QPTD -Thứ Năm, 22/03/2018, 08:37 (GMT+7)
Kiểm ngư Việt Nam đồng hành cùng ngư dân trên biển

Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng, nguồn tài nguyên phong phú. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế biển, song cũng phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, những năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sát cánh cùng ngư dân khai thác thủy sản, hải sản, đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho đất nước, góp phần quan trọng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Thủy sản sửa đổi 2017,... lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản; làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển nước ta; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, lực lượng Kiểm ngư đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, khai thác hải sản, tăng năng suất, chất lượng đánh bắt, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển.

Để đạt được kết quả đó, trước hết, lực lượng Kiểm ngư đã triển khai thường xuyên, có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản, kịp thời giải quyết các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh trên biển. Thời gian qua, một số ngư dân chưa chấp hành đúng pháp luật thủy sản của nước ta và quốc tế, tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn còn xảy ra, v.v. Vì vậy, lực lượng Kiểm ngư xác định công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện tốt công tác này sẽ là điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, tạo môi trường pháp lý cho hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển nước ta, nhất là vùng biển xa bờ; đồng thời, góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ ngư trường.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân

Để ngư dân tự giác chấp hành pháp luật thủy sản, tạo điều kiện tốt cho công tác kiểm tra, kiểm soát, hạn chế phải xử lý vi phạm, lực lượng Kiểm ngư rất chú trọng công tác giáo dục, phổ biến cho ngư dân về pháp luật thủy sản và các chỉ thị, quy định liên quan, trong đó tập trung vào: Luật Thủy sản sửa đổi 2017; Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; một số quy định của các nước có chung đường biên giới biển với nước ta, v.v. Cục Kiểm ngư đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo về các hoạt động khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài bằng nhiều biện pháp, như: phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các chuyên trang, chuyên mục; phối hợp với chi cục thủy sản của các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về chấp hành pháp luật trên biển, phát tờ rơi, sổ tay ngư dân, v.v. Qua đó, nhận thức của ngư dân được nâng cao rõ rệt, từng bước ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tuân thủ tốt hơn các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; số tàu, thuyền vi phạm vùng biển nước ngoài giảm so với những năm trước. Năm 2017, tàu cá và ngư dân nước ta bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý giảm so với năm 2016 là 76 vụ, 112 tàu và 664 ngư dân.

Hiện tại, các trang thiết bị phục vụ cho lực lượng Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, song Cục Kiểm ngư đã khắc phục bằng cách phối hợp với các lực lượng, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Thanh tra thủy sản,... để huy động tàu, xuồng tham gia, tạo lực lượng đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ. Quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cục đã phối hợp, chỉ đạo các lực lượng quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, nắm vững pháp luật của Nhà nước và quốc tế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển được giao; tập trung kiểm tra các khu vực trọng điểm, nhất là vùng biển chồng lấn và giáp ranh với các nước. Nhờ đó, đã quản lý, nắm chắc toàn bộ số lượng tàu, thuyền hoạt động trên các vùng biển nước ta, phát hiện hàng nghìn hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành xử lý ngay, đúng pháp luật những vi phạm trong quyền hạn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, khi cần thiết, lực lượng Kiểm ngư còn hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu, thuyền và thiết bị đánh bắt, bổ sung nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng, dầu,... tạo niềm tin, chỗ dựa để ngư dân yên tâm sản suất.

Gần đây, ngư dân phải đối mặt với những cơn bão, siêu bão, áp thấp nhiệt đới,... ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất. Vì vậy, lực lượng Kiểm ngư đã tích cực tham gia trong công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành Thủy sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất cho ngư dân. Theo đó, Cục Kiểm ngư đã kịp thời tham mưu cho Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiện toàn nhân sự Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của Tổng cục; từ đó, công tác xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro ngành thủy sản được tiến hành chủ động. Hằng năm, Cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho hàng nghìn ngư dân; kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát sóng các diễn đàn, chuyên mục về phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai cho ngư dân, như: hướng dẫn cách di chuyển tàu, thuyền khi có bão; cách neo đậu tàu, thuyền ở nơi trú bão; hướng dẫn nuôi, trồng thủy sản ven biển, v.v. Qua đó, ngư dân đã nâng cao tính chủ động và kỹ năng phòng, chống, ứng phó với sự cố thiên tai trên biển, giảm thiểu thiệt hại.

Diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn năm 2017

Khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển, Cục Kiểm ngư tổ chức nắm chắc tình hình, cung cấp kịp thời hoạt động của ngư dân trên biển tới Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham mưu cho cấp trên ban hành công điện để chỉ đạo các sở, ngành, trực tiếp là chi cục thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển về công tác ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; phối hợp với các địa phương, Bộ đội Biên phòng, hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam,... liên tục thông báo, thông tin bằng tin nhắn, bản tin cảnh báo cho ngư dân nắm chắc tình hình cụ thể để chủ động di chuyển tàu, thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi tránh, trú an toàn. Vì vậy, những năm qua, đã giảm đáng kể thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra cho ngư dân.

Công tác đảm bảo thông tin liên lạc cho ngư dân hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển xa được ngành Kiểm ngư hết sức quan tâm và xác định đó là điều kiện quan trọng để ngư dân vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Để nắm chắc tình hình hoạt động của các tàu cá và tạo điều kiện thuận lợi, giúp ngư dân khắc phục các sự cố, lực lượng Kiểm ngư chú trọng duy trì hệ thống thông tin, bảo đảm thông suốt trong mọi hoàn cảnh, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển. Theo đó, Cục đã tham mưu cho Tổng cục Thủy sản đầu tư các trang thiết bị thông tin liên lạc trên các tàu cá, nhất là lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh, bảo đảm tăng khả năng quan sát, liên lạc thông suốt, kịp thời cả về cự ly và phạm vi. Đồng thời, Cục chủ động triển khai việc kiểm tra nắm chắc tình hình sử dụng thiết bị trên các tàu cá, từ đó phối hợp với những đơn vị liên quan và địa phương thường xuyên thực hiện công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, điều chuyển,... hệ thống thông tin liên lạc, bảo đảm cho thiết bị luôn luôn hoạt động tốt. Trên nền tảng đó, Cục đã chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan, tổ chức kết nối thông tin giữa tàu cá với hệ thống giám sát tàu cá trạm bờ của các tỉnh, thành phố và hệ thống trạm bờ của Tổng cục Thủy sản. Qua đó, giúp lực lượng Kiểm ngư thường xuyên theo dõi, nắm chắc vị trí, hành trình hoạt động của tàu cá, nhất là các tàu đang đánh bắt xa bờ, kịp thời cảnh báo cho ngư dân biết những biến động của thời tiết, khu vực cấm, v.v. Vì vậy, những năm qua đã hạn chế được nhiều rủi ro đáng tiếc xảy ra cho ngư dân khi thực hiện sản xuất trên biển, nhất là khu vực xa bờ. Chỉ tính riêng năm 2017, hệ thống thiết bị này đã tiếp nhận và xử lý trực tiếp thông tin liên quan đến gần 400 vụ của 500 tàu, góp phần giảm thiểu đáng kể tai nạn, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Thời gian tới, dự báo số lượng các đợt áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông sẽ nhiều hơn so với trung bình hằng năm. Các nước trong khu vực sẽ tăng cường biện pháp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Do vậy, Cục Kiểm ngư sẽ tiếp tục tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhất là về cải cách hành chính, xây dựng tổ chức bộ máy; trong đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ, thực thi pháp luật, ngoại ngữ, tin học, có tầm nhìn và nhận thức đúng đắn về biển, đảo Việt Nam, quốc tế và các nước có liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân làm kinh tế biển đúng pháp luật. Đồng thời, Cục cũng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trên biển; trong đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương vận dụng nhiều giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá Việt Nam hoạt động bên ngoài vùng biển nước ta, cũng như tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Cục cũng sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm ngư các nước trong khu vực giải quyết, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần giữ vững chủ quyền, quan hệ hữu nghị, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy vững chắc của ngư dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

LƯU VĂN HUY, Cục trưởng Cục Kiểm ngư

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.