QPTD -Thứ Hai, 07/04/2014, 16:19 (GMT+7)
Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Những năm qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này đòi hỏi phải tiếp tục tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Đối tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh

Thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ (BM,VN) ở Việt Nam rất nặng nề. Theo thống kê, trên toàn quốc có 10.500 xã thì có 9.284 xã bị nhiễm BM,VN, với diện tích hơn 6,6 triệu héc-ta đất. Đó là những vùng đất tồn sót BM,VN trong chiến tranh giải phóng và tiếp đó là chiến tranh, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả để lại của nó hết sức nặng nề về nhiều phương diện. Chỉ tính từ năm 1975 đến năm 2000, BM,VN còn sót lại đã làm 42.000 người bị chết và hàng vạn người bị thương. Có những địa phương, diện tích canh tác bị ô nhiễm BM,VN lên đến gần 50%, gây tâm lý hoang mang cho người dân, cản trở lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, v.v.

Ý thức sâu sắc điều đó, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom, mìn (KPHQBM). Mặc dù trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách và tích cực huy động các nguồn lực khác để đẩy mạnh việc KPHQBM. Qua đó, đã thu gom, xử lý hàng triệu BM,VN các loại, giải phóng hàng trăm nghìn héc-ta đất, góp phần tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do BM,VN gây ra; đồng thời, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, v.v.

Do lượng BM,VN sót lại là rất lớn, trên diện tích rộng, đa dạng, phức tạp, nên để làm “sạch” toàn bộ diện tích đất bị ô nhiễm BM,VN, KPHQBM sau chiến tranh một cách bền vững, cần phải có sự đầu tư rất lớn về kinh phí, công sức và thời gian. Trong đó, không chỉ có nỗ lực của Chính phủ, mà cần có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Trước những thách thức đó, để đẩy nhanh tiến độ KPHQBM sau chiến tranh, chúng ta cần huy động mạnh hơn nữa các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực, khoa học - công nghệ,… phục vụ cho công tác này. Theo đó, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tài trợ. Trong tình hình hiện nay, giải pháp này có ý nghĩa quan trọng thiết thực. Để thực hiện hiệu quả, cần phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông. Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia KPHQBM sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504), các Bộ, ngành chức năng và địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan báo chí trong tuyên truyền, giáo dục về thực trạng ô nhiễm BM,VN, Chương trình hành động quốc gia KPHQBM sau chiến tranh, cũng như kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá, KPHQBM,… nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ KPHQBM sau chiến tranh. Trong quá trình triển khai, cần đảm bảo sự gắn kết giữa các dự án KPHQBM với kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các địa phương; gắn kết Chương trình hành động quốc gia KPHQBM với các chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, xóa đói giảm nghèo,... nhằm huy động cao nhất các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương cho nhiệm vụ quan trọng này.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với phát huy nội lực, chúng ta cần chú trọng huy động các nguồn lực từ bên ngoài dưới các hình thức thông qua hợp tác với các đối tác, đây là hướng quan trọng trong KPHQBM tại Việt Nam. Theo tính toán, bằng nguồn lực trong nước và tiến độ rà phá bom mìn (RPBM) như hiện nay, thì đến năm 2050 mới giải phóng được 800.000 ha đất, tương đương 15,22% tổng diện tích bị ô nhiễm. Nếu có sự hỗ trợ từ bên ngoài với mức trung bình khoảng 100 triệu USD/năm thì diện tích đất được làm sạch sẽ tăng gấp 04 lần. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần chú trọng việc vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,… cùng chung tay KPHQBM ở Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta đã chủ động tiếp xúc, tuyên truyền, vận động tài trợ đối với một số nước, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ,… về KPHQBM và đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này còn ít, lại chủ yếu hướng vào phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân do BM,VN gây ra. Để huy động nguồn lực lớn hơn nữa từ quốc tế cho nhiệm vụ này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tài trợ; trong đó, chú trọng hướng tới các đối tác tích cực, tiềm năng để dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư, tài trợ, nhất là chính phủ các nước trực tiếp và gián tiếp tham chiến tại Việt Nam. Đồng thời, cần khéo léo, mềm dẻo kết hợp giữa vận động tài trợ với đấu tranh đòi công lý, như: đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về KPHQBM ở Việt Nam, lồng ghép tuyên truyền Chương trình 504 trong các cuộc thăm, gặp, hội đàm, hội thảo trong nước, khu vực và quốc tế của các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành,... Trước mắt, đẩy mạnh đấu tranh, vận động Chính phủ và Quốc hội Mỹ hỗ trợ giải quyết hậu quả bom mìn; triển khai xây dựng và ký kết Bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ; ký kết Khung hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế (UNDP) về KPHQBM,… Qua đó, tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nâng cao năng lực tài chính, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm cho nhiệm vụ này.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tài trợ, chúng ta cũng cần hoàn thiện các cơ chế quản lý, cơ chế điều phối các nguồn lực; kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng thuộc Ban Chỉ đạo chương trình 504. Thời gian qua, việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình 504, Trung tâm hoạt động KPHQBM Việt Nam (VBMAC) và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn là bước hết sức quan trọng và kịp thời để đảm bảo cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện KPHQBM chặt chẽ, nền nếp tạo sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, các địa phương, các đơn vị trực tiếp thực hiện được chặt chẽ hơn, cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội. Song, để phát huy cao nhất chức năng của từng bộ, ngành trong triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình, tăng cường đấu tranh, vận động thu hút được nhiều tài trợ quốc tế, cũng như sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho KPHQBM sau chiến tranh thì cần khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, cơ chế vận động tài trợ, cơ chế phối hợp điều hành cấp quốc gia cho công tác KPHQBM. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động RPBM; cơ chế quản lý điều phối cấp quốc gia để phân phối các nguồn lực trong nước và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các họat động dò tìm, xử lý bom mìn, Quy chế quản lý tài chính, Cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin, v.v.

Về tổ chức, cần sớm kiện toàn và đưa Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC) vào hoạt động. Qua kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và thế giới, để công tác KPHQBM sau chiến tranh có hiệu quả cao, các nước đều tổ chức một đầu mối chuyên trách cấp quốc gia. Khi VNMAC đi vào hoạt động, đây sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch KPHQBM dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trình phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, còn là đầu mối có đủ cơ sở pháp lý thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, trực tiếp vận động, tiếp nhận tài trợ quốc tế trong lĩnh vực KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam; kiểm soát toàn bộ hệ thống hoạt động theo dõi, giám sát chất lượng, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức thực hiện các dự án, nhiệm vụ RPBM, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn,… Đây là cơ sở quan trọng để chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế xem xét, tiếp xúc, tăng đầu tư, tài trợ cho RPBM, khắc phục triệt để tình trạng dự án chồng dự án, nhất là các tổ chức phi chính phủ đang triển khai ở các địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho nhiệm vụ này.

Hiện nay, do ta chưa hoàn thiện được bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên phạm vi toàn quốc, nên khi triển khai các chương trình phát triển kinh tế, dự án quốc phòng, an ninh..., có nhiều vùng, khu vực không bị nhiễm, hoặc đã được làm sạch BM,VN, nhưng các nhà đầu tư vẫn phải mất nhiều thời gian và kinh phí cho RPBM. Mặt khác, khi chúng ta tuyên truyền, vận động tài trợ hoặc các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam họ rất thiếu “thông tin” về bom mìn sót lại sau chiến tranh và hậu quả của nó. Vì vậy, để có chiến lược RPBM phù hợp, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiết kiệm kinh phí và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động tài trợ quốc tế cần sớm hoàn thành Dự án điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên phạm vi toàn quốc và Cơ sở dữ liệu KPHQBM quốc gia. Trước mắt, tổ chức chặt chẽ việc nghiệm thu kết thúc Dự án điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kinh phí cho khảo sát kỹ thuật để xác định khu vực thực sự bị ô nhiễm bom, mìn sau kết quả điều tra. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống thu thập, cập nhật thông tin KPHQBM đến từng địa phương, gồm: thông tin về các khu vực bị ô nhiễm BM,VN, các nạn nhân do BM,VN gây ra, thông tin về nhu cầu RPBM, kết quả các chương trình, dự án, nhiệm vụ KPHQBM do các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế thực hiện,... Từ đó, đề xuất kế hoạch ưu tiên RPBM đến năm 2015 và những năm tiếp theo, để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực và biện pháp dò tìm, xử lý, KPHQBM phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cần quản lý, chấp hành nghiêm các quy trình, quy định quản lý, kỹ thuật RPBM. Thực tế thời gian qua, việc rà phá BM,VN ở một số dự án có số lượng BM,VN thu được theo đăng ký rất nhiều, cơ bản đúng với dự toán, nhưng thực tế số lượng BM,VN được xử lý lại ít hơn. Như vậy có thể xảy ra hiện tượng tán phát số BM,VN thu gom được ra xung quanh, gây tái ô nhiễm, hoặc sót BM,VN sau thi công,… không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Do đó, khi triển khai dự án RPBM, các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, đến khảo sát, điều tra và tổ chức xử lý số BM,VN đã thu được; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Mặt khác, phải kiểm tra, thẩm định năng lực các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ RPBM. Các đơn vị thi công phải chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về RPBM, đảm bảo đúng tiến độ, đúng phương án kỹ thuật đã được phê duyệt. Sau mỗi dự án, cần thực hiện tốt công tác tổng kết, nghiệm thu đánh giá kết quả và lưu trữ theo quy định, nâng cao hiệu quả KPHQBM sau chiến tranh vì một Việt Nam “xanh, sạch” bền vững.

Thượng tá ĐẶNG VĂN AN, Chính ủy Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn

Bộ Tư lệnh Công binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.