QPTD -Thứ Ba, 30/11/2021, 07:57 (GMT+7)
Huyện Đồng Văn gắn phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh

Đồng Văn là huyện miền núi, biên giới, nơi cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Tỉnh và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện đã quán triệt, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch,…với các nội dung, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa bàn; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân trong triển khai thực hiện, thu được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế hằng năm của Huyện có tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc; đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm 6,27%/năm; tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân từng bước được tăng cường; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Huyện được nâng cao; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, v.v.

Hội nghị phối hợp giữa các lực lượng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ

Tuy vậy, do điều kiện địa lý, lịch sử và xuất phát điểm thấp, hiện tại, Huyện vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh; sự thay đổi trong chính sách biên mậu của nước bạn; các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm xuyên biên giới,... trên địa bàn tiềm ẩn phức tạp. Trước thực tế đó, quán triệt, thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm và 03 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ XXI về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Đồng Văn đến năm 2025, định hướng đến năm 2045”, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mạnh sang phương thức phát triển “xanh, bền vững, giàu bản sắc dân tộc”; đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu đó, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu “an dân” trên địa bàn. Quán triệt, thực hiện phương châm: xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ủy ban nhân dân Huyện đã xây dựng 02 Chương trình hành động về cải tạo vườn tạp, phát triển cây trồng hàng hóa tập trung chất lượng cao gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Huyện chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ các khâu sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch vùng phát triển sản xụất phù hợp với điều kiện tại các xã, thị trấn; chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Được sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, những năm qua, Huyện đã chuyển đổi hàng trăm héc ta đất rừng sang trồng ngô, nâng tổng diện tích cây lương thực toàn huyện lên 6.215 ha, sản lượng ước đạt 23.626 tấn/năm; trồng mới 104,8 ha cỏ chăn nuôi; 82,5 ha cây ăn quả (lê, mận, đào, hồng, táo mèo); 28,1 ha cây dược liệu; 144,7 ha lúa Khẩu Mang,… góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tăng khả năng tích lũy hậu cần tại chỗ cho khu vực phòng thủ. Từ kết quả bước đầu nhưng rất quan trọng đó, thời gian tới, Huyện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình khoa học công nghệ, gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2020 – 2025, trọng tâm hướng vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình “03 cây, 04 con”1, Chương trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân. Tiếp tục tổ chức khảo sát, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ 05 sản phẩm OCOP cấp Tỉnh năm 20212; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực đạt trên 27.000 tấn/năm; có ít nhất 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm.

Thực hiện khâu đột phá đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế “xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc”, Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, lưu trú,... phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, biên giới, sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong đó, coi trọng phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn, cùng những nét văn hóa truyền thống của địa phương. Thời gian qua, Huyện đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư vào các danh lam thắng cảnh: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, gắn với Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Gầu Tào,... tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng du khách đến địa bàn Huyện đạt 1,7 triệu lượt; doanh thu trên 150 tỉ đồng, góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, ổn định dân cư và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Huyện tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Đồng Văn dựa trên giá trị văn hóa truyền thống của 17 dân tộc, các di tích, danh thắng và giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường khách du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, quốc tế, mang lại hiệu quả nhiều mặt, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, Huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường từ thị trấn Phó Bảng - Mốc 379 - xã Phố Là; xây dựng bãi tập kết hàng hóa, đỗ xe tại các lối mở; củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả chợ tại các xã, thị trấn biên giới, mở rộng kinh tế biên mậu, giao thương, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại3. Huyện quan tâm làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đến đầu tư, làm ăn; tích cực huy động các nguồn lực khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng, quản lý lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ.

Hiện nay, trên địa bàn Huyện có hàng chục đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đều đang mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng 10 tháng của năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Huyện ước đạt 137 tỉ đồng, đạt 89,2% kế hoạch năm. Điển hình có các hợp tác xã sản xuất, chế biến mật ong Bạc Hà Hà Anh, Phong Hưởng, Thành Đô; Rượu Thiên Hương và hệ thống các Làng nghề truyền thống: May mặc (xã Phó Bảng, Phố Cáo); thêu dệt (Lũng Cú, Sà Phìn); đan lát (Sính Lủng); Làng nghề làm khèn Mông (Hố Quáng Phìn), rèn đúc (Tả Lủng), hương nhang sạch (Sảng Tủng), chạm khắc bạc (Sủng Là), v.v. Bên cạnh đó, Huyện ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: điện, đường, trường, trạm, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết nối liên hoàn các địa phương, vùng, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển hệ thống phòng thủ dân sự, xây dựng khu vực phòng thủ Huyện ngày càng vững chắc.

Cùng với thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ  quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc về chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực trọng điểm; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với quy hoạch phát triển của Tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ theo lộ trình, phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, diễn tập phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng,... nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò làm tham mưu của cơ quan Quân sự, Công an, ban, ngành và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương.

Cùng với các nội dung giải pháp trên, Huyện chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách với người có công; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ; tích cực triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, y tế, lao động, giảm nghèo bền vững tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường củng cố, mở rộng giao lưu đối ngoại, hợp tác toàn diện với các hương, trấn Phú Ninh, Malypho (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) trên các lĩnh vực, nhất là hoạt động giao lưu hữu nghị truyền thống, quản lý biên giới, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DINH CHÍ THÀNH, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện
­­­­­_____________

1 - 03 cây gồm: cây dược liệu, cây lê, cây tam giác mạch; 04 con gồm: con bò, con dê, đàn ong, con lợn.

2 - Mật ong bạc hà Hà An 500 ml - Hợp tác xã Hà An; bún tam giác mạch - Hợp tác xã Bắc Nam; quả lê, phở khô Sâm khoai - Hợp tác xã Po Mỷ; Bánh đá - Cơ sở Lý Thị Viễn; Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú - Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú.

3 - Trong 9 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 400 tỉ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.