QPTD -Thứ Hai, 27/01/2014, 09:47 (GMT+7)
Huyện Châu Thành đẩy mạnh thực hiện công tác quốc phòng, quân sự

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Đảng bộ huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Vì vậy, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Khai mạc Hội thao thể thao quốc phòng DQTV huyện Châu Thành năm 2013
(Nguồn: chauthanh.haugiang.gov.vn)

Nằm ở phía Tây Bắc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên hơn 22.992 ha; số dân hơn 238.000 người, chủ yếu là dân tộc Kinh. Huyện được xem như cửa ngõ của tỉnh Tiền Giang hướng về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm đầu cầu của thành phố Mỹ Tho hướng về phía Bắc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Thành đã có những bứt phá đi lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN). Trong đó, công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS là, Huyện đã từng bước xây dựng tiềm lực và sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD); chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tạo thuận lợi cho Huyện thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo các mục tiêu đã được xác định. Để có được kết quả đó, Huyện luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN; gắn các dự án phát triển KT-XH với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ Huyện.

Để gắn kết chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, Huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tham mưu giúp Huyện ủy, UBND Huyện lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ngay từ trong quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển KT-XH của Huyện và của từng ngành. Các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH của từng ngành, từng vùng, từng khu vực, nhất là trong lĩnh vực: công nghiệp, giao thông, bưu chính viễn thông, cơ khí, chế tạo, đào tạo, đóng tàu, điện tử, luyện kim, hóa chất, xây dựng nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm, sản phẩm từ thủy sản, du lịch sinh thái miệt vườn,… bảo đảm yêu cầu vừa phục vụ dân sinh thời bình, vừa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong thời chiến. Hiện nay, Huyện đang tập trung triển khai thực hiện một số dự án cụ thể về phát triển KT-XH kết hợp với QP-AN giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng kinh tế I, II và III1 kết hợp với QP-AN, Huyện ưu tiên quy hoạch xây dựng hệ thống các trục đường giao thông chính, kết hợp với trục Quốc lộ 1A và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nhằm phát triển mạng giao thông bộ thông suốt trên địa bàn Huyện; phát triển trục kinh tế đô thị Tân Hương, Tân Hiệp, Tam Hiệp, Long Định, Vĩnh Kim, Bình Đức,... Đồng thời, Huyện còn coi trọng phát triển mạng giao thông đối ngoại hướng về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống giao thông đường huyện, đường đô thị, đường nông thôn, đường trong các cụm công nghiệp. Ngoài ra, Huyện còn có tuyến giao thông đường thủy dài hàng chục ki-lô-mét trên sông Tiền, sông Rạch Gầm và kênh Xáng… phục vụ nhu cầu việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy,... Huyện đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn là 685 km, chỉ số giao thông là 2,0 km/km2 và 22 m2 đất giao thông/người. Các dự án, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng vùng đô thị, nông thôn đều được gắn với yêu cầu về QP-AN, nhất là quy hoạch xây dựng thế trận quân sự. Trong đó, quy hoạch phát triển công nghiệp của Huyện được gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là khu công nghiệp Tân Hương (197 ha), khu công nghiệp Song Thuận (57,9 ha). Quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng bảo đảm an ninh lương thực vững chắc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tích lũy cho nhu cầu của khu vực phòng thủ huyện. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp hướng vào việc trồng cây phân tán khu vực kinh tế vườn, góp phần tạo thế bố trí lực lượng và thế trận QP-AN. Trên cơ sở đó, Huyện chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu giúp Huyện ủy, UBND Huyện bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhằm tạo nguồn lực lượng và nguồn bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ, hình thành thế trận QPTD liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng chuyển từ sản xuất thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ chiến đấu theo yêu cầu đặt ra.

Những năm qua, Huyện còn tập trung xây dựng, nâng cao sức mạnh tổng hợp của LLVT, để lực lượng này thực sự làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD trên địa bàn. Trong đó, tập trung xây dựng cơ quan quân sự, Công an Huyện vững mạnh toàn diện, đủ năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QP,QS địa phương. Trong tổ chức thực hiện, Huyện tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế; chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chủ trì; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, tăng cường vai trò tiền phong, gương mẫu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, chỉ đạo cơ quan quân sự, công an thường xuyên bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và khả năng chuyên môn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Huyện phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ trong dự nguồn biết sử dụng vi tính và ngoại ngữ, 70% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, 100% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có trình độ đại học chuyên ngành và có kiến thức KT-XH. Riêng cán bộ của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy tập trung vào việc kiện toàn biên chế, bảo đảm về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lực lượng DQTV được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, phù hợp với địa bàn, đúng Luật DQTV; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng về chính trị của lực lượng dân quân cơ động, dân quân binh chủng. Mục tiêu phấn đấu của Huyện đến năm 2015 là: số đảng viên trong lực lượng DQTV đạt 18%; 100% Ấp đội trưởng, Trung đội trưởng dân quân phải là đảng viên; 60% chi bộ quân sự có cấp ủy; 100% xã (thị trấn) đạt 10 tiêu chí vững mạnh về QP,QS địa phương; 100% cán bộ Ban CHQS xã (thị trấn) qua đào tạo trung cấp quân sự. Cùng với đó, Huyện còn triển khai có nền nếp công tác tổ chức, xây dựng lực lượng dự bị động viên; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn tiến hành sắp xếp quân nhân dự bị; xây dựng kế hoạch đào tạo sĩ quan dự bị, chuyển chuyên nghiệp quân sự. Đồng thời, đăng ký, quản lý chặt chẽ các loại phương tiện kỹ thuật; quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Đối với lực lượng Công an, Huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an có phẩm chất, đạo đức cách mạng, giỏi nghiệp vụ chuyên môn. Các LLVT của Huyện được tổ chức huấn luyện, diễn tập nghiêm túc theo đúng quy định, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ QP,QS, Huyện chỉ đạo các xã (thị trấn) và cơ quan chức năng thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, nhất là kế hoạch mở rộng lực lượng DQTV trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và trạng thái quốc phòng; nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng DQTV. Thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Huyện chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với lực lượng quân sự và các ngành liên quan làm tốt vai trò tham mưu giúp Huyện ủy, UBND Huyện đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, chủ động ngăn chặn, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn Huyện.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ QP,QS địa phương, Huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN), thông qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, Huyện ủy, UBND Huyện đều ban hành các công văn, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS; trong đó, có việc triển khai công tác GDQP&AN  tới các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của Huyện. Nội dung tập trung thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ,… về công tác GDQP&AN trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX và khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Hội đồng GDQP&AN Huyện và Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự kiêm GDQP&AN các xã (thị trấn) thường xuyên được kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động. Công tác GDQP&AN cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo được thực hiện tốt. Ngoài số cán bộ được cử đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo chỉ tiêu trên giao, Huyện đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên theo phân cấp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các xã (thị trấn). Huyện đặt chỉ tiêu trong mỗi nhiệm kỳ 100% cán bộ, đảng viên đều được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định. Bên cạnh đó, Huyện còn chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với Đài Truyền thanh Huyện và các xã kịp thời tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật DQTV, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên,... và các quy định ở địa phương. Nhờ vậy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Huyện đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được nâng lên. Đó là cơ sở quan trọng để huyện Châu Thành thực hiện tốt nhiệm vụ QP,QS địa phương, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH.

PHẠM ANH TUẤN

Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy
_____________

1 - Vùng I: khu vực Đông Bắc; Vùng II: khu vực Tây Bắc; Vùng III: khu vực phía Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.