Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:57 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Chủ trương không tham gia liên minh quân sự của Việt Nam được thể hiện rõ nét trong Sách trắng “Quốc phòng Việt Nam năm 2019”. Quan điểm này một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, nhất quán về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta.
Liên minh quân sự là hiện tượng chính trị - quân sự khá phổ biến trong lịch sử nhân loại, thể hiện sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều quốc gia trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. Tùy thuộc vào mục đích chính trị mà liên minh quân sự có thể tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược. Vì thế, việc tham gia liên minh quân sự mang cả tính tích cực và tiêu cực, tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, khu vực cũng như trên toàn thế giới. Hiện nay, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình khu vực, thế giới vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó dự báo; tình trạng xâm phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng và những thách thức an ninh phi truyền thống đang đe dọa toàn cầu. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền, áp đặt, thực dụng, bảo hộ đang nổi lên trong quan hệ quốc tế. Nhiều nước, nhất là các nước lớn chủ động điều chỉnh chiến lược theo hướng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, làm cho quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, đang tạo ra thời cơ, thách thức đan xen đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chế độ chính trị - xã hội, an ninh quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đối với Việt Nam, kể từ khi giành được độc lập, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nước ta đã đạt được thành tựu to lớn, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được khẳng định, nâng cao,... tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng nhất quán, góp phần tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, năm 2019, Bộ Quốc phòng đã công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam; trong đó, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương “không tham gia liên minh quân sự”. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và bản chất, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; điều đó được thể hiện ở một số quan điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta nhiều lần bị các thế lực phong kiến phương Bắc, chủ nghĩa thực dân, đế quốc đô hộ, xâm lược. Song, nhân dân ta luôn đoàn kết, nhất tề đứng lên đấu tranh với mục đích cao nhất là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực với âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã, đang tiến hành nhiều biện pháp để tạo lập, phát huy cao nhất mọi nguồn lực của đất nước; tận dụng có hiệu quả môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với quan điểm kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng là hòa bình và tự vệ; không xâm lược hoặc đe dọa xâm lược bất kỳ quốc gia nào, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mọi hoạt động xây dựng, củng cố quốc phòng, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân đội đều nhằm duy trì sức mạnh cần thiết, đủ sức để tự vệ, giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, ngoài ra không có mục đích nào khác. Kể cả trong trường hợp buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh để tự vệ thì cái đích cũng là vì hòa bình, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực hiện mục đích cao cả đó, chủ trương của Đảng là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc”; “Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”1. Điều đó khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, thể hiện rõ bản chất cách mạng, tiến bộ, chính nghĩa và thiện chí cùng nhau chung sống hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đồng thời, góp phần thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận về nghĩa vụ, trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, đấu tranh quốc phòng, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với việc minh bạch hóa trong thực thi đường lối, chính sách quốc phòng cũng là để xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước với Việt Nam, làm cơ sở mở rộng, nâng cao hiệu quả các mối quan hệ, hợp tác, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, thực hiện nhất quán đường lối, chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, tự cường. Theo Luật Quốc phòng năm 2018, tiềm lực quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng bằng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vững mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng. Việt Nam chủ trương xây dựng sức mạnh quốc phòng tổng hợp bằng chính nguồn lực của đất nước và trí tuệ con người Việt Nam, không lệ thuộc vào bên ngoài. Việc củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Với đường lối quốc phòng toàn dân, công tác quốc phòng đều hướng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân, được đông đảo nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng chuyển tiềm lực quốc phòng thành thực lực quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng và đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, với việc thực hiện đường lối quốc phòng đúng đắn, chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Với những cuộc xung đột, nội chiến đẫm máu xảy ra gần đây ở một số nước trên thế giới, như: nội chiến ở Syria, Ucraina, leo thang quân sự ở Iraq,… đã chỉ ra một trong những nguyên nhân, ngòi nổ chính là do sự thiếu nhất quán trong chính sách đối nội, đối ngoại và không tôn trọng nguyên tắc độc lập, tự chủ, trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Và đằng sau sự giúp đỡ đó, bao giờ cũng có những mưu đồ, toan tính về lợi ích chiến lược của các cường quốc. Vì thế, hòa bình đâu chưa thấy, nhưng sự chia cắt, tàn phá, nội chiến, làm nghèo đất nước đã hiện hữu, khó bề khắc phục. Điều này càng củng cố, khẳng định quan điểm của Việt Nam khi không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn.
Ba là, tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc phòng vì hòa bình và phát triển. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Với quan điểm đó, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Nhờ đó, vị thế nước ta trên trường quốc tế được tăng cường; việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được phát huy; lòng tin chiến lược, môi trường hòa bình không ngừng tạo lập, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đúng như Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 đã khẳng định: “đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung”2. Với đường lối đúng đắn đó, đến cuối năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với trên 80 nước và tổ chức quốc tế; đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Liên hợp quốc và 37 nước; có 49 nước đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng, quân sự tại Việt Nam. Việt Nam tích cực tham gia vào các vấn đề chung của thế giới, như: đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng,… được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Những cơ sở nêu trên đã khẳng định, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, bảo đảm vừa giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, vừa bảo đảm được thế “cân bằng động” trong quan hệ quốc tế, không để rơi vào vòng xoáy của sự cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là không để bị rơi vào thế phải đi với nước này để chống nước khác, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và hội nhập quốc tế; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá UÔNG THIỆN HOÀNG - Thượng tá NGUYỄN MINH THÀNH _______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.
2 - Bộ Quốc phòng – Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQG, H. 2019, tr. 33.
Liên minh quân sự,chính sách quốc phòng
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng