QPTD -Thứ Năm, 16/08/2012, 09:05 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ở huyện Mù Cang Chải

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh mà huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã tạo được những chuyển biến tích cực cả về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như quốc phòng, an ninh.

Mù Cang Chải1 là huyện có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH) và quốc phòng - an ninh (QP-AN) của tỉnh Yên Bái và khu vực. Quán triệt quan điểm của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, trực tiếp là của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái, Huyện ủy, UBND huyện Mù Cang Chải chủ trương: “...đẩy mạnh phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo gắn chặt với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh vững chắc. Coi đây là nhiệm vụ chính trị, là yêu cầu quan trọng đảm bảo cho Huyện phát triển bền vững, thực hiện được mục tiêu xoá đói, giảm nghèo2.

alt
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mù Cang Chải tu sửa hàng rào giúp thầy trò Trường tiểu học xã Nậm Khắt. (nguồn: baoyenbai.com.vn)
 

Để thực hiện tốt chủ trương đó, Huyện ủy, UBND Huyện xác định: tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN  là giải pháp cơ bản, quan trọng để tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN trên địa bàn. Trong quá trình giáo dục, Huyện chỉ đạo các cấp phải có nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, địa bàn. Nội dung giáo dục phải toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào quán triệt làm cho mọi người nhận thức đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Huyện yêu cầu các cấp phải tăng cường giáo dục QP-AN cho các đối tượng, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong các dòng họ. Qua đó, giúp họ nắm chắc Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư (khoá XI) về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ”; Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ về “Công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương”; Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Chỉ thị 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương. Huyện chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, trước hết là với Đài Phát thanh - Truyền hình, Phòng Văn hoá và Thông tin Huyện xây dựng các chuyên mục tin, bài phản ánh việc kết hợp nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, công tác QS,QP của các cấp, nhất là lực lượng vũ trang địa phương. Đồng thời, các cấp chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; vai trò của các tổ đội công tác… trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Qua đó, làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ được sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; thực hiện định canh, định cư, ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất, tham gia bảo vệ thôn (bản), phòng, chống tệ nạn xã hội, trồng, buôn bán, tàng trữ cây thuốc phiện và chất ma tuý; phòng, chống cháy rừng; tích cực đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là việc truyền đạo trái pháp luật, di, dịch cư tự do, đòi thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông”…

Việc kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN luôn được thể hiện rõ trong nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN của Huyện ủy, UBND Huyện, nhất là trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của địa phương, từng ngành, xã (thị trấn), thôn (bản). Hằng năm, trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy, UBND Huyện ban hành văn bản về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN ở địa phương; cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn có hiệu quả, Huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu kinh tế: nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, thương mại - dịch vụ theo hướng phát triển toàn diện, bền vững; chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên đất, nguồn nước, nhân lực vừa đảm bảo phát triển KT-XH, vừa huy động được sức người, sức của tại chỗ cho việc tăng cường QP-AN, nhất là thực hiện tốt các nhiệm vụ QS,QP khi có tình huống. Huyện chủ trương đột phá vào quy hoạch phát triển kinh tế đồi, rừng, gắn với chăn nuôi gia súc bán công nghiệp, quy mô vừa và nhỏ; áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, phá vỡ thế tự cung, tự cấp; sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung phát huy tối đa các nguồn lực của Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn III, các chương trình, đề án phát triển KT-XH của Trung ương, của Tỉnh, các nguồn lực tại chỗ, để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, như: điện, đường, trạm xá, bưu điện văn hoá, chợ nông thôn. Với phương châm đầu tư có trọng điểm, ưu tiên những khu vực có lợi thế về dân cư, giao thông, môi trường kinh doanh, Huyện tập trung mở rộng thị trấn Mù Cang Chải; đẩy mạnh xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống kênh mương, đảm bảo nước tưới cho 100% diện tích lúa và hoa màu; thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng đường giao thông nông thôn, đảm bảo 100% đường từ Quốc lộ 32 đến các trung tâm xã, 70% đường thôn (bản) đi được xe máy và 30% đi được ô tô. Huyện chú trọng đầu tư, củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, xây dựng hệ thống trường học ở các bậc học3. Các công trình này vừa bảo đảm cho mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, vừa hình thành hệ thống đường cơ động, công trình phòng thủ phục vụ cho nhiệm vụ QP-AN. Trong phát triển kinh tế tư nhân, Huyện yêu cầu phải đảm bảo được các yếu tố vừa thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa tăng cường được nguồn lực, thế trận, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng du lịch sinh thái (khu vực “Danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia” ở các xã: Nậm Khắt, Chế Tạo) gắn với hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ tuyến du lịch Yên Bái - Lai Châu - Lào Cai. Để làm được điều đó, trong quy hoạch tổng thể của địa phương, các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành, như: giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông, điện lực, y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ... Huyện ủy, UBND Huyện yêu cầu các cơ quan chức năng (nhất thiết phải có cơ quan quân sự, công an) tổ chức chặt chẽ khâu thẩm định, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên địa bàn. Đến nay, cơ cấu kinh tế của Huyện chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp đạt 53%; công nghiệp - xây dựng đạt 20%; thương mại - dịch vụ đạt 27%; tình hình KT-XH trên địa bàn không ngừng phát triển4, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng đời sống mới, tạo điều kiện cho việc tăng cường QP-AN.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH, Huyện ủy, UBND Huyện luôn coi trọng việcchăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đó, Huyện ủy, UBND Huyện chú ý nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác QP-AN; bảo đảm cho việc phát triển KT-XH của Huyện luôn gắn chặt với tăng cường tiềm lực QP-AN trên địa bàn. Huyện tập trung tăng cường tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ, đảm bảo “xã bảo vệ được xã, huyện bảo vệ được huyện”; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, phương án và các kế hoạch tác chiến; phòng chống bão, lụt, cháy rừng; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… Huyện xác định: xây dựng khu vực phòng thủ phải đảm bảo có chiều sâu, ngày càng vững chắc; từng bước hoàn thiện căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; tổ chức tốt việc luyện tập, diễn tập các phương án theo kế hoạch; thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn.

Huyện coi việc xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh toàn diện là yêu cầu cơ bản, quan trọng nhằm tăng cường QP-AN địa phương. Cấp ủy các cấp tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt với LLVT địa phương; chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực chuyên môn của cơ quan quân sự, công an; xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức mạnh tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa Công an với Quân đội theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong trao đổi thông tin, phối hợp đẩy mạnh đấu tranh ngăn ngừa mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng dân quân, tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, tổ chức thực hiện đúng Luật Dân quân tự vệ, có số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng chính trị5. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng và tổ chức hoạt động đúng với Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; các khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý, đảm bảo phương tiện, vật tư, kỹ thuật, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chế độ, chính sách… được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

NGÔ THANH GIANG

Bí thư Huyện ủy

                  

1 - Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái; có diện tích tự nhiên trên 1 nghìn km2; dân số trên 5 vạn người; trong đó dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nghèo tài nguyên thiên nhiên, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp.

2 - Đảng bộ Mù Cang Chải - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII.

3 - Đến năm 2011, lớp học kiên cố và bán kiên cố đạt 65%; giáo viên đạt chuẩn 98%; trường học được kết nối mạng internet là 93%; có 04 trường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học là…

4 - Từ  2006-2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 11,45%; trong đó: nông - lâm nghiệp tăng 08%, công nghiệp - xây dựng tăng 21%, thương mại - dịch vụ tăng 22%; số hộ đói nghèo giảm bình quân hằng năm 07%.

5 - Dân quân, tự vệ: 100% cơ sở tổ chức lực lượng dân quân, tự vệ theo quy định, quân số chiếm 2,05% dân số; đảng viên đạt 19,4%...

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.