QPTD -Thứ Ba, 12/03/2013, 22:26 (GMT+7)
Không quân nhân dân Việt Nam xây dựng hiện đại, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc
Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, Không quân nhân dân Việt Nam đã cùng với quân - dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chăm lo xây dựng hiện đại, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.
 
Ảnh minh họa

Từ khi thành lập (03-3-1955), Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam đã ra sức phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Buổi đầu thành lập chỉ là Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của KQND Việt Nam) có nhiệm vụ chỉ huy, quản lý các sân bay hiện có, tổ chức chỉ huy các chuyến bay hằng ngày; đồng thời, giúp Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu những nội dung về tổ chức, xây dựng lực lượng không quân phù hợp với kế hoạch xây dựng Quân đội trong giai đoạn đó. Đến nay, KQND Việt Nam là lực lượng hùng hậu, được biên chế tổ chức, trang bị các loại máy bay và vũ khí, trang bị (VK,TB) hàng không hiện đại đủ sức quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc .

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù lực lượng (máy bay, phi công), trình độ, kinh nghiệm chiến đấu trên không kém xa địch, nhưng Bộ đội Không quân luôn nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 320 máy bay1, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, trong đó có 2 máy bay B.52. Điểm nổi bật là, Bộ đội Không quân đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang mà Bác Hồ giao phó “Mở mặt trận trên không thắng lợi”, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ tác chiến phòng không mang ý nghĩa chiến lược là bảo vệ miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải chiến lược và chiến đấu trong đội hình quân chủng, binh chủng hợp thành. Với tinh thần “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”, các đơn vị Bộ đội Không quân đã nỗ lực vượt bậc, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, làm phong phú thêm nền nghệ thuật quân sự của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ trận thắng đầu tiên (ngày 03 và 04 - 4 -1965) đến các chiến thắng liên tiếp trong suốt cuộc chiến tranh, đơn vị nào của Bộ đội Không quân cũng đánh thắng, lớp cán bộ, chiến sĩ nào của Bộ đội Không quân cũng lập công, trong tình huống ác liệt nào cũng đảm bảo xuất kích là tiêu diệt địch. Chúng ta đã đánh thắng địch cả trên trời, dưới đất và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, đánh sâu vào tận hậu cứ địch, bắn rơi nhiều máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng ngời phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận đối không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa cách mạng nước ta với cách mạng Lào và Cam-pu-chia, KQND Việt Nam đã tận tình giúp đỡ Bạn trong xây dựng lực lượng, đào tạo nhiều cán bộ, chiến sĩ Không quân cho Bạn. Lực lượng Không quân ta cũng không quản ngại hy sinh, luôn sát cánh cùng lực lượng của Bạn cơ động chiến đấu, góp phần giúp Bạn giành được độc lập, tự do, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả và lợi ích cách mạng của 3 nước anh em.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, KQND Việt Nam và 27 lượt đơn vị, 39 cá nhân đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, 1 đơn vị được tuyên dương 3 lần, 4 đơn vị được tuyên dương 2 lần, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là nguồn cổ vũ động viên rất lớn, niềm vinh dự tự hào đối với Bộ đội Không quân nói riêng, Quân đội ta nói chung.

Hiện nay và trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, đòi hỏi lực lượng Không quân phải xây dựng hiện đại (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng). Từ mục tiêu, yêu cầu đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân có các giải pháp đồng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Quân chủng, trong đó có lực lượng Không quân ra sức phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ Quân chủng lần thứ VIII nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những năm tiếp theo.

Trước hết, phải chăm lo xây dựng lực lượng Không quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Đây là bài học thành công, nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ chiến đấu của Bộ đội Không quân. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Bộ đội Không quân đã xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo, bám chắc phương châm “Lấy ít đánh nhiều, tranh thủ thời cơ, bí mật bất ngờ, đánh chắc, đánh thắng ngay từ trận đầu”; nhờ đó, dù còn non trẻ, nhưng đã buộc không lực Hoa Kỳ phải khuất phục. Ngày nay, đất nước tuy có hòa bình, nhưng các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”; đồng thời, sẵn sàng “tạo cớ” để tiến hành chiến tranh xâm lược khi có thời cơ. Mặt khác, tình hình thế giới, khu vực, nhất là trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Vì thế, xây dựng Quân chủng nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là hết sức cấp thiết. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội, Quân chủng, của KQND Việt Nam. Trong bối cảnh chịu sự tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, đặc thù ngành nghề đòi hỏi khắt khe, tính đồng bộ và tính khoa học cao trong tổ chức hoạt động, cần trang bị cho bộ đội phương pháp luận khoa học; từ đó giúp họ xác định rõ vinh dự, trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần, tâm lý vững vàng, ý thức tổ chức, kỷ luật, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, quan điểm quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, VK,TB trong biên chế và nắm chắc nghệ thuật quân sự, cách đánh của Bộ đội Không quân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần khắc phục triệt để khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị. Trên cơ sở đó, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, chú trọng nghiên cứu bố trí thế trận không quân liên hoàn, vững chắc; kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Thực tiễn những cuộc chiến tranh vừa qua trên thế giới cho thấy, nếu xâm lược nước ta, kẻ địch sẽ sử dụng ưu thế về VK,TB có trình độ công nghệ cao để tiến hành tiến công đường không quy mô, cường độ lớn, kết hợp với tác chiến điện tử mạnh; đồng loạt đánh vào các mục tiêu chiến lược trọng yếu của ta để “giành thắng lợi mau chóng”. Vì thế, việc xây dựng, tạo lập thế trận phòng không – không quân vững chắc là yếu tố quan trọng có tính quyết định đến khả năng chiến đấu và giành thắng lợi. Hiện nay, các đơn vị Không quân đã được bố trí rộng khắp, trải dài trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, kết hợp với thế trận chiến tranh nhân dân trên cả nước và trên từng địa bàn chiến lược, ưu tiên cho các khu vực, hướng trọng điểm (biển, đảo), tạo thành thế “liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, nhiều tầng, nhiều tuyến”, đảm bảo khả năng tác chiến hiệp đồng các quân chủng, binh chủng cũng như tác chiến độc lập dài ngày trên từng vùng, miền để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc khi có tình huống xảy ra. Các đơn vị Không quân cần coi trọng kiện toàn tổ chức biên chế theo quy định, làm tốt công tác huấn luyện, đổi mới giáo trình, giáo án, nội dung, phương pháp, tập trung đột phá vào nâng cao trình độ chỉ huy - tham mưu, chỉ huy tác chiến đường không, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay cho đội ngũ cán bộ chỉ huy - tham mưu; huấn luyện các khoa mục bay ứng dụng chiến đấu, chuyển loại, tiếp thu, sử dụng có hiệu quả VK,TB cải tiến và trang bị mới, đảm bảo an toàn bay. Chủ động phối hợp với các đơn vị bạn, nhất là Phòng không, Hải quân, Cảnh sát biển, bộ đội địa phương để thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh các văn kiện chiến đấu, kế hoạch quản lý bầu trời, quản lý điều hành bay; luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến chống chia cắt chiến lược, chống phong tỏa đường không, chống tiến công đường không, kể cả tiến công đường không kết hợp tiến công đường biển và đường bộ. Thường xuyên tổ chức các chuyến bay quan sát, trinh sát, tuần tra biển và sẵn sàng làm các nhiệm vụ đột xuất (phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn); đẩy mạnh công tác dân vận, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận khu vực phòng thủ địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn nơi đóng quân. Các đơn vị Không quân duy trì nghiêm các chế độ quy định sẵn sàng chiến đấu, nhất là trực ban, trực chiến đấu, trực kỹ thuật, quản lý bầu trời, điều hành bay, kiên quyết không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ.  

Là lực lượng được đầu tư trang bị nhiều loại VK,TB hiện đại, quý hiếm, nên nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không, khả năng khai thác, sử dụng các loại VK,TB đó là một yêu cầu quan trọng của xây dựng hiện đại. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng chú trọng nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật có trí thông minh sáng tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi để khai thác hết tính năng kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo VK,TB có trong biên chế. Quân chủng nghiên cứu tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có chương trình hợp lý trong xây dựng, nâng cấp cơ sở đảm bảo kỹ thuật hàng không, từng bước tự chủ trong đảm bảo kỹ thuật; xây dựng, nâng cấp hệ thống kho, xưởng, trạm, các phương tiện che đậy để các loại VK,TB được bảo quản đúng quy trình; đầu tư các dây chuyền sửa chữa máy bay, VK,TB và sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế… Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện có hiệu quả các đề án sửa chữa, tăng hạn và cải tiến VK,TB hiện có. Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại quân sự, nhằm tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đối tác trong đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, quản lý, điều hành bay… Trong đó, chú trọng quan hệ với các nước bạn hàng truyền thống, các nước XHCN, các nước láng giềng, khu vực, tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng KQND Việt Nam hiện đại.  

Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành: “Trung thành vô hạn; Tiến công kiên quyết; Đoàn kết hiệp đồng; Lập công tập thể”, Bộ đội Không quân tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.

 

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN THỌ

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ

 

                  

1 - Trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng Phòng không - Không quân và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.