QPTD -Thứ Năm, 03/03/2022, 08:41 (GMT+7)
Lạng Sơn phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là nội dung được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều  giải pháp đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, có 231 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, 02 cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sắt), 01 cửa khẩu song phương và 09 cửa khẩu phụ; là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore). Nhận thức rõ vị trí chiến lược trọng yếu, vừa là phên giậu, vừa là cửa ngõ quan trọng của đất nước, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, nhất là đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn trật tự, an ninh thôn, bản và thực hiện giao đất, giao rừng và giao đoạn đường biên, cột mốc cho các hộ gia đình, thôn, bản giáp biên1. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân”, góp phần quan trọng dựng “Cột mốc lòng dân” nơi biên giới. Điều đáng nói là, đồng bào các dân tộc của Tỉnh luôn kề vai, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng ngày, đêm canh giữ sự bình yên của biên cương “Xứ Lạng”. Trong 5 năm qua, các lực lượng và quần chúng nhân dân biên giới đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tỉnh tổ chức 1.780 lần tuần tra; 1.524 buổi lao động với hơn 12.000 người tham gia tu sửa, phát quang 187,8 km đường thông tầm nhìn biên giới và 167 km đường tuần tra biên giới; xây kè bảo vệ 39 vị trí chân cột mốc; cắm 70 cọc bê tông đánh dấu đường biên giới, với chiều dài 14,2 km. Đồng bào cùng Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động xây dựng các công trình dọc theo biên giới của phía đối diện đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Hiện nay và thời gian tới, trước sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nói chung, trên địa bàn Lạng Sơn nói riêng những yêu cầu mới, cao hơn, nặng nề hơn. Trong khi đó, các vi phạm về Hiệp định, Quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên biên giới cũng như vấn đề xuất, nhập cảnh trái phép gắn với buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới của Tỉnh tiếp tục gia tăng. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” đẩy mạnh chống phá quyết liệt; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh cần tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Bà con các dân tôc cùng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Chi Ma gói bánh chưng trong Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản năm 2022

Lan tỏa “Ngày hội Biên phòng toàn dân”

Xuất phát từ đặc điểm địa bàn khu vực biên giới của Tỉnh rộng, gồm 20 xã và 01 thị trấn, thuộc 05 huyện; trong khi đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng lại mỏng, nên phát huy sức mạnh toàn dân trên địa bàn tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác biên phòng, trực tiếp là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Tỉnh, huyện ủy, ủy ban nhân dân các huyện biên giới tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trọng tâm là Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, giai đoạn 2021 - 2025”, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, 03 văn kiện về biên giới (Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc), v.v. Qua đó, làm cho Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân thấy rõ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân; trong đó, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt, chuyên trách, tạo phong trào sôi nổi, rộng khắp, thực hiện có hiệu quả các nội dung, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tái định cư ra sát biên giới; tiếp tục rà soát, ký kết bổ sung các tập thể, cá nhân, hộ gia đình đăng ký tự quản đường biên, cột mốc quốc giới; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về biên giới, giáo dục, hướng dẫn nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động tuần tra, tu sửa, phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới, đường nhánh kiểm tra cột mốc. Tích cực vận động, huy động nguồn lực, sự tham gia hỗ trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị và công sức, vật chất của cán bộ, chiến sĩ xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới về xác định các công trình, phần việc trọng tâm trong từng năm, giai đoạn để đưa vào kế hoạch phối hợp lãnh đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, hết sức coi trọng thực hiện hiệu quả chương trình hoạt động các phong trào: “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”, “Áo ấm mùa đông biên giới”, “Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”,… nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân vững chắc, để mỗi người dân biên giới là một chủ thể, “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

“Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”

Là địa phương có nhiều huyết mạch giao thông quan trọng cùng các cửa khẩu quốc gia, quốc tế trọng điểm, nên khu vực biên giới của Tỉnh hết sức sôi động về hoạt động thương mại, kinh tế đối ngoại, v.v. Tuy nhiên, đó cũng là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch, các loại tội phạm gia tăng hoạt động, tiềm ẩn nhân tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ trương: tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”. Để thực hiện tốt chủ trương này, Tỉnh tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ thông tin truyền thông của các đồn biên phòng và các xã, thị trấn biên giới, triển khai hòm thư tố giác tội phạm ở các thôn, bản, tạo phong trào phòng, chống tội phạm rộng khắp trong nhân dân. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng trong nắm tình hình nội, ngoại biên; xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh trấn áp tội phạm; bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng môi trường đơn vị trong sạch, không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Mặt khác, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đồn biên phòng tích cực, chủ động tìm nguồn, tuyển chọn xây dựng lực lượng mật đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, phục vụ công tác phòng, chống ma túy và tội phạm, ưu tiên tại các địa bàn trọng điểm.

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, Bộ đội biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong từng mặt công tác có liên quan. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở tham mưu cho các xã, thị trấn biên giới thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội theo Quyết định 74 đã được Tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ngân hàng nhà nước (Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn) trong cung cấp thông tin, trao đổi biện pháp nghiệp vụ về đấu tranh phòng chống tội phạm; chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đồn Biên phòng, phối hợp với các Trạm Kiểm tra Biên phòng Trung Quốc, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng xuất, nhập cảnh và nhân dân hai bên biên giới, cửa khẩu. Tiếp tục tổ chức các hoạt động Giao lưu chính trị giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) với Trạm Kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), cũng như tổ chức các hoạt động trong Thỏa thuận Quốc phòng, Thỏa thuận Biên phòng 03 cấp hai bên và Chương trình kết nghĩa “Xây dựng Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; triển khai các hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân hai bên biên giới,… xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trong thời kỳ mới.

Đại tá NINH VĂN HỢP, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
________________

1 - Đến nay, đã có 50 tập thể là các thôn, bản, khu dân cư và 946 hộ gia đình ký nhận đoạn biên giới; thành lập 240 tổ Tự quản đường biên, với 725 thành viên thường xuyên phối hợp cùng với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ hệ thống đường biên, mốc quốc giới.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.