Chủ Nhật, 24/11/2024, 02:55 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Ngày 19-6-2013, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam – Trung Quốc đã ký 10 văn kiện hợp tác, trong đó có Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi) và Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền giữa hai nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác, góp phần xây dựng khu vực biên giới hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ truyền thống lâu đời. Nhân dân hai nước từng kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trước đây cũng như hiện nay, dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, quan hệ hai nước có lúc gặp khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị ở tầm cao chiến lược, lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn có nhận thức chung thống nhất: tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc là nhân tố quan trọng, trực tiếp không chỉ đối với sự phát triển của mỗi nước mà còn góp phần vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Trong những năm qua, với nỗ lực chung, quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung, trên lĩnh vực quốc phòng nói riêng không ngừng được củng cố và phát triển; trong đó, hợp tác về biên phòng tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu với những nội dung và hình thức mới. Ngày 27-8-2007, trên nền tảng của Nghị định thư về hợp tác quốc phòng (năm 2003) giữa Bộ Quốc phòng hai nước, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác biên phòng, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ đường biên giới chung giữa hai nước. Thực hiện Thỏa thuận này, hai bên đã tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân; trao đổi đoàn ở các cấp; phối hợp tuần tra song phương; tổ chức hội đàm, gặp gỡ, giao lưu giữa các đơn vị biên phòng, các lực lượng hai bên biên giới,… đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Bộ Tư lệnh (BTL) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo các đơn vị tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các tỉnh biên giới Trung Quốc thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng; phối hợp bảo vệ đường biên, mốc giới; xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh theo đúng Hiệp định, Hiệp ước đã ký; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới (KVBG), góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và để phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện pháp lý về biên giới đã ký giữa Chính phủ hai nước (Nghị định thư phân giới, cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc), tháng 6 vừa qua, hai nước đã ký 10 văn kiện hợp tác; trong đó, riêng Bộ Quốc phòng nước ta đã ký 02 văn kiện: Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi), Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc và là cơ quan có số văn bản hợp tác được ký nhiều nhất. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ đối ngoại quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc. Trong bối cảnh hai nước vừa thực hiện thành công Đối thoại Chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần thứ Tư thì sự kiện này càng khẳng định mối quan tâm sâu sắc của lãnh đạo và nhân dân hai nước đối với hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng và coi đây là một trong những nền tảng để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Trong thông báo chính thức của hai nước đều khẳng định: những văn kiện này sẽ góp phần củng cố khu vực biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình còn nhấn mạnh: đây là một trong ba điểm sáng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam – Trung Quốc1, góp phần quan trọng để tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và làm dịu đi những vấn đề phức tạp, nhạy cảm còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước theo hướng tích cực.
Việc ký kết các văn kiện này còn là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhất là xây dựng mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa các đơn vị cơ sở của BĐBP Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc; đồng thời, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả lưu thông người, phương tiện và hàng hóa hai bên biên giới, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 60 tỷ USD vào năm 2015. Kết quả việc chuẩn bị và thực hành ký kết các văn kiện đã khẳng định năng lực của cơ quan chức năng hai bên trong việc nắm tình hình, chủ động làm tham mưu, đề xuất vấn đề, phối hợp đàm phán, tạo đồng thuận cao giữa các bộ, ngành và địa phương tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên BTL BĐBP được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chủ trì chuẩn bị nội dung các văn kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực và với nhiều cơ quan đối tác của Trung Quốc, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ các bước theo quy định, vượt thời gian dự kiến, đáp ứng tốt yêu cầu của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong 02 văn kiện mà Bộ Quốc phòng tham gia ký kết với Trung Quốc lần này có 01 văn bản là sửa đổi, bổ sung và 01 văn bản hoàn toàn mới. Nội dung chính của 02 văn kiện chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng BĐBP, lực lượng tham gia bảo vệ biên giới và lực lượng làm công tác quản lý cửa khẩu của hai nước. Bản Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi) giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc gồm 2 phần, 9 điều và phụ lục; trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo tình hình các mặt; cùng bảo vệ, giữ gìn mốc giới, vật đánh dấu đường biên và đường thông tầm nhìn biên giới giúp cho việc quản lý, bảo vệ biên giới cũng như duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trật tự ở KVBG theo các hiệp định đã ký. Thứ hai, thành lập Cơ quan đại diện biên giới và Trạm gặp gỡ, hội đàm tại khu vực biên giới tương ứng của hai bên; trong đó, xác định rõ khu vực quản lý, chức trách, phương thức làm việc và biện pháp liên lạc của Cơ quan đại diện biên giới hai bên. Thứ ba, cùng phối hợp giải quyết kịp thời, tại chỗ các tình huống trên biên giới bằng phương pháp hòa bình, hạn chế việc bắt bớ, xử phạt; thực hiện xử lý nhanh, hiệu quả những vấn đề nảy sinh ở KVBG một cách ôn hòa, tạo thuận lợi cho nhân dân hai bên làm ăn, sinh sống. Thứ tư, tăng cường tổ chức tuần tra song phương, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự tin cậy, hiểu biết giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, làm nòng cốt cho phong trào đoàn kết nhân dân hai bên biên giới.
Đối với Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, hai bên đã thống nhất các nội dung về thành phần, chức năng, nhiệm vụ, phương thức làm việc cùng cơ chế hội họp của Ủy ban; về hiệp thương mở mới, nâng cấp cửa khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu; tăng cường phối hợp trong kiểm soát, kiểm nghiệm, giải quyết kịp thời các phát sinh, tạo sự thông thoáng trong việc xuất nhập cảnh (đối với người, phương tiện) và xuất nhập khẩu (đối với hàng hóa) qua biên giới; đồng thời, phối hợp ứng cứu khi có tình huống về thiên tai, địch họa, dịch bệnh ở cửa khẩu và khu vực cửa khẩu trên biên giới… Trong quá trình xây dựng nội dung đàm phán, BTL BĐBP đã chủ động đề xuất một số vấn đề mới mang tính đột phá, được Bạn đánh giá cao và đưa vào nội dung của văn kiện, nhất là tăng cường mô hình tuần tra song phương, tổ chức đại diện hai bên trên từng đoạn, tuyến biên giới và xử lý các sai phạm của công dân hai bên bằng biện pháp hòa bình, v.v.
Như vậy, phạm vi nội hàm của các văn kiện này không chỉ tác động trực tiếp đến lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước ở KVBG, mà còn liên quan, ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của cả hai bên, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có lợi ích trong hợp tác làm ăn và quan hệ qua lại hai bên biên giới, bảo đảm cho khu vực này vừa là “phên dậu” quốc gia, vừa là không gian giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước. Để cụ thể hóa và phát huy hiệu quả các văn kiện này trong thực tiễn, thời gian tới lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước cần thống nhất thực hiện một số nội dung sau:
Trước hết, hai bên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân KVBG nhận thức rõ nội dung các văn kiện về biên giới vừa được ký kết. Trong đó, tập trung nhấn mạnh về tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong quản lý và bảo vệ biên giới; chấp hành tốt các hiệp định, quy chế biên giới đất liền đã ký giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hai là, với chức năng, nhiệm vụ của mình, BTL BĐBP cùng với BTL các quân khu 1, 2, 3 của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các quân khu Quảng Châu, Thành Đô, Tổng cục Hải quan và Văn phòng quản lý Cửa khẩu quốc gia Trung Quốc duy trì các cuộc gặp gỡ cấp cao, thực hiện trao đổi đoàn hằng năm ở các cấp theo kế hoạch đã thống nhất; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tăng cường phối hợp, thăm hỏi, giao lưu hợp tác trong quản lý, bảo vệ biên giới. Đồng thời, hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến việc xây dựng, thống nhất mô hình, cơ chế hoạt động của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước bảo đảm gọn nhẹ, linh hoạt vừa phù hợp với hoạt động thực tiễn tại các cửa khẩu, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, hội họp và xử lý công việc của mỗi bên một cách có hiệu quả.
Ba là, căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa bàn, lực lượng Biên phòng hai nước chủ động làm tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Bốn là, tổ chức và duy trì thường xuyên, có hiệu quả hoạt động tại các Trạm gặp gỡ, hội đàm giữa hai bên; phát huy vai trò, trách nhiệm của Trưởng, Phó đại diện trên từng đoạn, tuyến biên giới để tăng cường nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác định kỳ cũng như đột xuất; đẩy mạnh phối hợp tuần tra song phương, kịp thời hiệp thương giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Năm là, thường xuyên phối hợp và có biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, thù địch hòng xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước.
Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị vùng biên giới hai nước bằng nhiều hình thức, như: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chúc mừng, chia sẻ,… nhân các sự kiện của hai nước, tạo mối quan hệ bền chặt ngay từ biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Thiếu tướng PHẠM HUY TẬP
Chính ủy Bộ đội Biên phòng ___________
1 - Hợp tác Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển giữa hai nước.
Hợp tác,biên phòng,
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng