Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:05 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Kết hợp công tác nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Chính trị, được Đảng uỷ, Ban Giám đốc thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vị thế của Học viện và chất lượng giáo dục và đào tạo cán bộ chính trị của Quân đội.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, thế mạnh của các lực lượng trong tham gia nghiên cứu khoa học, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển của giáo dục và đào tạo trong từng giai đoạn. Căn cứ vào nhiệm vụ của từng năm, Học viện, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, định hướng nghiên cứu và phương hướng hoạt động nghiên cứu khoa học. Phòng Khoa học quân sự đề cao trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện, quản lý, đưa công tác nghiên cứu khoa học vào nền nếp, đúng kế hoạch, quy định, thu hút đông đảo lực lượng tham gia. Các đề tài nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; phạm vi nghiên cứu được mở rộng, nội dung nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao; chú trọng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, tổng kết thực tiễn, biên soạn giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận1.
Công tác quản lý, thông tin khoa học, biên tập xuất bản “Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự” được các cơ quan, đơn vị thực hiện nền nếp, đúng quy chế, quy định. Học viện đã phối hợp, tổ chức nhiều hội thảo khoa học có tính thời sự và ý nghĩa thiết thực, thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, cán bộ, giảng viên, học viên tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận về khoa học chính trị, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về lĩnh vực quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội về chính trị. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu khoa học đã cung cấp cơ sở cho sự phát triển, hoàn thiện mô hình, mục tiêu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; tính khoa học trong các khâu, các bước của quá trình đào tạo được nâng lên. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên được nâng cao; bảo đảm tính chính trị, tư tưởng, khoa học và tính thực tiễn trong giảng dạy; tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, đạt chất lượng và hiệu quả. Tuyệt đại bộ phận cán bộ chính trị được đào tạo tại Học viện, sau khi tốt nghiệp, trên từng cương vị công tác luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ, có uy tín cao, thể hiện vị thế của cán bộ chính trị theo tinh thần Nghị quyết 51-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX), góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.
Tuy nhiên, căn cứ mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra, việc gắn nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo vẫn còn một số hạn chế; một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ, đối tượng tham gia chưa rộng, nhất là học viên; có đề tài chất lượng còn hạn chế; đề tài nghiên cứu phát triển lý luận chưa nhiều.
Trước yêu cầu đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh việc kết hợp nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định phải giải quyết đồng bộ nhiều khâu, nhiều yếu tố; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về mối quan hệ giữa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo. Thực tiễn cho thấy, sự trưởng thành và lớn mạnh của Học viện chính là sự giải quyết thành công, gắn bó chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ này. Nghiên cứu khoa học đã góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cập nhật những tri thức mới, giúp cho quá trình giáo dục và đào tạo mang hơi thở thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả cao hơn. Giáo dục và đào tạo không chỉ phổ biến, truyền bá và chiếm lĩnh những tri thức khoa học, mà còn giúp người học phát triển tư duy, khả năng nghiên cứu sáng tạo những tri thức mới. Đối với đội ngũ giảng viên có học vị, học hàm, việc nghiên cứu khoa học càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, các cơ quan, khoa, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị về giáo dục và đào tạo2. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh kết hợp nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo bằng những biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Hai là, đưa kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học vào các khâu, các bước của quá trình đào tạo. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy công tác này chỉ có ý nghĩa khi kết quả của nó được ứng dụng thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo. Nói cách khác, các yếu tố đó sẽ được chuẩn hóa và kết tinh trong cả nội dung, phương pháp và là tác nhân trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo. Theo đó, giảng viên không những phải làm rõ nội dung trọng tâm của bài giảng mà phải trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học để phân tích bản chất, quy luật, chân lý, làm sâu sắc hơn những nội dung truyền thụ cho người học và biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giáo dục và đào tạo. Đồng thời, trong giảng dạy, giảng viên phải biết khơi dậy, phát huy trí tuệ, tính độc lập, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; làm tốt vai trò “trọng tài” để định hướng, gợi mở và đưa ra kết luận trên cơ sở hiểu biết sâu rộng về kiến thức và sự chuẩn xác khoa học về phương pháp, làm cho quá trình dạy học thực sự là quá trình mang tính khoa học cao. Có như vậy, mới thực sự lôi cuốn người học vào nghiên cứu khoa học, nhằm làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn mới cần giải quyết; tích cực tìm tòi, đưa ra chính kiến, xây dựng luận cứ khoa học để lý giải và bảo vệ chính kiến của mình. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và học tập cũng phải có quy trình khoa học chặt chẽ, bảo đảm khách quan, dân chủ; đề cao sự đào sâu, khám phá, sáng tạo trong cách tiếp cận, cập nhật thông tin, tri thức mới; khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong đánh giá kết quả; tạo động cơ, sự hứng thú cho người học. Cùng với đó, các cơ quan, khoa, đơn vị phải đổi mới khâu tổ chức và quản lý lớp học theo phương pháp dạy - học hiện đại. Cán bộ quản lý cần thường xuyên bồi dưỡng và giúp người học hình thành nhu cầu, phương pháp nghiên cứu khoa học trong quá trình tự học; biểu dương những tấm gương nghiêm túc, cần cù, chịu khó, trung thực, có ý tưởng táo bạo, dũng cảm trong tìm tòi, sáng tạo, bảo vệ chân lý khoa học.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị của Quân đội trong thời kỳ mới, tạo nhu cầu cấp thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Trước hết, công tác giáo dục và đào tạo phải đón trước và phục vụ cho yêu cầu xây dựng, phát triển về tổ chức, biên chế, trang bị, phương thức tác chiến của Quân đội; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng hiện nay. Từ đó, đặt ra mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; chuẩn hóa tiêu chí cán bộ chính trị của Quân đội trong thời kỳ mới, làm căn cứ xây dựng mô hình, mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp. Đồng thời, tạo sự thống nhất, chuẩn hóa về kiến thức giữa cán bộ Quân đội với công chức nhà nước; bảo đảm cho cán bộ Quân đội vừa có kiến thức cơ bản, trình độ tương ứng với các nhóm, ngành đào tạo, vừa có trình độ chuyên môn, chuyên ngành quân sự và công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ trước mắt và lâu dài. Vì vậy, yêu cầu cán bộ, giảng viên, học viên phải bám sát quá trình đào tạo, thực tiễn đơn vị, Quân đội, đất nước để phát hiện vấn đề, xây dựng đề tài, chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, nhằm cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn để Học viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu kết hợp nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo. Trước mắt, tập trung củng cố, kiện toàn hội đồng khoa học và đào tạo các cấp, cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học, phát huy hiệu quả thực tế, tránh hình thức, đơn giản trong hoạt động. Học viện cần bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định về kết hợp nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo. Ở từng cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các biện pháp thực hiện, phát huy vai trò của các lực lượng trong nghiên cứu khoa học; duy trì nền nếp, xây dựng môi trường hoạt động và sinh hoạt khoa học sôi nổi, rộng khắp, dân chủ, phù hợp với nhu cầu và trình độ các đối tượng; tạo động lực, thu hút cán bộ, giảng viên ở các loại hình đào tạo tích cực tham gia. Cơ quan quản lý khoa học cần đổi mới, bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, đảm bảo yêu cầu trước mắt và có tính cơ bản, lâu dài, cụ thể, chi tiết đến từng đề tài, làm cơ sở để triển khai đồng bộ, thống nhất. Các khâu thẩm định, xét duyệt đề cương, tổ chức nghiên cứu, hoàn chỉnh, nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách, tạo sự ràng buộc, huy động được trí tuệ và năng lực của các lực lượng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học; trong đó, ưu tiên triển khai các đề tài phục vụ trực tiếp nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Thực hiện tốt các giải pháp trên đây, chắc chắn công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo của Học viện sẽ ngày càng phát triển và gắn bó chặt chẽ với nhau, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng với vị thế và truyền thống của Học viện Chính trị - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong 64 năm qua.
Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH MINH, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng ________________________
1 - Trong 05 năm (2010 - 2015), Học viện đã chủ trì nghiên cứu 04 công trình khoa học cấp quốc gia; 10 đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng; 30 đề tài khoa học cấp ngành; 02 chương trình khoa học và 66 đề tài khoa học độc lập cấp Học viện; 32 đề tài cấp Viện Khoa học xã hội nhân văn Quân sự; 80 đề tài cấp phòng, khoa, hệ; 34 đề tài lịch sử quân sự và 420 đề tài, chuyên đề khoa học của học viên, v.v.
2 - Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định 418/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020”; Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW, ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới”, Nghị quyết 769-NQ/QUTW, ngày 21-12-2012, về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, v.v.
Học viện Chính trị,nghiên cứu khoa học,giáo dục,đào tạo
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng