THANH KIỂM, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
_______________________

1 - Từ năm 2007 đến nay, Tỉnh đã củng cố, xây dựng 214 chi bộ, 21 Ban Công an xã, 18 Ban Chỉ huy Quân sự xã, 16 đội dân phòng, 160 hội cựu chiến binh, 208 chi hội phụ nữ; xây dựng 247 tổ an ninh tự quản, 230 thôn, bản an toàn về an ninh, trật tự, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.