QPTD -Thứ Hai, 04/02/2019, 07:25 (GMT+7)
Kon Tum xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, giàu về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Tây Nguyên. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tuyến biên giới quốc gia trên địa bàn vững mạnh, giàu về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước bạn.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài 292,522km, tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Khu vực biên giới của Tỉnh thuộc địa bàn 04 huyện, gồm 13 xã, với 106 thôn; dân số gần 60.000 người, với 21 dân tộc; trong đó, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 78,28%. Nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới có truyền thống cách mạng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; có ý thức trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội khu vực biên giới của Tỉnh phát triển chậm; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá, nhất là lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tham gia hoạt động của tổ chức FULRO, đòi ly khai, tự trị; hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh phát triển toàn diện.

Trước hết, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ sở, nhất là 04 huyện biên giới và Bộ đội Biên phòng Tỉnh tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”; Luật Biên giới quốc gia; Nghị định 34/NĐ-CP về Quy chế biên giới đất liền; Nghị định 32/NĐ-CP về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền,... bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn.

Để tạo nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại trên khu vực biên giới. Thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Nghị quyết 16-NQ/TW, ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về phát triển kinh tế, xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch 95-KH/TU, ngày 11-9-2015 và Kế hoạch 51-KH/TU, ngày 02-02-2018 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu: đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới là đầu tư cho quốc phòng, an ninh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh; giải quyết tốt mối tương quan lợi ích giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường trên tuyến biên giới; hoàn thành bố trí ổn định dân cư trên biên giới theo quy hoạch, bảo đảm điều kiện sản xuất và sinh hoạt cho người dân; phấn đấu đến năm 2020, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 1,7%/năm; 100% các xã biên giới đạt tiêu chí nông thôn mới về quốc phòng, an ninh.

Thực hiện mục tiêu xác định, Tỉnh chỉ đạo huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng - an ninh; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh; quy hoạch, sắp xếp, bố trí các điểm dân cư trên khu vực biên giới; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hoá, xã hội: điện, đường, trường, trạm và xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, các tuyến đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới, v.v. Đặc biệt, thực hiện Quyết định của Chính phủ về việc thành lập mới huyện Ia H’Drai và 03 xã: Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và Bộ đội Biên phòng phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng khu vực huyện Ia H’Drai vững mạnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực triển khai Đề án di dân, tái định cư dọc tuyến biên giới; quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính các huyện biên giới, các điểm dân cư, làng nghề và các khu chức năng dọc hành lang quốc lộ 14C,… tạo điều kiện để nhân dân định cư ổn định trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh chỉ đạo 14 cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, giúp đỡ 13 xã biên giới; 45 cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tỉnh kết nghĩa với 17 đơn vị cơ sở Bộ đội Biên phòng theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, v.v.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cơ sở; chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa huyện ủy 04 huyện biên giới với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, giữa đảng ủy các xã biên giới với cấp ủy các đồn Biên phòng và thực hiện tốt các quy chế, chương trình phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương với Bộ đội Biên phòng Tỉnh theo phân cấp. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới1; giới thiệu đảng viên các đồn Biên phòng về tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn và tổ chức hàng trăm lượt tổ, đội công tác bám cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp trao đổi thông tin, tăng cường công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách và thống nhất phương án xử lý các tình huống trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên, xâm nhập, vi phạm quy chế biên giới, cửa khẩu.

Đi đôi với các nội dung, biện pháp trên, Tỉnh chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Trọng tâm là đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, làng2. Tỉnh chỉ đạo các huyện biên giới và Bộ đội Biên phòng trên địa bàn nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới của Vương quốc Cam-pu-chia và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Thời gian qua, Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và sớm hoàn thành nhiệm vụ phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia; tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào; tổ chức kết nghĩa giữa các đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và kết nghĩa 04 cụm bản dân cư biên giới Việt Nam - Lào. Qua đó, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình trên tuyến biên giới của Tỉnh luôn ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ở các địa phương khu vực biên giới được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư có nhiều đổi mới; đời sống của nhân dân khu vực biên giới được nâng lên. Đến nay, 100% các xã biên giới có đường ô tô đi được bốn mùa vào trung tâm, với đầy đủ trạm y tế, loa truyền thanh, sóng truyền hình; hệ thống trường học được xây dựng cơ bản, kiên cố. Tuy nhiên, do đặc thù và điều kiện thực tế nên đến nay Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, nguồn lực đầu tư cho các xã biên giới còn hạn chế, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, v.v.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, để xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh, đi vào chiều sâu, vững chắc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp tăng cường quốc phòng, an ninh, phù hợp với đặc thù khu vực biên giới của Tỉnh; chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo những chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch, ổn định các vùng chuyên canh sản xuất, khu định canh, định cư cho nhân dân tại chỗ và người dân từ nơi khác chuyển đến, gắn với phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm ở khu vực vùng biên giới; chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng Tỉnh vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, lực lượng, tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, cuộc vận động hướng về biên giới; tăng cường quan hệ đối ngoại với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước bạn,… tạo nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
____________

1 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tăng cường 13 đồng chí cho 13 xã biên giới, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã; 08 đồng chí cán bộ Đoàn, giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã.

2 - Đến nay, Tỉnh có 46 thôn, làng, 193 hộ gia đình, 154 cá nhân thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản 288,922km đường biên, 84 mốc quốc giới; 90 tổ/685 hộ gia đình đăng ký tham gia gìn giữ an ninh, trật tự thôn làng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.