QPTD -Thứ Năm, 16/11/2017, 13:48 (GMT+7)
Hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+ và vai trò của Việt Nam

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác1 (ADMM+) là một cơ chế hợp tác năng động, đặc thù, góp phần quan trọng vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Là quốc gia khởi xướng và tổ chức thành công Hội nghị (ADMM+) đầu tiên, Việt Nam đã, đang có đóng góp tích cực, hiệu quả vào cơ chế hợp tác quan trọng này.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 4. (Ảnh: qdnd.vn)

1. Trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các nước đối tác, ngày 24-10-2017, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 4 đã diễn ra tại thành phố Clark (Phi-lip-pin). Đây là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng, đặc thù để cùng với các cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo (ASEAN+1, ASEAN+3, ARF,…), góp phần thúc đẩy tiến trình hợp tác quốc phòng - an ninh không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của ADMM+ là xây dựng niềm tin, thúc đẩy hợp tác, nâng cao khả năng hóa giải thách thức, kiến tạo và duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Sau khi ra đời (năm 2010 tại Việt Nam) và qua 3 lần hội nghị, ADMM+ đã khẳng định là cơ chế quan trọng, diễn đàn thực chất hàng đầu, đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đối thoại, hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các nước đối tác, góp phần duy trì sự ổn định chung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Chính vì thế, ADMM+ lần này tiếp tục quy tụ đầy đủ lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng của các nước thành viên, nhất là sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng các nước, như: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Với cơ cấu và vị thế đó, ADMM+ lần thứ 4 tập trung thảo luận đánh giá kết quả hoạt động của các nhóm chuyên gia theo chương trình hành động của ADMM+ lần thứ 3 và dành nhiều thời gian để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng - an ninh ở khu vực và trên thế giới. Theo đó, các trưởng đoàn tham dự ADMM+ lần này đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao kết quả hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM+. Đồng thời, đại diện các nước thành viên cùng bày tỏ quan ngại việc gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan, những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên cùng những thách thức an ninh phi truyền thống khác, như: an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, ma túy, v.v. Điều đáng lưu ý là, vấn đề an ninh biển được các nước hết sức quan tâm; trong đó, nhiều nước nhấn mạnh việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong các tranh chấp trên biển; đồng thời, bày tỏ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Về vấn đề Biển Đông, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sau khi đạt được sự thống nhất về bộ khung Quy tắc này. Mặc dù còn một số khác biệt, nhưng ADMM+ lần thứ 4 đã đạt được kết quả quan trọng, nhằm hướng vào xây dựng lòng tin chiến lược và sự hợp tác thực tâm để xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và thế giới.

2. Với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế nói chung, trong cơ chế ADMM+ nói riêng, Việt Nam đã tham gia và chủ động đóng góp nhiều nội dung, sáng kiến quan trọng vào việc thiết lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương ở khu vực. Ngay từ khi hình thành diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương, thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần đầu tiên (năm 2006) tại Ma-lai-xi-a, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào Hội nghị này. Tiếp đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN (năm 2010), Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công 17 hội nghị quân sự, quốc phòng quan trọng của khu vực; chủ động tham vấn, đề xuất nhiều sáng kiến phù hợp với định hướng ưu tiên xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Đặc biệt, việc đưa ra ý tưởng, hiện thực hóa và tổ chức thành công Hội nghị (ADMM+) lần thứ nhất tại Việt Nam đã tạo sự đột phá và trở thành tiền đề quan trọng cho cơ chế hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại, đánh dấu sự ra đời của một cấu trúc an ninh khu vực đầy triển vọng, mở ra một cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương thiết thực, hiệu quả. Năm 2011, mặc dù không giữ cương vị Chủ tịch, nhưng bằng uy tín của mình, Việt Nam đã chủ đạo cùng các nước thành viên ASEAN đi đến đồng thuận cao, đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung tại ADMM lần thứ 5. Tuyên bố chung ghi rõ: “Tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và hợp tác hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử khu vực ở Biển Đông nhằm thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định ở khu vực”. Đây là lần đầu tiên, vấn đề Biển Đông được thống nhất đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM, một mặt, thể hiện rõ sự đoàn kết, đồng thuận, tinh thần trách nhiệm của ADMM trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh ASEAN và hội nhập khu vực; mặt khác, phản ánh quan điểm của Việt Nam trong xây dựng lòng tin, duy trì động lực để các nước thành viên ASEAN thống nhất sự khác biệt, tạo sự đồng thuận trong quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông.

Trong khuôn khổ cơ chế hợp tác ADMM+, Việt Nam chủ động tham gia thảo luận, tham vấn và có đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề nổi cộm ở khu vực, nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác quốc phòng đa phương, như: Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM), Hội nghị Nhóm công tác (ADSOM + WG) và Nhóm công tác chuyên gia (EWG). Trong đó, trọng tâm tham gia những lĩnh vực chúng ta có thế mạnh về lực lượng, phương tiện nhưng cũng nhằm hướng vào giải quyết những khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến quốc phòng - an ninh của đất nước, khu vực đặt ra. Nổi bật là, đề xuất sáng kiến thành lập Nhóm chuyên gia thứ 6 về “Hành động mìn nhân đạo” và cùng Ấn Độ đồng chủ trì lĩnh vực này; cùng Trung Quốc đồng chủ trì Nhóm chuyên gia “Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR)”. Tích cực tham gia và hoàn thành tốt các cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp quân y tại Bru-nây năm 2013, tại Thái Lan năm 2016 và diễn tập huấn luyện kết hợp Hành động mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình “Force 18” năm 2016 tại Ấn Độ. Kết thúc cuộc diễn tập này, các chuyên gia Ấn Độ đánh giá: “Việt Nam đã tham gia và đóng góp rất tích cực cho sự thành công của cuộc diễn tập, lực lượng Công binh Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nhất trong các nước tham gia diễn tập khắc phục hậu quả bom, mìn2. Qua đó, đã khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp ngày càng lớn hơn của Việt Nam trong cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị ADMM+ lần này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động tham gia trao đổi, bày tỏ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề nổi cộm của khu vực, như: bất ổn về an ninh, nguy cơ xung đột, nạn khủng bố, biến đổi khí hậu và tranh chấp chủ quyền trên biển cũng như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trên, Việt Nam đề nghị các nước phải chung tay giải quyết một cách thực tâm, có trách nhiệm vào cơ chế này. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là duy trì sự đoàn kết, thống nhất và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thách thức phải xuất phát từ nhận thức chung với “lòng tin chiến lược” theo khuôn khổ pháp lý chung, không vì lợi ích của riêng mình mà bỏ qua lợi ích của các nước láng giềng và các nước đối tác. Trên cơ sở bám sát thực tiễn, Việt Nam cũng đề xuất giải quyết vấn đề ngư dân trên biển, nhất là trên các vùng biển chồng lấn theo hướng: lấy giáo dục, tuyên truyền là chính, không đối xử thô bạo hoặc sử dụng vũ lực trong khi chờ một giải pháp thống nhất, lâu dài. Những đề xuất đó của việt Nam được Hội nghị ghi nhận, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Điều này càng thêm khẳng định, sự tích cực, chủ động với trách nhiệm cao và vai trò to lớn của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh khu vực.

3. Hiện nay, cấu trúc khu vực đang tiếp tục vận động và chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, bao gồm cả địa chính trị và địa kinh tế; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không,… trực tiếp tác động đến môi trường an ninh khu vực và hoạt động sinh sống của người dân. Trong khi đó, những thách thức an ninh phi truyền thống, như: an ninh năng lượng, nạn khủng bố quốc tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa,… đang ảnh hưởng tới toàn Cộng đồng mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được. Vì thế, hợp tác quốc phòng giữa các nước nói chung, hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ nói riêng là một cơ chế hết sức hữu ích đối với mỗi quốc gia và toàn khu vực, nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mang tính toàn cầu. Để góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng ở khu vực đi vào chiều sâu, thực chất, có hiệu quả và phù hợp với điều kiện đất nước, cần tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng trong đối ngoại và hợp tác về quốc phòng; trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, trong đó có các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực và các nước đối tác, làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chính sách, đối sách về đối ngoại quốc phòng phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và cả Cộng đồng trong các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, chủ động đấu tranh với các xu thế cạnh tranh, thỏa hiệp hoặc chính sách đi ngược lại lợi ích của đất nước và khu vực.

Ba là, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực chuyên môn của hệ thống cơ quan, đơn vị chuyên trách về đối ngoại quốc phòng. Trong đó, coi trọng công tác phát hiện, đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, nhất là trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên sâu và kiến thức tổng hợp,… đáp ứng yêu cầu hợp tác, đối ngoại về quốc phòng, cả song phương và đa phương.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam với nền quốc phòng hòa bình, tự vệ trên các diễn đàn đa phương, hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng; đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc làm tổn hại đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiếu tướng, TS. VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng
_______
__________

1 - Gồm: Mỹ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

2 - Tạp chí Quan hệ quốc tế, số IV-2016, tr. 31.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.